Cụ thể, từ ngày 10 - 13/2/2020, phân xưởng Chưng cất dầu thô (CDU) đã chế biến hỗn hợp dầu thô nhập khẩu bao gồm 12% dầu WTI (Mỹ) + 40% dầu Azeri Light (Azerbaijan) + 1% dầu Champion (Brunei) ở công suất Nhà máy 109%. Riêng dầu Azeri Light, trước đây NMLD Dung Quất đã chế biến với khối lượng lên tới 60% tại công suất nhà máy 105%.
Việc tăng tỉ lệ dầu nhập khẩu đưa vào chế biến nhằm bổ sung cho sản lượng dầu thô Bạch Hổ và dầu nội địa khác do giảm sản lượng. Đồng thời, việc mua được dầu nhập khẩu với giá cả hợp lý, nguồn cung dồi dào sẽ mang lại lợi ích tối đa cho BSR.
6 tháng đầu năm 2020 (tính đến trước thời điểm nhà máy bảo dưỡng tổng thể lần 4 - TA4), NMLD Dung Quất sẽ chế biến 5 loại dầu trong nước (Bạch Hổ, Heavy Bạch Hổ, Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen và Chim Sáo) và 3 loại dầu nhập khẩu (Azeri Light, WTI và Champion). Với việc thuế nhập khẩu dầu thô về 0%, đã mở ra cho BSR cơ hội lớn để nhập khẩu khẩu dầu thô từ các nguồn dầu có trữ lượng lớn và khả năng chế biến cao tại Nhà máy, như dầu Azeri Light của Azerbaijan và dầu WTI của Mỹ.
Vì vậy, kể từ năm 2020 cho đến 2024, Nhà máy sẽ tăng dần tỷ trọng dầu thô nhập khẩu để thay thế dầu thô trong nước ngày càng sụt giảm. Đến nay, BSR xác định được 67 loại dầu thô tiềm năng có thể phối trộn với dầu thô Bạch Hổ, trong đó có 9 loại dầu Việt Nam và 58 loại dầu nhập khẩu. Trên thực tế đã chế biến được 19 loại dầu thô khác nhau ngoài dầu thô Bạch Hổ, góp phần đảm bảo nguồn nguyên liệu dầu thô cho NMLD Dung Quất đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao.
P.V