Vinh quang và khát vọng chinh phục
Lâm Quang Nhật được nhiều người biết đến sau kỳ tích giành huy chương vàng bơi 1.500m tự do tại SEA Games Myanmar 2013. Lúc đó, ở tuổi 16, chàng trai có khuôn mặt ngây thơ… đã vượt mặt hàng loạt các anh tài đến từ Singapore, Malaysia… để giành tấm huy chương vàng.
Hai năm sau tại Singapore, Lâm Quang Nhật còn thể hiện xuất sắc hơn nữa. Chàng trai 18 tuổi không chỉ giành huy chương, bảo vệ thành công vị trí số 1 mà còn lập kỷ lục SEA Games ở nội dung 1.500m tự do nam.
Thành tích 15 phút 31 giây 03 đã giúp Lâm Quang Nhật trở thành tay bơi 1.500m tự do nhanh nhất Đông Nam Á, phá vỡ kỷ lục cũ 15 phút 37 giây 75 của Ryan Arabejo (Philippines - SEA Games 2009, Lào). Đây cũng là kỷ lục quốc gia của Lâm Quang Nhật, bên cạnh kỷ lục quốc gia bơi 800m tự do, 4x100 tự do tiếp sức và 4x200m tự do tiếp sức…
Bỏ sau những ồn ào nội bộ, tại SEA Games 2017, Lâm Quang Nhật giành huy chương Bạc. Đến năm 2018, anh chàng bắt đầu chuyển sang chơi triathlon bao gồm bơi lội, xe đạp và điền kinh. Hẹn gặp Quang Nhật không dễ, bởi cậu sinh viên năm 4 của Đại học Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM bên cạnh việc tập trung cho Triathlon còn là giáo viên dạy bơi.
Chia sẻ về hướng đi mới, Quang Nhật nói: “Nhận thấy đây là môn thể thao có trong hệ thống đại hội thể thao Olympic nhưng còn mới mẻ tại Việt Nam, tôi đã từng bước làm quen và yêu thích Triathlon như cách cập nhật xu hướng mới của thể thao”.
Nhớ lại những ngày đầu, Quang Nhật chia sẻ: “Hướng đi mới phải tự bỏ ra chi phí, đầu tư cũng nhiều hơn, bản thân phải nghiêm túc hơn với sự lựa chọn. Để tự tập luyện, tôi tìm đến các câu lạc bộ, đội nhóm để hỗ trợ 2 môn còn lại là xe đạp và điền kinh. Ngoài kiến thức còn là kinh nghiệm, được tư vấn dinh dưỡng, kỹ năng”.
Bởi lẽ, áp lực lớn nhất là đòi hỏi về sức bền. Chẳng hạn như phần bơi lội, với riêng VĐV bơi, cự ly 1500m là tối đa nhưng với 3 môn phối hợp chỉ là khởi động để tiếp tục các phần thi khác.
Triathlon có nhiều mức độ thi đấu, như Olympic là 1500m bơi, 40km xe đạp và 10km điền kinh. Còn Ironman 70.3 là 1900m bơi, 90km đạp xe và 21km điền kinh. Full Ironman là 3,8km bơi, 180km đạp xe và 42km chạy bộ. Ngoài ra, Iron man có thể thi đồng đội tiếp sức nhưng với Olympic thì mỗi VĐV phải thi đấu đủ 3 môn.
Vì thế, chiến lược của Quang Nhật cũng phải thay đổi. Đối với bơi lội, cự ly đường ngắn sử dụng cơ bắp lớn còn đường dài là cơ bắp nhỏ. Qua đến 3 môn phối hợp, nhóm cơ nhỏ cần thiết hơn, dẫn đến đặc thù khác biệt.
“Chỉ cần có ý chí, có thể tập luyện để làm quen dần. Chấn thương lúc ban đầu là không tránh khỏi nhưng quan trọng là cách mình vượt qua nếu vẫn quyết tâm theo đuổi”, Quang Nhật nhìn nhận.
Từng ngày phá vỡ giới hạn bản thân
Lần thi đấu mới nhất của Quang Nhật với cả 3 môn là giải Sunset Bay Triathlon lần thứ 2 vào tháng 10/2020 vừa qua tại Quảng Ninh quy tụ hơn 200 vận động viên. Trải qua hành trình vất vả bơi 1,5km, đạp xe 40km, chạy 10km, hai tuyển thủ Quốc gia là Lâm Quang Nhật và Phạm Thúy Vi đã lên ngôi cao nhất tại hai hạng mục cá nhân nam và nữ.
Đạt tổng thời gian 2 tiếng 10 phút 44 giây, Lâm Quang Nhật rút ngắn thời gian tại cuộc thi này so năm trước. Trong đó phần bơi chậm hơn 31 giây nhưng ở phần đạp xe nhanh hơn gần 7 phút, phần chạy cũng nhanh hơn gần 7 phút. Đây là sự tiến bộ nhanh chóng của chàng trai sinh năm 1997. Vì tại cuộc thi Ironman 70.3 Vietnam ở Đà Nẵng vào năm 2019, Lâm Quang Nhật mới chỉ thi đấu tiếp sức nhưng bây giờ đã tự tin thể hiện mình cả 3 nội dung.
Một trong những động lực thúc đẩy tinh thần của Lâm Quang Nhật chính là sự cọ sát khi tham gia SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đội tuyển tham dự môn triathlon ở đấu trường Đông Nam Á. Tuy rằng khó cạnh tranh với nhiều VĐV mạnh trong khu vực như Philippines, Singapore hay Malaysia… nhưng màn ra mắt của Quang Nhật và các đồng đội cũng khá ấn tượng.
“Tôi quay lại sân chơi quen thuộc, quên đi mình đã là ai để bước những bước đầu trên một con đường mới. Như các đồng đội khác, tôi thoáng chút lo lắng và ngỡ ngàng vì bộ môn này, chúng ta đi sau nước bạn quá nhiều. Việt Nam năm đầu tiên ra quân, đối đầu với Philipines gần 30 năm kinh nghiệm, Thái Lan có 21 năm dày dặn hay Indonesia đang được đầu tư mạnh mẽ”, Quang Nhật chia sẻ.
Quang Nhật lao vào tập luyện, nghiêm khắc với chính mình hơn nữa. Những ngày đầu tập chạy thực sự ám ảnh. Phần lưng vẫn còn yếu, phần cơ chân chưa làm quen với việc chạy nhiều nên khi tăng cường độ là cơ thể sẽ oằn lên báo động.
“Việc chịu đau với một vận động viên chuyên nghiệp là rất bình thường. Điều làm tôi áy náy, đắn đo thậm chí muốn bỏ cuộc là đồng đội sẽ nghĩ mình không cố gắng.
Trong việc tập luyện, môn điền kinh là dễ nhất. Tôi có thể ra công viên hoặc bất cứ nơi nào thích hợp để chạy. Còn xe đạp có thể tự trang bị nếu có điều kiện. Lịch học và dạy bận rộn nên bản thân phải tự chủ động sắp xếp thời gian, bất kỳ lúc nào và bất kỳ đâu cũng có thể tập luyện. Lúc nào mệt cũng làm biếng nhưng ý thức nhắc nhở mình cần vượt qua chính mình”, Quang Nhật trải lòng.
Nhưng nhờ có các anh chị đi trước, các đồng đội nhiệt tình động viên, Quang Nhật đã vượt qua những ngày khó khăn. Dần dần, anh làm quen nhiều hơn sử dụng đồng hồ, đo nhịp tim đến cân chỉnh xe đạp,… Thậm chí, trau dồi ngoại ngữ và kỹ năng mềm để có thể hợp tác với các huấn luyện viên nước ngoài, tiếp cận với các giáo án hiện đại nhất.
Từ đó, cơ hội rộng mở hơn với Quang Nhật vì ngoài giải đấu riêng về triathlon, anh còn tham gia các giải đấu của từng môn khác như xe đạp hay điền kinh, không còn giới hạn mình với bơi lội.
Sẽ được xem là phân môn nếu trở thành nội dung thi đấu SEA Games 31
Ông Dương Đức Thủy - Trưởng bộ môn Điền kinh, Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết: “Theo tôi, nên gọi là Triathlon như tên gốc tiếng nước ngoài. Nếu gọi là 3 môn phối hợp thì sẽ rất dễ nhầm lẫn với các môn khác như 7 môn phối hợp (Heptathlon) hay 10 môn phối hợp (Decathlon)...những môn trong đó có nhiều phân môn nhỏ khác nhau”.
Triathlon sẽ gồm cả bơi, đạp xe và chạy, khác với Duathlon (chạy - đạp xe) và Aquathlon (chạy – bơi), nội dung có được xem xét là phân môn nếu Triathlon được đưa vào nội dung thi đấu SEA Games 31 năm 2021 tại Việt Nam.