Người dân Ninh Thuận vật vã vì áp thấp nhiệt đới do bão số 8 gây ra.
Đến sáng 19/11, một số nơi tại tỉnh Ninh Thuận vẫn còn chìm trong biển nước. Nhiều tuyến đường dân sinh đã bị chia cắt, người dân phải bì bõm lội nước để về nhà hoặc đi rẫy. (Ảnh: Duy Quan).
Đoạn đường vào thôn Từ Tâm, một số nơi nước vẫn còn ngập nặng. Đặc biệt là ở vị trí cổng chào, nước lớn làm nhiều xe bị chết máy. (Ảnh: Duy Quan)
Sáng nay, việc đi lại của 3.377 hộ dân/trên 15.000 khẩu của xã Phước Hải gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Duy Quan)
7h sáng, anh Lâm Nhật Tiến (ngụ thôn Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đi làm qua khu vực thôn Từ Tâm thì xe bị chết máy. Đang hì hục thổi bugi, anh Tiến thở dài nói: “Mưa lớn từ ngày hôm qua gây ngập nặng nhiều nơi, tôi tưởng đường Từ Tâm không ngập nên đi đường này để đi làm, ai ngờ đâu chỗ này còn ngập nặng hơn." (Ảnh: Duy Quan)
Không riêng gì anh Tiến, nhiều người dân khi đi qua khu vực thôn Từ Tâm đều chịu cảnh xe chết máy.(Ảnh: Duy Quan)
Cách cổng chào thôn Từ Tâm khoảng 1km là tuyến đường liên xã Phước Hải đi thị trấn Phước Dân và các vùng lân cận khác cũng đã bị ngập. Người dân tại đây đã cùng nhau dọn đường, khai thông dòng chảy để nước rút nhanh nhất. (Ảnh: Duy Quan).
Do đường ngập nặng các cụ già đi lại rất khó khăn phải có người dìu dắt các cụ mới có thể đi được. (Ảnh: Duy Quan)
Cũng tại tuyến đường liên xã Phước Hải đi thị trấn Phước Dân và các vùng lân cận, cây cầu duy nhất là Từ Tâm 1 cũng đã bị sập nhịp giữa, việc đi lại của người dân gặp muôn vàn khó khăn. “Cây cầu này đã sập từ 10h trưa ngày 18/11. Đây là tuyến đường liên thôn, liên xã huyết mạch của người dân, bây giờ cây cầu này sập người dân phải đi đường vòng hơn 10km mới có thể ra được thị trấn Phước Dân hoặc ra các vùng lân cận khác. Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành sớm sửa chữa lại cây cầu này để người dân đi lại dễ dàng hơn”, anh Nguyễn Văn Dũng (ngụ thôn Từ Tâm 1, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) lo lắng nói.(Ảnh: Duy Quan)
Cũng tại xã Phước Hải, theo ghi nhận của PV, hiện tại đây cũng đã có nhiều diện tích hoa màu của người dân đã bị ngập trong nước. Các hộ lo lắng nên đã thu hoạch sớm để giảm thiệt hại. (Ảnh: Duy Quan).
Gia đình chị Lê Thị Cúc có 2.000m2 củ cải trắng còn gần 10 ngày nữa mới thu hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên diện tích hoa màu của chị đã chìm trong nước. Đến sáng nay chị phải bấm bụng thu hoạch sớm để giảm thiệt hại. (Ảnh: Duy Quan).
“Củ cải của gia đình tôi còn đến 10 ngày nữa mới thu hoạch nhưng bây giờ ngập hết thế này gia đình đành phải thu hoạch sớm được đồng nào hay đồng đó. Chứ thiệt là hơn phân nửa rồi”, chị Lê Thị Cúc (42 tuổi, ngụ thôn Hòa Thủy, xã Phước Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) buồn bã nói. (Ảnh: Duy Quan).
Chị Phan Ngọc Tuyết (ngụ thôn Từ Tâm 1) cho biết: “Nước bắt đầu vào nhà khoảng 18h ngày hôm qua. Bố mẹ tôi lớn tuổi nên đã di chuyển ra làng để ở. Còn tôi và một đứa con nhỏ phải ở lại đây để trông nom tài sản không đi được”. (Ảnh: Duy Quan).
Để tránh hư hại tài sản, chị Tuyết phải di chuyển lên chỗ cao hơn. Mọi sinh hoạt như nấu ăn, vệ sinh của gia đình gặp nhiều bất tiện. “Cơm tôi đã nấu từ hôm qua bây giờ hâm nóng lại để ăn, chắc chỉ ăn với mắm hoặc mì tôm chứ không nấu nướng gì được”, chị Tuyết nói thêm. (Ảnh: Duy Quan).
10h30 sáng nay, PV báo Người Đưa Tin đã có mặt tại cầu Hòa Thủy để ghi nhận tình hình. Tại thời điểm trên một dải lục bình dài gần 2km đã ngăn dòng chảy. UBND xã Phước Hải đã điều một xe cẩu đến để khai thông dòng chảy để tránh xảy ra tình trạng sập cầu. Trao đổi với PV, ông Huỳnh Thanh Huy Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hải cho biết: “Từ 18h ngày 18/11, nước từ thượng nguồn đổ về mạnh đã kéo theo nhiều lục bình, đến cầu Hòa Thủy thì lục bình bị vướng lại. UBND cũng đã bắt đầu khai thông dòng chảy từ chiều tối qua nhưng dự kiến phải đến 1, 2 ngày nữa mới có thể dọn hết được số lục bình này”. (Ảnh: Duy Quan)
"Hiện tại địa phương cũng đã cử cán bộ đi các thôn để ghi nhận tình hình thiệt hại của bà con trong xã. Theo báo cáo sơ bộ đến thời điểm này toàn xã đã có 760ha rau màu và lúa các loại đã bị ngập và một cây cầu Từ Tâm bị sập. UBND xã cũng sẽ tăng cường lực lượng địa phương để giúp người dân ổn định cuộc sống. Địa phương cũng đã có kiến nghị lên cấp trên về việc cầu sập để sớm giúp bà con được có cây cầu đi lại", ông Thái cho biết thêm. Đến sáng nay, trên 1.200 học sinh của 6 trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở tại xã Phước Hải cũng đã đồng loạt nghỉ học do nước vẫn còn ngập nặng ở các điểm trường. (Ảnh: Duy Quan).
Từ 21h tối 18/11, nhiều nhà người dân sống ven sông Dinh thuộc thành phố Phan Rang – Tháp Chàm cũng đã bị ngập. Các gia đình phải di chuyển đàn gia súc của mình đi trong đêm để tránh bị lũ bất ngờ xảy ra. (Ảnh: Duy Quan).