Ngày 30/9, thông tin từ công ty Cổ phần kinh doanh Khí miền Nam, chi nhánh Đồng Nai cho biết, công ty này đã gửi thông báo đến hợp tác xã (HTX) Vận tải số 28 để đòi nợ. Theo đó, tính đến ngày 28/9, số tiền nợ mua khí CNG của đơn vị vận tải này đã hơn 680 triệu đồng.
Trong tháng 7 vừa qua, hợp tác xã Vận tải số 28 đã cam kết sẽ trả hết nợ trong tháng 9. Lý do được đơn vị vận tải này đưa ra là “đợi tiền trợ giá của trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM”.
Với thông báo này, công ty cung cấp nhiên liệu cho biết sẽ dừng cung cấp nhiên liệu đối với các tuyến xe buýt của HTX Vận tải số 28 từ ngày 5/10 nếu công nợ không được thanh toán.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin vào chiều ngày 30/9, đại diện HTX Vận tải số 28 xác nhận về tình trạng thiếu nợ của công ty. Đồng thời, vị này cho biết, HTX sẽ có buổi họp vào ngày mai (1/10) để giải quyết tình hình.
Khi được hỏi về khả năng các tuyến xe buýt phải dừng hoạt động nếu không thể thanh toán nợ, phía HTX cho hay điều này vẫn chưa biết được.
Đơn vị này đang khai thác nhiều tuyến xe buýt như: 15,16,73, 84, 101, 144, 151,… Trong đó, tuyến xe 151 có lộ trình từ bến xe miền Tây – bến xe An Sương có lượng hàng khách khá lớn.
Theo nhiều đơn vị HTX đang vận hành các tuyến xe buýt tại TP.HCM, khi nhập khẩu loại xe buýt chạy nhiên liệu CNG thì các đơn vị đều không được hưởng bất kỳ một ưu đãi nào về thuế nhập khẩu cũng như việc vay vốn để đầu tư.
Trong khi những năm qua, TP.HCM luôn khuyến khích các đơn vị vận tải đầu tư xe chạy CNG để giảm ô nhiễm môi trường.
“Ngay cả khoản tiền chênh lệch nhờ tiết kiệm nhiên liệu do sử dụng xe chạy CNG cũng không được chấp thuận bởi các cơ quan cho rằng chưa có cơ sở để tính khoản chênh lệch này. Nếu không có những chính sách hỗ trợ thì rất khó để khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang loại xe thân thiện với môi trường”, đại diện liên hiệp Hợp tác xã vận tải TPHCM chia sẻ.