Năm 2007, Đoàn cán bộ nghiên cứu khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và các chuyên gia thuộc Viện Động vật Saint Peterburg (Nga) đã tìm thấy loài cá cóc bụng hoa hay còn gọi là cá cóc Tam Đảo (có trong sách đỏ Việt Nam 1992) ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng (BTTN ĐS-KT) tại huyện Hoành Bồ. Năm 2012, Đoàn cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật phối hợp với các nhà nghiên cứu Vườn thú Cologne (CHLB Đức) lại phát hiện trong Khu BTTN ĐS-KT loài cá cóc Việt Nam (đang được đề nghị đưa vào sách đỏ Việt Nam). Đây là loài sinh vật rất có giá trị về nghiên cứu khoa học và chỉ có ở Việt Nam
Phát hiện từ sự tình cờ
Kể về hành trình tìm thấy cá cóc Việt Nam, ông Trần Đức Nhuận, Phó Giám đốc Khu BTTN ĐS-KT vẫn còn rất hứng khởi dù chuyến đi ấy đã cách đây gần một năm. Ông bảo: “Việc tìm ra loài sinh vật lưỡng cư này cũng hết sức tình cờ, đó là vào tháng 6-2012, khi các cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật phối hợp với các nhà nghiên cứu Vườn thú Cologne (CHLB Đức), cùng tổ chức chuyến khảo sát Khu BTTN ĐS-KT. Chuyến đi của chúng tôi hôm đó chỉ với mục đích là tìm và xác minh sự tồn tại của loài cá cóc bụng đỏ mà đoàn khảo sát trước đã tìm thấy năm 2007 cũng trong Khu Bảo tồn, để có kế hoạch bảo vệ. Không ngờ, chuyến đi lại thành công ngoài mong đợi khi tìm được cá cóc Việt Nam…”.
Rồi ông kể: “Chuyến đi được ấn định kéo dài 5 ngày, ngay ngày đầu tiên đã diễn ra một câu chuyện rất ấn tượng. Đó là trong đoàn đi hôm đó, có anh Nguyễn Văn Doanh là cán bộ Khu Bảo tồn, cũng là người dẫn đường cho cả đoàn. Khi đang tiến sâu vào rừng gần đến khu vực thôn Tân Ốc (xã Đồng Sơn), chợt anh Doanh nhìn thấy một chiếc lán hoang, nghĩ là của lâm tặc, anh Doanh tự tách đoàn đi về phía chiếc lán để tìm hiểu. Mọi người vẫn tiếp tục đi và mải mê công việc, nào ngờ, khi tiến sâu vào trong rừng mới chợt nhận ra không thấy anh Doanh đâu. Tất cả cùng nháo nhác, vì không có ai thuộc đường. Cả đoàn ra sức hú gọi nhưng vô vọng, điện thoại thì không có sóng. Khi đó trời đã xế chiều, màn đêm trong rừng ập xuống rất nhanh. Chúng tôi cố gắng lần theo ánh đèn ra được khu vực có sóng điện thoại để gọi về trụ sở Khu bảo tồn.
Ở trụ sở mọi người rất lo lắng, vì trong đoàn còn có cả người nước ngoài. Lãnh đạo Khu bảo tồn gọi điện khắp nơi, kêu gọi cả cán bộ xã Đồng Sơn cùng vào cuộc giúp đỡ. Họ mượn được chiếc xe đặc chủng chuyên dụng chuyên đi đường rừng của Hạt Kiểm lâm Hoành Bồ mới đi vào được gần khu vực này. Mãi đến khoảng 12 giờ đêm chúng tôi mới tìm được anh Doanh, hoá ra khi anh tìm đến chiếc lán thì thấy nó đã bị bỏ hoang lâu ngày. Khi tìm lại đoàn, anh Doanh cũng bị lạc đường, cứ đi miên man theo đường rừng về phía xã Kỳ Thượng. Sau đó mệt quá, anh cố trèo lên tảng đá cao rồi dùng đèn pin lia lên trời. Chúng tôi lần theo ánh đèn tìm được người. Thế nhưng “trong cái dở lại có cái hay”, nhờ việc phải đôn đáo đi tìm đồng đội mà chúng tôi bắt gặp mấy ổ trứng lạ. Khi đến tìm hiểu, các cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cùng reo lên: “Cá cóc Việt Nam”. Tất cả chúng tôi đều ồ lên vui mừng (suýt nữa thì quên mất việc tìm anh Doanh) vì đây là lần đầu tiên sinh vật này được tìm thấy ở Quảng Ninh…”.
Khu vực xuất hiện cá cóc Việt Nam thuộc tiểu khu 58, khu Tân Ốc, xã Đồng Sơn. Theo những người dân sống ở thôn Tân Ốc thì trước đây họ cũng đã nhiều lần nhìn thấy loài sinh vật này. Họ bảo: “Cá cóc khi gãy đuôi sau một thời gian chúng lại mọc cái đuôi khác, khả năng tái sinh còn tốt hơn thạch sùng, tắc kè”. Ông Trần Đức Nhuận cho biết: “Cán bộ Vườn thú Cologne đánh giá rất cao về khả năng tái sinh đuôi của cá cóc Việt Nam. Họ tiết lộ với chúng tôi một ý tưởng rằng nghiên cứu về loại gen đặc biệt này, biết đâu một ngày nào đó khoa học sẽ tìm ra loại gen có thể giúp tái sinh lại những bộ phận đã mất của con người”.
Cá cóc Việt Nam được tìm thấy trong Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng.
Nỗ lực cho công tác bảo tồn
Mẫu đầu tiên của cá cóc Việt Nam được tìm thấy ở xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang từ năm 2003, rồi các mẫu khác được tìm thấy ở các tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Lào Cai, Phú Thọ ở những năm tiếp theo, nhưng chỉ là số lượng ít. Cá cóc Việt Nam được tìm thấy trong Khu BTTN ĐS-KT lại là số lượng nhiều. Ngay trong chuyến đi đầu tiên ấy, đoàn khảo sát đã tìm thấy có 2 cá thể trưởng thành và 3 ổ trứng khoảng chừng 500 quả giống như trứng cá cóc. Và với diện tích 15.637ha, Khu BTTN ĐS-KT lại có hàng trăm con suối lớn nhỏ là môi trường sống rất thích hợp của cá cóc. Tuy nhiên, sau khi các nhà nghiên cứu phát hiện cá cóc Việt Nam tại Khu BTTN ĐS-KT thì thông tin này chưa được công bố ngay. Cả đoàn khảo sát và cán bộ Khu Bảo tồn đều nhất trí bảo mật thông tin để có thời gian xây dựng kế hoạch bảo vệ loài sinh vật này. Hiện nay, Khu Bảo tồn đã có những phương án bảo vệ tối ưu cho loài cá cóc Việt Nam, đồng thời làm hồ sơ trình lên Bộ Khoa học và Công nghệ để xin kế hoạch bảo tồn.
Bên cạnh đó, để làm tốt công tác giữ rừng, bảo tồn các nguồn gen quý như cá cóc Việt Nam, cán bộ Khu BTTN ĐS-KT còn tranh thủ được sự vào cuộc của các cán bộ xã nằm khu vực vùng lõi vùng đệm, như phối hợp với họ vận động người dân chuyển đổi ngành nghề, giúp họ vay vốn hoặc tham gia các lớp tập huấn về nuôi trồng cây, con nâng cao đời sống. Gần đây nhất, Khu Bảo tồn đã phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Hoành Bồ ra mắt mô hình CLB Xanh đầu tiên tại Trường Tiểu học và THCS Đồng Sơn vào tháng 12-2012. Quỹ chi cho hoạt động ban đầu từ nguồn hỗ trợ của Dự án VCF (Quỹ bảo tồn Việt Nam). Ngay từ khi mới đi vào hoạt động các thành viên của CLB này đã trồng được 1.000 cây xanh gồm bàng, keo, phượng và tại 8 điểm trường học của Trường Tiểu học và THCS Đồng Sơn. Sau khi hoạt động có hiệu quả mô hình CLB Xanh lại được phát triển ở các xã thuộc vùng lõi, vùng đệm của Khu bảo tồn như: Kỳ Thượng, Đồng Lâm, Hoà Bình và Vũ Oai. Ông Đặng Hữu Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn thì đưa ra lời khẳng định: “Chúng tôi coi việc bảo vệ khu vực có cá cóc trên địa bàn xã không chỉ là trách nhiệm của các cán bộ Khu Bảo tồn mà là của cả cộng đồng, bằng cách tuyên truyền và sẵn sàng ngăn chặn, báo cho cán bộ Khu Bảo tồn khi xảy ra hiện tượng người dân xâm phạm ảnh hưởng đến vùng sống của cá cóc. Thực tế, cũng do tuyên truyền tốt mà trong mấy năm gần đây ý thức của người dân trong xã đã tốt hơn với công tác bảo vệ rừng”.
Hiện nay, hệ động vật trong Khu BTTN ĐS-KT có 249 loài, trong đó có 30 loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Báo lửa, voọc đen, voọc xám, khỉ vàng, khỉ mặt đỏ, cu li lớn, cu li vắn, gấu ngựa, báo gấm, báo hoa mai, cầy gấm, mèo gấm, chó sói v.v.. Đây là con số ấn tượng, vì các loài được thống kê trong báo cáo đều là những loài có giá trị bảo tồn gen cao, đang được sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước và thế giới. Một cuộc khảo sát khá tỉ mỉ gần đây của Khu BTTN ĐS-KT từ cuộc tổng điều tra đánh giá các loài thực vật thân gỗ trong khu bảo tồn vào tháng 7-2010 vừa qua, đã đưa ra một con số khá khả quan, đó là các cán bộ Khu bảo tồn đã tìm thấy 546 loài cây rừng có thân gỗ. Cùng với việc phát hiện ra các quần thể cá cóc bụng đỏ, cá cóc Việt Nam lại lần nữa khẳng định sự phong phú đa dạng của Khu BTTN ĐS-KT.
Theo Báo Quảng Ninh