Trong một tuyên bố chung vào tối 15/3, Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ (SNB) và cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ FINMA cho biết họ sẽ cung cấp thanh khoản cho Credit Suisse sau khi giá cổ phiếu của ngân hàng này giảm hơn 30%, chạm mức thấp nhất mọi thời đại.
Chỉ vài giờ sau đó, Credit Suisse cho biết họ sẽ vay gần 54 tỷ USD từ SNB với hy vọng trấn an các nhà đầu tư rằng họ có đủ tiền mặt cần thiết để duy trì hoạt động. Ngân hàng này cũng đề nghị mua lại trước hạn các lô trái phiếu do ngân hàng này phát hành trị giá 2,5 tỷ USD (niêm yết bằng USD) và 500 triệu Euro (niêm yết giá bằng Euro).
Credit Suisse coi động thái này là “hành động quyết định để tăng cường khả năng thanh khoản” của ngân hàng này.
“Phao cứu sinh”
Cam kết cấp vốn cho Credit Suisse đã mang lại cơ hội hồi sinh cho tổ chức cho vay đang gặp khó khăn này theo sau sự sụp đổ gần như hoàn toàn niềm tin của nhà đầu tư, làm náo loạn thị trường toàn cầu.
Sự hỗ trợ này, giống như một tấm séc trắng từ một trong những ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, gợi nhớ đến lời hứa của chủ tịch ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) Mario Draghi rằng ECB sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để hỗ trợ đồng Euro trong cuộc khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước.
Trong những năm sau đó, ECB và các ngân hàng trung ương khác đã in hàng tỷ Euro, tạo ra một kỷ nguyên tiền tự do và kéo theo đó là một đợt tăng giá tài sản toàn cầu. Việc tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát tràn lan đã phơi bày lỗ hổng của các công ty tài chính như Credit Suisse.
Động thái hỗ trợ của SNB và FINMA nhằm mục đích ngăn chặn cuộc khủng hoảng niềm tin vào ngân hàng cho vay lớn thứ hai Thụy Sĩ sau nhiều năm bê bối và thua lỗ. Credit Suisse chỉ còn một bước ngắn nữa là đạt được một gói cứu trợ toàn diện giống như gói cứu trợ được tung ra trong cuộc khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước.
Ngân hàng này vẫn cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu được bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái để khôi phục khả năng sinh lời.
Trong tuyên bố chung hôm 15/3, SNB và FINMA cho biết, “tình trạng hỗn loạn hiện tại trên thị trường ngân hàng Mỹ sẽ không có bất kỳ tác động lan tỏa nào đối với các ngân hàng Thụy Sĩ”.
Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ hôm 10/3 đã khiến các khách hàng và nhà đầu tư tìm đến những bên cho vay được cho là vững chắc hơn, bao gồm cả đối thủ Thụy Sĩ như UBS, đẩy Credit Suisse vào thế khó càng thêm khó.
Giải pháp tạm thời
Cuộc giải cứu cấp nhà nước diễn ra sau một trong những ngày tồi tệ nhất trong lịch sử ngân hàng Credit Suisse những ngày gần đây.
Nguy cơ lây lan lớn đến mức ít nhất 3 ngân hàng lớn ở châu Âu đã vội vàng hạn chế tiếp xúc với ngân hàng Thụy Sĩ, 3 giám đốc cấp cao của các ngân hàng này cho biết.
Những rắc rối của Credit Suisse lên đến đỉnh điểm vào năm ngoái, khi những tin đồn rằng ngân hàng này có thể bị phá sản lan truyền trên mạng xã hội.
Chiếc “phao cứu sinh” mà SNB ném cho Credit Suisse nhằm mục đích xua tan những nghi ngờ của nhà đầu tư là biện pháp hỗ trợ chưa từng có dành cho một ngân hàng quan trọng về mặt hệ thống trên toàn cầu như Credit Suisse.
Tuy nhiên, dù có thể đảm bảo cho tương lai của ngân hàng, nguồn tài trợ này cũng không giải quyết được tình trạng hỗn loạn hiện tại, cũng không thể thuyết phục được các nhà đầu tư và khách hàng rằng họ có thể xoay chuyển tình thế.
Credit Suisse đang tìm cách khôi phục khả năng sinh lời bằng cách chuyển hướng khỏi lĩnh vực ngân hàng đầu tư và giao dịch chứng khoán để tập trung vào việc quản lý tài sản cho những người giàu có.
Kế hoạch này buộc Credit Suisse phải tìm ra được những người ủng hộ cho bộ phận ngân hàng đầu tư mà họ muốn thành lập trong khi đẩy mạnh dịch vụ quản lý tài sản, nhưng cả hai mục tiêu này đều chưa đạt được.
Trong 3 tháng cuối năm 2022, ngân hàng đã chứng kiến doanh thu từ giao dịch cổ phiếu và trái phiếu giảm 88% so với một năm trước đó, một phần do khách hàng chuyển hoạt động kinh doanh của họ sang nơi khác. Ngân hàng này đã phải vật lộn để phục hồi sau khi khách hàng rút khoảng 120 tỷ USD trong thời gian đó.
Chỉ trong vòng vài giờ sau cuộc “giải cứu”, một số người đã bày tỏ sự hoài nghi.
“Các nhà chức trách Thụy Sĩ có lẽ muốn duy trì ngân hàng này vì nó là biểu tượng quốc gia. Họ sẽ cố gắng chống đỡ và làm như thể ngân hàng này vẫn còn hoạt động tốt, nhưng về cơ bản nó sẽ chỉ là một ngân hàng “xác sống” do nhà nước kiểm soát”, ông Thomas Hayes, chủ tịch công ty quản lý đầu tư Great Hill Capital có trụ sở tại New York nhận định.
Một nhà quản lý chứng khoán tại Vương quốc Anh cho biết, mặc dù sự hỗ trợ có thể ngăn chặn sự biến động của cổ phiếu Credit Suisse, nhưng ngân hàng có thể buộc phải xem xét việc bán đi một số doanh nghiệp như chi nhánh ở Thụy Sĩ.
Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, CNN, DW)