Người dân Ninh Thuận nói về việc đất bị nhiễm mặn
Ngày 16/10, PV báo Người Đưa Tin đã về xã Nhơn Hải, ghi nhận thực tế về tình trạng đất nhiễm mặn ở đây. Theo tìm hiểu của PV, tình trạng này đã xuất hiện từ 8 năm trở lại đây và nghiêm trọng nhất là 2 năm 2017 và 2018.
Vào thời điểm này, trên địa bàn 2 thôn Mỹ Tường 1 và Mỹ Tường 2 xuất hiện nhiều cở sở sản xuất giống thủy sản như: tôm giống, ốc hương… Các cơ sở này đã xả nước thải trực tiếp ra môi trường làm cho nguồn nước và hàng chục ha đất sản xuất của nông dân bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.
Để hiểu tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV đã đến tìm đến các hộ dân tại 2 thôn Mỹ Tường 1 và Mỹ Tường 2. Điều dễ nhận thấy ở đây là một số diện tích đất của bà con đã bỏ hoang không thể sản xuất được.
Gia đình anh Nguyễn Văn Vương (ngụ thôn Mỹ Tường 2) có 3 sào (3.000 m2) đất nông nghiệp. Gần 3 năm nay, gia đình anh Lương phải liên tục chuyển từ cây trồng này sang cây trồng khác để phù hợp với nguồn đất và nước đang bị nhiễm mặn nghiêm trọng.
Mặc dù chuyển đổi liên tục nhưng cây trồng đều phát triển chậm, cho năng suất thấp hoặc cây non ngã vàng rồi chết héo.
Cách gia đình anh Vương khoảng 100 mét là gia đình anh Trần Thao (ngụ thôn Mỹ Tường 2) đã xuống giống 2,5 sào (2.500 m2) hành được 6 ngày nhưng đến thời điểm hiện tại cây hành vẫn chưa mọc được cây non. Anh Thao cho biết: “Bình thường nếu như đất và nước không bị nhiễm mặn thì khoảng 2 – 3 ngày, cây hành sẽ nảy mầm và phát triển rất đều. Nhưng hiện tại 2,5 sào hành của tôi vẫn không phát triển được”.
“Mỗi năm nông dân chúng tôi có thể sản xuất được 4 – 5 vụ hành/năm. Nhưng kể từ năm 2010 đến nay, mỗi năm chỉ sản xuất được 1 – 2 vụ hành/năm. Như gia đình tôi năm 2018 này mới xuống giống được vụ hành đầu tiên vì toàn bộ đất sản xuất và nước bị nhiễm mặn rất nặng. Bây giờ chỉ hy vọng trời mưa để rửa mặn, có như vậy cây hành mới phát triển được, còn nếu không mưa thì chắc chắn sẽ mất trắng 30.000.000 đồng tiền đầu tư”, ông Trần Thao buồn bã nói.
Theo anh Vương và anh Thao, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm mặn là do các cở sở sản xuất giống thủy sản không có hệ thống xử lý nước thải, vô tư xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh. Từ đó, nước biển xả thải thẩm thấu vào đất, khiến cho nguồn nước tưới và đất bị nhiễm mặn, nông dân không thể trồng hành, tỏi và cây hoa màu khác.
Trên 20 năm gắn bó với cây hành trên vùng đất Trũng Tranh thuộc thôn Mỹ Tường 2, ông Trịnh Ngọc Hòa (ngụ thôn Mỹ Tường 1) thấy rất rõ được sự vất vả của người dân khi nguồn nước và đất sản xuất đang bị nhiễm mặn từ các cơ sở sản xuất giống thủy sản gây ra.
Ông Hòa cho biết: “Hơn 6 năm qua, do tình trạng nhiễm mặn ngày càng lan rộng, để có nước tưới, nhiều gia đình phải vào trong làng đào giếng rồi từ giếng kéo đường ống nước dài cả cây số tới đất sản xuất, tốn hàng chục triệu đồng. Như gia đình tôi phải đầu tư 80.000.000 đồng để đào giếng và mua ống nước để đấu nối từ giếng ra đất sản xuất để tưới cho cho 4 sào hành (4.000 m2), ước tính tôi kéo dài khoảng 1km”.
Đối với những hộ giáp ranh không có điều kiện đào giếng, đành phải lấy nước sinh hoạt từ hệ thống nước máy pha trộn với nước giếng, để làm loãng độ mặn tưới cho cây trồng.
Một số hộ khác tìm cách chuyển đổi từ trồng hành, tỏi sang trồng rau ngò hoặc cây trồng khác. Tuy nhiên, thiếu nước tưới, thì năng suất cây trồng ngày càng thấp, thu nhập giảm, đời sống của nhiều nông hộ ngày càng khó khăn.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Trần Đồng Linh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho biết: “Hiện nay, địa phương cũng vận động các trại tôm tạm thời ngưng mở rộng thêm diện tích nuôi tại hai thôn Mỹ Tường 1 và Mỹ Tường 2 để chờ có vùng quy hoạch mới. UBND xã cũng đã cử cán bộ đi khảo sát và vận động người dân chủ động lấy nước sinh hoạt hoặc nước từ trong làng ra để sản xuất”.
Trước những khó khăn mà bà con nông dân đang gặp phải, ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã đi kiểm tra thực tế tình hình nhiễm mặn tại xã Nhơn Hải. Ông Trần Quốc Nam nhận định: “Thực trạng nhiễm mặn là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, nước biển xâm thực; thực trạng xả thải của các trại tôm giống và cả thói quen sản xuất nông nghiệp manh mún của nông dân địa phương”.
“UBND huyện Ninh Hải cần thành lập ngay Ban chỉ đạo chuyên đề khắc phục tình trạng nhiễm mặn, gắn trách nhiệm cụ thể với các ban, ngành, chính quyền địa phương tổ chức lại sản xuất để ổn định cuộc sống cho nhân dân; các sở, ngành liên quan phối hợp với chính quyền địa phương thành lập đoàn kiểm tra tình hình nhiễm mặn, tìm ra nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý; đồng thời kiểm tra, rà soát tình trạng sử dụng đất, hồ sơ môi trường, việc xả thải của các trại sản xuất tôm giống trên địa bàn xã, nếu cơ sở nào chưa đạt yêu cầu, kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật. Các ngành liên quan sớm bàn giao quy hoạch chi tiết về khu vực nuôi trồng thủy sản cho chính quyền địa phương; tăng cường, nâng cao trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về đất đai và môi trường”, ông Nam nói.