Clip nông dân Ninh Thuận nói về việc thiếu nước sản xuất dẫn đến lúa chết.
“Khổ” vì thiếu nước sản xuất
Có mặt tại khu vực Đồng Cây Xanh, thuộc thôn Đồng Dầy, xã Phước Trung (huyện Bác Ái) vào lúc 9h trưa ngày 4/4, PV báo Người Đưa Tin đã chứng kiến được hình ảnh nhiều diện tích lúa của bà con nông dân đã bị chết khô, các diện tích còn lại lúa phát triển rất kém. Mặc dù đã xuống giống được hơn 2 tháng nhưng cây lúa còi cọc, lá úa vàng, thậm chí có cây lúa đến nay vẫn chưa có hạt.
Để cứu nguy cho lúa, nông dân ở thôn Đồng Dầy đã bỏ tiền túi thuê xe máy múc để đào ao tìm nguồn nước ngầm. “Từ mấy tháng nay, nông dân chúng tôi mỗi người 200.000 đồng góp vào để thuê xe máy múc nạo vét ao của nhà ông Chamaléa Sinh gần đó để lấy nước ngầm tưới cho lúa, chứ không là lúa sẽ chết hết”, anh Katơ Phay (ngụ thôn Đồng Dầy, xã Phước Trung) cho biết.
Dẫn PV đi thực tế tại các cánh đồng lúa đang “khát” nước anh Chamaléa Hớ (ngụ thôn Đồng Dầy, xã Phước Trung) thở dài cho hay: “2 sào lúa nhà tôi cách đây 4 ngày coi như úa vàng hết và đang dần chết khô. Tuy nhiên, sau đó tôi được “ké” nước tại ao nhà ông Chamaléa Sinh nên lúa đã dần phục hồi trở lại. Nếu không có nước chắc bỏ cho bò ăn”.
“Lúa hiện nay đã phục hồi xanh lại, nhưng sản lượng chắc không có, bây giờ lúa đã hơn 2 tháng nhưng vẫn chưa có hạt và rất còi cọc. Tôi cũng đã tốn gần 500.000 đồng tiền mua dầu, thuê xe máy múc”, anh Hớ buồn rầu nói.
Cách đó không xa là 2,3 sào lúa nhà anh Katơr Phay (ngụ thôn Đồng Dầy) cũng trong tình cảnh tương tự. Hơn 60% diện tích lúa của gia đình anh bị thiệt hại, cây lúa đã hơn 2 tháng nhưng sinh trưởng kém. Anh Phay buồn bã cho hay: “Hầu như lúa của bà con khu vực Đồng Cây Xanh đều bị thiệt hại hoàn toàn. Nhiều gia đình không có tiền đầu tư nước đã bỏ ruộng cháy khô và cho bò ăn”.
“Khu vực Đồng Cây Xanh lúc trước cũng được địa phương khuyến cáo không nên xuống giống để trồng lúa vì sẽ thiếu nước. Nhưng, nếu không trồng lúa thì bà con nông dân chúng tôi không có lương thực để ăn cũng không có rơm, rạ cho gia súc trong mùa này”, anh Phay bộc bạch.
Theo một số hộ dân chia sẻ, để có nước “cứu” cây lúa thì họ phải mất chi phí từ 300.000 đồng – 450.000 đồng để mua dầu đổ vào máy nước và phải mất từ 2 - 3 ngày đêm mới có nước đủ cho 2 sào lúa đang “khát”.
Trăm bề khốn khó
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin cũng đã liên hệ với UBND xã Phước Trung để hiểu rõ hơn về sự việc này. Trao đổi với PV, ông Hứa Xuân Quang, Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã cho biết: “Do cuối năm 2018, trên địa bàn xã Phước Trung có nhiều cơn mưa lớn nên bà con đã vội vàng xuống giống trồng lúa... Trước tình hình đó, UBND xã cũng đã khuyến cáo bà con nên chuyển đổi cây trồng sang các loại cây màu ngắn ngày như: ngô, đậu xanh,…để tiết kiệm nước, nhưng bà con không nghe lại cố tình xuống giống trồng lúa nước”.
Ông Quang cũng cho biết thêm, khi phát hiện bà con xuống giống lúa xã cũng đã lập biên bản phạt một số hộ vi phạm. Một số còn lại cũng đã cam kết nếu xuống giống trồng lúa mà hư hại thì sẽ chịu trách nhiệm.
“Trước đó đã có gần 90 hộ dân làm đơn gửi lên xã cầu cứu về nguồn nước tưới, tuy nhiên việc này nằm ngoài lĩnh vực giải quyết của xã, nên xã đã gửi 90 đơn này lên huyện để xem xét giải quyết”, ông Quang cho biết.
Theo thống kê của công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, khu vực thôn Đồng Dầy có 53,24ha đất nông nghiệp trồng lúa và 44,3ha cây hoa màu như: ngô, đậu xanh,…. Trước đó, do thiếu nước sản xuất nên đã có trên 9ha lúa của bà con hư hại hoàn toàn. Hiện tại, còn 27ha lúa đang trong thời kỳ trổ bông và sắp thu hoạch.
Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Giám đốc công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Theo kế hoạch của UBND tỉnh giao thì khu vực Đồng Cây Xanh của thôn Đồng Dầy chỉ được xuống giống trồng cây màu ngắn ngày như: ngô, đậu xanh,…để tiết kiệm nước, bởi theo trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, trong 6 tháng đầu năm của năm 2019 sẽ có khả năng xảy ra hạn anino. Trước tình hình như thế công ty cũng đã điều tiết nước để tưới cho cây màu. Tuy nhiên, cuối năm 2018 có một số cơn mưa lớn nên bà con tranh thủ xuống giống trồng lúa với diện tích là 53,24ha, nên đã xảy ra tình trạng thiếu nước tại khu vực Đồng Cây Xanh”.
“Trước tình hình thiếu nước, công ty cũng đã cố gắng điều tiết nước giúp bà con ổn định sản xuất, mỗi tuần công ty mở nước 3 ngày đêm. Cụ thể, mở nước từ 7h sáng thứ 2 đến 7h sáng thứ 5 là ngưng cấp nước để bà con có nước tưới cho các diện tích sắp thu hoạch, không để bà con “khát” nước”, ông Hùng cho hay.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, thời gian tới công ty cũng phải điều tiết nước sao cho phù hợp để hồ Phước Nhơn (thôn Đồng Dầy, xã Phước Trung) còn dung tích nước trên 300 triệu m3 để đảm bảo nước cho sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi của bà con xã Phước Trung trong vụ Hè - Thu sắp đến.