Clip lực lượng kiểm lâm và lực lượng của các tổ cộng đồng bảo vệ rừng đi kiểm tra thực tế tại các khu rừng có nguy cơ cháy cao.
Tăng cường lực lượng
Những ngày giữa tháng 3, PV báo Người Đưa Tin được chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận dẫn đi ghi nhận thực tế tại một số cánh rừng ở huyện Bác Ái, nơi được cảnh báo xảy ra cháy rừng cao nhất tại Ninh Thuận.
Dẫn PV đi thực tế ông Nguyễn Huệ, trưởng phòng Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Sông Sắt cho hay: “Tại lâm phần thuộc sự quản lý rừng hồ Sông Sắt thì nguy cơ cháy rừng đã ở cấp IV. Thời tiết hiện tại đang nắng nóng, hanh khô kéo dài cùng với độ ẩm thấp làm cho thảm thực vật rừng tự nhiên trở nên khô hơn. Đơn vị cũng đang chủ động với việc phòng chống cháy rừng trong mùa khô”.
Ông Huệ còn cho biết thêm, tại lâm phần đơn vị quản lý, ngay từ trước Tết Nguyên đán đến nay, các tổ cộng đồng bảo vệ rừng nơi đây đang tích cực chia ca ra trực 24/24 để chủ động ứng phó với cháy rừng trong mùa khô.
Ngoài việc ngăn chặn lâm tặc và tuyên truyền cho bà con hạn chế chặt phá rừng làm nương rẫy. Đến mùa khô, đặc biệt là những tháng cao điểm từ tháng 2 - 5, các thành viên tại các tổ cộng đồng bảo vệ rừng ở huyện Bác Ái lại bắt đầu chia tổ, chia ca, để bảo vệ từng diện tích rừng không bị cháy.
Tại tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Ma Hoa, xã Phước Đại, huyện Bác Ái các thành viên cũng đang túc trực 24/24 để đề phòng cháy rừng có thể xảy ra. Trao đổi với PV anh Katơr Ái, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng thôn Ma Hoa cho hay: "Diện tích rừng hiện nay do tổ quản lý là 825 ha. Các công tác phòng cháy rừng cũng đã được triển khai đến các thành viên”.
Còn tại thôn Suối Rớ (xã Phước Chính) tổ cộng đồng bảo vệ rừng cũng đang tất tả chuẩn bị những dụng cụ cần thiết như: dụng cụ dập lửa, bình nước,…để đề phòng khi có xảy ra sự cố cháy rừng là các thành viên sẽ ứng phó kịp thời không để xảy ra cháy lớn, cháy lan ra các vùng khác.
Để hiểu rõ hơn về tình hình rừng đang hanh khô như thế nào, PV cũng đã theo chân các thành viên trong tổ bảo vệ rừng thôn Suối Rớ vào rừng để kiểm tra thực tế.
Sau gần 1 giờ di chuyển, các thành viên cũng đã đến khu vực đã được đánh dấu sẵn về nguy cơ cháy rừng cao, tại đây anh Chamaléa Hảo, Tổ trưởng Tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Suối Rớ cho hay: “Thời tiết bây giờ rất nắng nóng và hanh khô. Trước tình hình đó, tất cả 13 thành viên cũng đã sẵn sàng cho công tác phòng, chữa cháy rừng. Anh em chia thành nhiều ca để trực liên tục, khi phát hiện có cháy xảy ra sẽ ứng phó kịp thời”.
Ngoài các thành viên trong các tổ bảo vệ rừng cộng đồng thì thời điểm này các lực lượng cơ động của các Hạt kiểm lâm Bác Ái cũng được tăng cường.
Tình cờ gặp anh Mai Trí Cảng, cán bộ cơ động Hạt Kiểm lâm huyện Bác Ái, PV được anh Cảng cho hay: “Đơn vị đã tăng cường, bố trí các lực lượng cơ động về cùng hỗ trợ với các địa phương trong công tác phòng, chống cháy rừng trong mùa khô năm 2019. Cùng với đó, ngăn chặn lâm tặc và tuyên truyền cho bà con bảo vệ rừng tốt hơn.
Nguy cơ cháy rừng ở cấp V
Theo thống kê của chi cục Kiểm lâm thì hiện nay tỉnh Ninh Thuận có diện tích rừng 167.000 ha. Dự báo nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh đang ở cấp IV và trong thời gian tới sẽ tăng lên cấp V. Đây là những cấp nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn, tốc độ tràn lửa rất nhanh.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Dương Đình Sơn, phó Chi cục trưởng phụ trách chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Thời gian qua, các vụ cháy rừng ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn thường xảy ra tại những khu rừng khộp, những nơi có nhiều cây họ dầu tái sinh. Cụ thể: Thường xảy ra cháy rừng ở các tiểu khu 83, 82b (xã Phước Chính); tiểu khu 48, 49a, 49b (xã Phước Thành); tiểu khu 59b, 70, 60a, 60b (xã Phước Đại). Đối với địa bàn huyện Ninh Sơn thường xảy ra cháy rừng ở các tiểu khu 106a, 103a, 103b, 105b (xã Hòa Sơn); tiểu khu 105a, 109, 115, 120, 117 (xã Ma Nới)”.
Ông Sơn cũng lo lắng nói: “Do thói quen làm rẫy đan xen với rừng của bà con vùng cao thì khi dọn, phát ranh bụi cây bà con thường xử lý bằng cách đốt thực bì nên tình trạng cháy rừng xảy ra vào mùa khô rất cao; một số đối tượng khác khi vào rừng sử dụng lửa không dập tắt nên cũng dễ xảy ra cháy rừng”.
Để ứng phó kịp thời với nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra, từ đầu mùa khô, các địa phương đã củng cố được 35 Ban chỉ huy bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng ở những nơi có rừng trọng điểm. Cùng với đó, các đơn vị còn bố trí 59 điểm trực ngoài thực địa, thực hiện trực tiếp phòng chống cháy rừng, nghiêm túc theo phương châm “Chữa cháy phải khẩn trương, kịp thời, không để cháy lớn, cháy lan, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài nguyên rừng”.
Ông Dương Đình Sơn cho biết thêm: "Hiện nay, ngành đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng tiến hành phát dọn, đốt trước có điều khiển, tạo các đường băng cản lửa, khoanh lô để ngăn chặn cháy lan. Ngoài ra, kiểm lâm địa bàn và các đơn vị chủ rừng triển khai hướng dẫn bà con không tự ý đốt nương rẫy khi chưa có sự cho phép hoặc hướng dẫn cán bộ, không vào rừng giờ cao điểm, báo cháy và tham gia chữa cháy rừng kịp thời ngay khi phát hiện”.