Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 5.535 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Giá vốn tăng chậm hơn doanh giúp lãi gộp đạt 3.450 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Điều này giúp biên lợi nhuận gộp tăng đến 62%.
Sự tăng trưởng doanh thu của ACV chủ yếu đến từ 2 mảng chính. Mảng dịch vụ hàng không tăng 12% đạt 4.544 tỷ đồng và mảng phi hàng không tăng 16% đạt gần 710 tỷ đồng.
Trong kỳ doanh thu tài chính của ACV giảm hơn 9% còn 837 tỷ đồng do giảm lãi tiền gửi. Chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng không đáng kể so với cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp lại được tiết giảm đến 60% chỉ còn 240 tỷ đồng do giảm trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi từ các hãng hàng không.
Khấu trừ các khoản chi phí, ACV báo lợi nhuận sau thuế 3.168 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận theo quý cao kỷ lục của doanh nghiệp chuyên khai thác cảng hàng không này.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng giá trị các khoản nợ xấu của ACV tăng tới 45% so với đầu năm lên 8.256 tỷ đồng, tăng 45% so với đầu năm, tương đương 2.564 tỷ đồng. Trong đó Vietnam Airlines và Bamboo Airway là hai doanh nghiệp có mức nợ cao nhất lần lượt là 3.044 tỷ đồng và 2.265 tỷ đồng. Kế đến là Vietjet với mức nợ gần 1.702 tỷ đồng và Pacific Airlines với mức nợ 880 tỷ đồng và Vietravel hơn 325 tỷ đồng.
Khoản nợ xấu của cả 5 hãng hàng không trên đều tăng so với đầu năm, trong đó Vietnam Airlines có mức tăng mạnh nhất, gấp 1,5 lần so với đầu năm.
Do nợ xấu tăng, nên khoản trích lập dự phòng nợ phải thu của ACV cũng tăng thêm 167 tỷ đồng so với đầu năm, ở mức 3.893 tỷ đồng. Trong đó, khoản trích lập cho một phần khoản nợ tại Vietnam Airlines tăng đến 1,7 lần (385 tỷ đồng).
ACV đang phải trích lập dự phòng toàn bộ cho khoản nợ tại Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel. Riêng khoản nợ xấu tại Vietjet đã không phải trích lập nữa.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACV có doanh thu thuần đạt 11.179 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi trước thuế đạt 7.495 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 6.020 tỷ đồng, đều tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.
Năm nay, ACV đặt kế hoạch kỷ lục với doanh thu thuần hơn 20.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 9.378 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành 56% chỉ tiêu doanh thu và 80% mục tiêu lợi nhuận sau nửa năm kinh doanh.
Lý giải về kết quả trên, ACV cho biết lợi nhuận tăng ấn tượng nhờ sự hồi phục mạnh mẽ của khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm, bất chấp tổng sản lượng khách giảm nhẹ so với cùng kỳ. Cụ thể, số lượng khách quốc tế đạt gần 20,3 triệu, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Đi kèm với đó, sản lượng cất hạ cánh quốc tế cũng tăng mạnh 27%, đạt 126.703 lượt chuyến.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng góp phần không nhỏ vào thành công của ACV. Sản lượng hàng hóa và bưu kiện đạt gần 730.000 tấn, tăng 26% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng hóa quốc tế đạt 498.000 tấn, tăng 21%; còn hàng hóa nội địa đạt 231.000 tấn, tăng 36%.
Về tình hình tài chính, tại thời điểm 30/6/2024, ACV có quy mô tổng tài sản hơn 69.800 tỷ đồng, tăng 2.500 tỷ đồng kể từ đầu năm. Trong đó, lượng tiền và tiền gửi ngân hàng chiếm gần 38% tổng tài sản, đang ở mức 26.415 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Chi phí xây dựng dở dang tăng 50% so với đầu năm lên mức 11.792 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn của doanh nghiệp ở mức 13.780 tỷ đồng, tăng 1.100 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, nợ xấu là 8.256 tỷ đồng, tăng 45%.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của công ty giảm hơn 13% so với đầu năm, xuống 14.698 tỷ đồng. Trong đó, tổng vay nợ tài chính ngắn và dài hạn là 9.798 tỷ đồng, giảm hơn 6% so với đầu năm và là con số lành mạnh khi so với vốn chủ sở hữu gần 55.105 tỷ đồng (bao gồm 21.772 tỷ đồng vốn cổ phần, 27.237 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và gần 6.035 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển).