Đây là chỉ đạo mới của tổng cục Thuế nhằm thực thi chỉ đạo từ bộ Tài chính về việc phân công cán bộ công chức phục vụ người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính trong thời gian Tết 2019.
Cụ thể, trong những ngày cuối năm 2018, kể cả ngày nghỉ Tết Dương lịch (từ ngày 29/12 đến ngày 1/1/2019) và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (từ 2/2/2019 đến ngày 10/02/2019), cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các vụ, đơn vị trực thuộc tổng cục Thuế sẽ phân công bố trí cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức trực tiếp nhận hồ sơ và giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính thuế cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, các đơn vị trong ngành phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại có liên quan bảo đảm việc thu, nộp ngân sách qua hệ thống ngân hàng được thông suốt, liên tục đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức và người dân.
Tổng cục Thuế giao cục trưởng cục thuế và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tổng cục Thuế tổ chức triển khai thực hiện thống nhất nội dung trên với tinh thần nghiêm túc, tận tuỵ và hiệu quả.
Mới đây, tổng cục Thuế vừa ban hành quyết định giao nhiệm vụ xử lý nợ đọng thuế cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân nợ thuế cho từng lãnh đạo cục thuế, chi cục thuế và từng cán bộ tham gia quản lý nợ thuế. Theo quy định này, Cục trưởng, Chi cục trưởng cũng phải đi đòi nợ thuế và bị gắn trách nhiệm thực hiện xử lý nợ thuế với việc bình xét thi đua.
Theo báo cáo của cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng số tiền thuế nợ do cơ quan thuế quản lý tính đến thời điểm ngày 30/9/2018 là 82.961 tỷ đồng, tăng 13,4% so với thời điểm31/12/2017. Trong đó nhóm tiền thuế nợ có khả năng thu là 48.019 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 57,9% tổng số tiền thuế nợ, tăng 15,1% so với thời điểm 31/12/2017.
Trong đó, tiền thuế nợ không có khả năng thu là 34.942 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42,1% tổng số tiền thuế nợ, tăng 11% so với thời điểm 31/12/2017.
Cơ quan thuế cho biết hầu hết các địa phương số nợ đọng thuế tăng so với thời điểm ngày 31/12/2017.
Trong báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội mới đây, báo cáo việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn về lĩnh vực tài chính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14, cơ quan này giải thích con số nợ thuế lên tới gần 83.000 tỷ đồng là do số tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh) là 34.942 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42,1% tổng số tiền thuế nợ tăng 11% so với thời điểm 31/12/2017.
Ngoài ra, nguyên nhân quan trọng là luật Quản lý thuế được xây dựng từ cách đây hơn 10 năm, do vậy chưa bao quát hết được các trường hợp không tính tiền chậm nộp, xóa nợ trong thực tiễn đã xảy ra.