Nga đã tỏ ra kiên cường một cách đáng kinh ngạc khi đối mặt với các lệnh trừng phạt nhắm vào ngành dầu khí của nước này, nhưng sự kiên cường đó có thể không kéo dài quá lâu vì Moscow vẫn chưa tìm được thị trường tiêu thụ nhiên liệu mang lại lợi nhuận cao như châu Âu và họ cũng thiếu một số công nghệ then chốt cho lĩnh vực này, các chuyên gia với S&P Global.
“Phần thưởng an ủi”
“Khi các vị nhìn sâu vào các phân ngành khác nhau trong ngành dầu khí Nga, các vị sẽ thấy mức độ khó khăn mà ngành này đang phải đối mặt”, ông Craig Kennedy, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Davis về Nga và Á-Âu thuộc Đại học Harvard, cho biết trong một hội thảo trực tuyến do Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia (có trụ sở tại Washington DC, Mỹ) tổ chức hôm 26/4.
Trong 25 năm qua, các nhà máy lọc dầu lớn ở Nga đã lắp đặt rất nhiều thiết bị tiên tiến từ các nhà cung cấp phương Tây, nhưng do các lệnh trừng phạt, họ không thể nhận được phụ tùng thay thế hoặc sử dụng dịch vụ bảo trì bảo dưỡng nữa, dẫn đến tình trạng xuống cấp cơ sở hạ tầng, ông Kennedy nói.
Trong lĩnh vực khí đốt, Nga đang đàm phán để xây dựng một đường ống lớn mới sang Trung Quốc, nhưng cả Moscow và Bắc Kinh đều không có công nghệ máy nén khí để vận hành loại đường ống này, ông Kennedy nói. Dự án đó cũng sẽ cần một khoản đầu tư lớn mà Tập đoàn dầu khí quốc doanh khổng lồ Gazprom không thể thực hiện ngay bây giờ, vị chuyên gia cho biết thêm.
Theo vị chuyên gia của Harvard, với tư cách một thị trường khí đốt, châu Âu đã cung cấp cho Nga những thứ mà châu Á chưa thể: Giá khí đốt cao, chi phí vận chuyển thấp, và tài chính dựa trên vốn cổ phần tư nhân.
“Lý do Nga gắn bó với châu Âu lâu đến vậy là vì ở đó họ có một thỏa thuận tốt. Châu Á thực ra chỉ là một phần thưởng an ủi”, ông Kennedy nói.
Bức tranh cung-cầu mới có thể sẽ được giữ nguyên trong nhiều năm tới, với việc Nga nhìn về phía Đông và phía Nam để tìm kiếm khách hàng, còn châu Âu nhìn về phía Tây để đảm bảo nguồn cung.
Bà Tatiana Mitrova, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia, cho rằng trong vài năm tới, ngành dầu khí Nga chưa phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, nhưng theo thời gian, các vấn đề về công nghệ sẽ tích tụ và đến một thời điểm nhất định, nó sẽ dẫn đến một số hậu quả đau đớn hơn.
Trước mắt, Nga có thể sẽ sáng tạo bằng cách sử dụng máy nén khí từ các dự án đường ống từng phục vụ châu Âu và tái sử dụng chúng cho các dự án phục vụ Trung Quốc. “Đừng đánh giá thấp tư duy sáng tạo của các công ty Nga đang bị dồn vào chân tường”, bà Mitrova nói.
Khó khăn ngày càng tăng
Ngoài ra, tàu chở hàng lỏng cũng là rào cản đối với Nga, ông Kennedy nhận định. Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Nga có khả năng vận chuyển khoảng 15% lượng dầu của mình bằng đường biển, trong khi phần còn lại chủ yếu được vận chuyển thông qua các tàu chở hàng lỏng do EU sở hữu hoặc được bảo hiểm bởi các hãng phương Tây.
Sau các đòn trừng phạt, Nga phải chuyển sang thị trường đồ cũ và chi hàng tỷ USD để xây dựng “hạm đội bóng tối” để né biện pháp trần giá dầu, nhưng vẫn chỉ đạt chưa đến 50% công suất cần thiết, ông Kennedy chỉ ra. Và các tàu thuộc “hạm đội bóng tối” có tuổi thọ trung bình là 18 năm, điều đó có nghĩa là trong vài năm tới những tàu đó sẽ cần được thay thế.
“Đúng, Nga vẫn đang phản ứng, nhưng quỹ đạo chung là một ngành đang đối mặt với mức độ khó khăn ngày càng tăng”, ông Kennedy nói.
Ông Paul Saunders, người đứng đầu Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia, lập luận rằng Nga phần lớn đã thành công trong việc chuyển hướng dòng chảy dầu của mình. Moscow cũng đã thành công định hướng lại hoạt động xuất khẩu than của mình mặc dù ngành này – phần lớn được tư nhân hóa – phải đối mặt với áp lực kinh tế rất lớn từ thuế cao hơn và thuế đường sắt cao hơn.
Nền kinh tế Nga chắc chắn không sụp đổ, ông Saunders nói. Theo vị chuyên gia, điều đó có nghĩa là những nỗ lực gây áp lực chính trị lên Nga thông qua áp lực kinh tế lên lĩnh vực năng lượng sẽ không thành công, và phương Tây có thể cần phải đưa ra một số ý tưởng mới “nếu đó là điều chúng ta muốn làm trong tương lai”, vị chuyên gia nhận định.
Còn theo các chuyên gia tại mạng lưới tư vấn Energy Intelligence, Tổng thống Nga Vladimir Putin biết rằng bất kỳ nỗ lực nào của Washington nhằm ngăn cản Moscow xuất khẩu dầu sẽ đẩy giá lên cao và gây nguy hiểm cho cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới.
Vì vậy, điều tốt nhất là – ít nhất là trong thương mại dầu mỏ – nguyên trạng sẽ chiếm ưu thế trong năm nay khi chiến sự ở Ukraine vẫn kéo dài, các chuyên gia kết luận.
Minh Đức (Theo S&P Global, Energy Intelligence)