Từ chối nhận học viên vì…“đuối” kinh phí
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 3 trung tâm đào tạo nghề lái xe hạng C, hạng B cho bộ đội, công an sau khi xuất ngũ gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp lái xe Ninh Thuận (công ty TNHH Kiểm định và Tư vấn xây dựng 3T); trường cao đẳng Nghề Ninh Thuận và trung tâm Giáo dục nghề nghiệp lái xe Lạc Hồng.
Tuy nhiên, theo phản ánh, thời gian gần đây hàng trăm thanh niên là bộ đội, công an xuất ngũ tại Ninh Thuận khi đến nộp thẻ để học nghề lái xe hạng C, hạng B tại các trung tâm, cơ sở đào tạo nghề đều bị từ chối với lý do đã hết kinh phí đào tạo.
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 14/8, trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Võ Đăng Phương, Giám đốc điều hành trung tâm Giáo dục nghề nghiệp lái xe Ninh Thuận cho biết: “Từ năm 2015 đến 2018, trung tâm đã đào tạo nghề lái xe hạng C và hạng B cho 322 học viên là bộ đội xuất ngũ với tổng kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì trung tâm chưa được thanh toán số tiền trên”.
“Để đảm bảo quyền lợi cho bộ đội xuất ngũ chúng tôi phải vay ngân hàng để tiếp tục đào tạo nghề trong mấy năm liền. Từ đầu tháng 1/2019 đến nay, trung tâm cũng đã tiếp nhận 62 thẻ học nghề, nhưng từ chối đào tạo vì không gồng gánh được kinh phí”, ông Phương chia sẻ.
Lý giải nguyên nhân "thiếu tiền, ông Phương cho biết, trước đây, khi bộ Quốc phòng đảm nhận công tác cấp, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho bộ đội sau khi xuất ngũ, thì thanh toán sau mỗi khóa đào tạo rất nhanh.
Sau khi đào tạo xong, các trung tâm lập hồ sơ, tổng hợp danh sách học viên kèm theo thẻ học nghề của từng học viên gửi đến Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, chậm nhất là 7 ngày và sẽ được thanh toán toàn bộ kinh phí, nên các trung tâm có điều kiện tiếp tục đầu tư để đào tạo khóa tiếp theo.
Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 9/7/2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm, có hiệu lực từ ngày 1/9/2015, thì việc chi trả kinh phí đào tạo nghề không do bộ Quốc phòng đảm nhận mà chuyển sang bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội.
"Kể từ đó (ngày 1/9/2015), chúng tôi chưa nhận được kinh phí thanh toán của các khóa đã đào tạo xong", ông Phương nói.
Cũng chung khó khăn trên, đại diện trung tâm Giáo dục nghề nghiệp lái xe Lạc Hồng cho biết đơn vị cũng chưa được thanh toán số tiền 1,4 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại cho 102 học viên là bộ đội xuất ngũ. Trung tâm đào tạo lái xe trường cao đẳng nghề Ninh Thuận chưa được thanh toán là 1,6 tỷ đồng - tương ứng số tiền đã đào tạo cho 131 học viên.
Đợi đến bao giờ?
Trong khi đó, tại buổi làm việc với PV Người Đưa Tin, ông Hà Anh Quang, Giám đốc sở Lao động – Thương binh và Xã hội Ninh Thuận thừa nhận: “Sở cũng đã nhận được phản ánh của các trung tâm đào tạo lái xe cho bộ đội xuất ngũ. Việc các trung tâm không tiếp tục đào tạo lái xe hạng C, B cho bộ đội xuất ngũ Sở cũng biết, nhưng không có quyền ép họ phải tiếp tục đào tạo.
Trong khi đó thời gian sử dụng thẻ học nghề của bộ đội sau khi xuất ngũ rất ngắn (12 tháng kể từ ngày xuất ngũ - PV), nên nhiều thanh niên gặp khó khăn vì không có điều kiện để học nghề”.
“Mới đây, Sở cũng đã có văn bản báo cáo, kiến nghị với bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sớm tham mưu bộ Tài chính cấp kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho thanh niên là bộ đội xuất ngũ tại Ninh Thuận giai đoạn 2015 - 2018 và những năm tiếp theo. Đến nay, Sở vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bộ”, ông Hà Anh Quang trần tình.
Theo báo cáo của sở Lao động – Thương binh và Xã hội Ninh Thuận, từ ngày 1/9/2015 đến 31/12/2018, 3 trung tâm đào tạo lái xe nêu trên đã tiếp nhận và đào tạo nghề lái xe hạng C, hạng B cho 555 thanh niên là bộ đội xuất ngũ đến đăng ký học nghề và nộp thẻ học nghề do Quân đội nhân dân Việt Nam cấp. Tổng kinh phí đào tạo của 3 đơn vị hơn 7,2 tỷ đồng đều chưa được thanh toán.
“Các trung tâm đào tạo nghề lái xe cho bộ đội, công an xuất ngũ cũng rất mong sớm được nhận khoản thanh toán mà họ đã tạm ứng mấy năm qua, để tiếp tục đào tạo nghề cho bộ đội, công an xuất ngũ”, ông Hà Anh Quang, Giám đốc sở Lao động – Thương binh và Xã hội Ninh Thuận chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 16/5, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã có Công văn số 2046 do Chủ tịch Lưu Xuân Vĩnh ký gửi bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và bộ Tài Chính, đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho 555 bộ đội xuất ngũ từ ngày 1/9/2015 đến nay của tỉnh Ninh Thuận với tổng số tiền hơn 7,2 tỷ đồng. Nhưng địa phương chưa nhận được trả lời từ hai Bộ nêu trên.
Theo Thông tư số 43/2016 của bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội ban hành ngày 28/12/2016 hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 của Nghị định 61 của Chính phủ.
Tại điểm 4, Điều 3 của Thông tư 43 nêu rõ: Nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp qua thẻ cho thanh niên do ngân sách trung ương và ngân sách địa phương bảo đảm, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên, được giao hàng năm của Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Hằng năm, nguồn kinh phí do ngân sách trung ương bảo đảm nếu thiếu, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương báo cáo bộ Tài chính để giao bổ sung kinh phí thực hiện.