Đinh Sĩ Lâm (sinh năm 1991), sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình có 5 anh em. Chàng trai này là con thứ 2 trong gia đình, vì thế mọi công việc nhà anh phải đứng ra lo liệu cùng cha mẹ và người con cả.
Từ nhỏ, cuộc sống của Lâm đã gắn liền với con trâu, con bò ruộng nương một buổi đi học thì buổi còn lại chàng trai ấy lại ra đồng chăn bò, cào cỏ ruộng, vào rừng đốn củi. Có khi đi rà từng miếng sắt vụn, đào cây để bán hay vác gỗ thuê thậm chí phụ hồ. Cuộc sống nơi miền quê không cho anh có đầy đủ về mặt vật chất nhưng gia đình luôn đầy ắp tiếng cười.
Thế nhưng, là một người cầu tiến chính vì vậy mà chàng trai ấy không chịu ở yên một chỗ. Sau khi tốt nghiệp THPT anh chàng quyết định đi ôn thi đại học. Tại đây, được tiếp xúc với một môi trường hoàn toàn mới Lâm nghĩ mình phải cố học để thoát nghèo. Nghĩ là làm chàng trai ấy thi đỗ vào một trường đại học Tài chính ngân hàng.
Cuộc sống xa nhà, xa gia đình khiến một đứa con trai hiền lành như Lâm cũng không thoát khỏi cám dỗ trên đường đời.
“Học xong năm thứ nhất tôi khiến gia đình và họ hàng phải thất vọng vì vướng vào những cám dỗ, tôi nghỉ học về nhà một thời gian khoảng thời gian đó tinh thần tôi rất khủng hoảng vì xấu hổ và tôi quyết định bỏ nhà đi”, Lâm tâm sự.
Bỏ nhà đi lang thang chàng trai 9X ra Hà Nội và may mắn tại đây được những người bạn cưu mang. Lâm đi làm phục vụ cho một quán lẩu. Thấy Lâm làm việc chăm chỉ mà công việc quá vất vả nên người bạn đã xin cho chàng trai ấy một chân làm nhân viên quán karaoke, làm việc ở môi trường này, Lâm cho rằng khá phức tạp:
“Tôi làm việc từ 9h đến 21h30, công việc ở đây khá nhàn rỗi vào ban ngày hầu như chỉ có đến quét dọn, lau chùi nhà cửa rồi nghỉ ngơi. Nhiều lúc khách say sưa rồi nôn mửa hết quán thậm chí đánh nhau, rất phức tạp”.
Không chịu được áp lực công việc, Lâm xin xuống làm bảo vệ ở một cửa hàng. Tiếp đó làm bảo vệ cho một công trường tại Hà Đông. Cứ thế, công việc của Lâm luôn chuyển qua từng giai đoạn và không một công việc nào Lâm làm được lâu dài, ổn định.
Với Lâm, chàng trai 25 tuổi này cho biết có lẽ cái duyên đưa anh đến với nghề kinh doanh quần áo là từ khi anh bắt đầu xin bán quần áo tại một sạp ở chợ đêm sinh viên.
“Tôi bán hàng từ 3h chiều đến 23h đêm, đây là công việc mà tôi yêu thích nhất vì thế tôi rất ham học hỏi. Bán hàng được 6 tháng tôi được lên làm quản lý cho một người anh chơi thân từ đó tôi bén duyên với nghề”, Lâm chia sẻ.
Ngoài thời gian bán hàng tại chợ, chàng trai còn tranh thủ đi bán thêm khẩu trang kiếm thêm được 40-60 ngàn đồng, số tiền này Lâm rất quý trọng bởi đó là công sức lao động chính đáng mà cậu bỏ ra.
Chia sẻ với PV Báo Người Đưa Tin, Sĩ Lâm nhớ lại: “Hồi đó, tích cóp được một chút vốn, tôi và em trai mở một sạp quần áo bán ở chợ tháng đầu tiên chúng tôi lãi được 20 triệu và từ đó chúng tôi bắt tay vào mở các cửa hàng”.
Những tưởng mọi việc suôn sẻ, nhưng dường như khó khăn vẫn đang bủa vây lấy chàng trai. Từ khi quyết định mở thêm 2 cửa hàng vì ít kinh nghiệm chỉ vài tháng sau đó hai cửa hàng đã phải đóng cửa. Không nản lòng, Lâm vực lại cửa hàng nhưng lại tiếp tục thất bại lần 2.
Đang như người “chết đuối vớ được cọc”, chàng trai ấy nhận được sự trợ giúp của những người bạn và rồi Lâm đã vực lại sau cơn hoạn nạn chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, có nhiều người tin tưởng xin làm đại lý để rồi sau 2 năm khởi nghiệp, chàng trai ấy đã có cho mình hệ thống cửa hàng tại Bắc – Trung – Nam.
Lâm bật mí mức thu nhập trung bình của cậu hiện tại là một tháng từ 80 đến 150 triệu đồng. Để có mức thu nhập “khủng” như hiện tại Lâm cũng đã trải qua những quãng thời gian vất vả, khó khăn.
Nhưng trong tâm của cậu lúc nào cũng luôn có ý chí phấn đấu lập nghiệp làm giàu chính vì thế mọi khó khăn đến mấy cậu đều vượt qua. Món quà dành cho bố là chiếc ô tô như một minh chứng cho sự phấn đấu không ngừng nghỉ của cậu.
Chàng trai 9X này cũng đã dành những lời nhắn nhủ đến các bạn trẻ đang có ý định lập nghiệp, kinh doanh rằng: “Dù bạn sinh ra trong gia đình như thế nào cũng đừng bao giờ ngừng phấn đấu và đổ lỗi cho số phận. Ai cũng có cơ hội chỉ cần biết nắm bắt và tận dụng cơ hội đó thì chúng ta sẽ đạt được điều mình mong muốn”.
Thanh Lam