Bà Mẫu Thị Bích Phanh chia sẻ về việc nghiên cứu chữ viết riêng cho đồng bào Raglai.
Những ngày đầu tháng 11, PV báo Người Đưa Tin đã đến thăm bà Mẫu Thị Bích Phanh 70 tuổi tại nhà riêng ở thôn Ma Hoa (xã Phước Đại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận). Vừa bước chân đến cửa nhà, PV đã bắt gặp được hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn đang ngồi cặm cụi nghiên cứu, đối chiếu tài liệu biên soạn các câu giao tiếp phổ thông từ tiếng Raglai sang mẫu tự La-tinh. (Ảnh: Duy Quan).
Bà Mấu Thị Bích Phanh chia sẻ: “Năm 1969, khi tôi đang học lớp 10 tại một trường ở Thái Nguyên thì được các anh chị của Đài Tiếng nói Việt Nam đến nhờ dịch bài viết có độ dài một trang giấy A4 nói về tình cảm học sinh dân tộc thiểu số miền Nam học tập tại miền Bắc được Đảng, Bác Hồ quan tâm chăm lo rèn luyện, giáo dục. Đến năm 1993, ban Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh mời tôi làm cộng tác viên biên dịch bản tin tiếng Việt sang tiếng Raglai để phát sóng phục vụ cho bà con đồng bào dân tộc Raglai. Từ những lần tiếp cận với các chương trình dành riêng cho đồng bào Raglai mà tôi đã đam mê, tâm huyết với công việc biên dịch, nghiên cứu, biên soạn tài liệu tiếng Raglai để giảng dạy cho cán bộ đang công tác ở các xã miền núi, vùng cao tỉnh Ninh Thuận". (Ảnh: Duy Quan).
Ông Nguyễn Hải Liên, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - hội Văn nghệ dân gian tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Ngay từ thời chống Mỹ cứu nước đã có nhiều nhân vật là cán bộ người Kinh, cán bộ người Raglai cũng đã nghiên cứu chữ viết Raglai bằng cách La-tinh hóa nhưng rồi cũng dần đi vào quên lãng. Hiện tại, chỉ có chị Phanh hay anh Chamalé Liếp là những con người có tâm huyết. Một số người khác đang công tác trong ngành giáo dục họ cũng rất mong muốn có chữ viết Raglai bởi vì 1 dân tộc sống trong thời đại khoa học - công nghệ 4.0 mà lại không có chữ viết thì làm sao bộc lộ, giới thiệu cho được những khát vọng, những ý tưởng về văn hóa cho mọi người được biết. Người Raglai họ rất tha thiết có được chữ viết riêng của mình”. (Ảnh: Duy Quan).
“Tôi rất ủng hộ công trình nghiên cứu chữ viết Raglai của chị Phanh bởi nó là một công trình văn hóa đồ sộ hết sức cần thiết cho sự phát triển của người Raglai cũng như các tộc người khác trong và ngoài tỉnh Ninh Thuận và lợi cho những nhà nghiên cứu văn hóa Raglai như tôi có thêm nhiều sưu tầm hay về văn hóa người Raglai trong tương lai”, ông Nguyễn Hải Liên cho biết thêm. (Ảnh: Duy Quan).