Đau đầu với những con số
Con số khiêm tốn phản ánh tình trạng “nợ xấu” văn bản quy phạm pháp luật đã được công khai: Với 37 Luật, Pháp lệnh đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành 73/131 văn bản (đạt 55,7%) quy định chi tiết, hướng dẫn 85/154 nội dung được giao. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ban hành 25/69 văn bản (36,2%) quy định chi tiết, hướng dẫn 63/126 nội dung được giao. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã ban hành 98/200 văn bản (đạt 49%) quy định chi tiết hướng dẫn 148/280 nội dung được giao. Đối với 9 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực, mới chỉ có 1/42 văn bản đã ban hành để quy định chi tiết 03/83 nội dung được giao...
Như vậy, văn bản hướng dẫn thi hành luật vừa thiếu, vừa chậm tiến độ. Từ thực tế này, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẳng thắn quy trách nhiệm cho Chính phủ trong việc để nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Ông Vũ Đức Khiển nhận định Quốc hội cần xem xét trước khi thông qua những văn bản luật chung chung.
Ông Phan Trung Lý cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác này chưa nêu rõ được thực trạng của tình hình triển khai thi hành Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết; chưa làm nổi bật được những bất cập, hạn chế trong công tác này từ khâu chỉ đạo, điều hành, lập kế hoạch triển khai, nguồn nhân lực, nguồn kinh phí thực hiện cũng như hiệu quả của việc thực hiện Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết.
“Ủy ban Pháp luật nhận thấy, để xảy ra tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết như trên, trách nhiệm chính thuộc về Chính phủ, các Bộ, ngành. Nhưng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng phải nghiêm túc nhìn nhận phần trách nhiệm của mình trong giai đoạn chỉnh lý và xem xét, thông qua, cũng như trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát thi hành Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội”, ông Phan Trung Lý nói.
Ông Vũ Đức Khiển, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng trách nhiệm chính thuộc về Quốc hội. “Tôi đã bày tỏ ý kiến rất rõ ràng tại hội nghị của bộ Tư pháp vừa qua. Theo tôi, quy trách nhiệm cho các bộ ngành, Chính phủ thì cũng oan cho họ quá. Tôi cho rằng, trách nhiệm thuộc về Quốc hội mới đúng, bởi Quốc hội phải bàn, phải xem xét, đừng thông qua những văn bản luật chung chung để rồi lại tiếp diễn tình trạng nợ đọng văn bản luật”, ông Khiển nói.
Ông Khiển cũng cho biết: “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 có rất nhiều điều quy định không có tính khả thi. Ví dụ như chúng ta quy định về thời hạn để trình dự án luật. Nếu như Quốc hội khai mạc kỳ họp vào tháng 4/2014 thì vào tháng 9/2013 các cơ quan không phải là của Chính phủ đã phải có dự án trình rồi. Đây là theo quy định thời hạn của luật. Chính vì quy định thời hạn như vậy đã diễn ra tình hình các cơ quan của Quốc hội “bắc nước chờ gạo”. Quy định gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội 20 ngày trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội, nhưng rất ít khi thực hiện được”.
Dù đã có Luật, nhưng nhiều văn bản được ban hành vẫn xa rời thực tế.
Thiếu “địa chỉ” để quy trách nhiệm?
Thực tế cho thấy, tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành khiến nhiều quy định của Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết chưa được thực thi, vi phạm quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, làm mất ý nghĩa thực tiễn của các văn bản pháp luật.
ĐBQH Phạm Văn Tấn (đoàn Nghệ An) cho rằng cần quy trách nhiệm thuộc về cơ quan chủ trì soạn văn bản. Ông Tấn nhấn mạnh: “Cần quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp công việc và sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và giữa các đơn vị trong từng Bộ, ngành đối với việc nghiên cứu và tham gia xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành, nhất là Thông tư liên tịch. Đây chính là một trong những khâu cản trở, vướng mắc chủ yếu dẫn đến tình trạng chậm thời gian, hạn chế chất lượng văn bản sau luật. Tôi đề nghị chấm dứt tình trạng trong một số trường hợp do lợi ích cục bộ của ngành, của Bộ dẫn đến không thống nhất được ý kiến về các vấn đề chính sách như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Vì có thể có một số luật chuyên ngành điều chỉnh cho một lĩnh vực nhưng không phải cho ngành và lĩnh vực đó mà phạm vi tác động ở mức độ lớn hơn”.
Ảnh minh họa.
Theo ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội chính vì sự phân định trách nhiệm thi hành luật giữa các cơ quan chưa rõ ràng, nên xảy ra nhiều bất cập. Ông Quyền nói: “Có thể thấy trách nhiệm thi hành luật giữa các Bộ, ngành với nhau; giữa các Bộ, ngành với địa phương chưa được phân định rõ. Ví dụ như việc triển khai thi hành các quy định của Luật an toàn thực phẩm, Luật bảo vệ môi trường, Luật hành nghề y dược... trường hợp Cát Tường vừa rồi xảy ra chúng ta thấy rất lúng túng trong việc phân định trách nhiệm giữa chính quyền địa phương và bộ Y tế. Thực tế việc tổ chức thực hiện luật thường chậm, không đồng bộ và thiếu cương quyết nhất là thiếu các địa chỉ cụ thể để quy trách nhiệm khi có sự việc cụ thể xảy ra”.
“Theo tôi cần phải nhận thức một cách toàn diện hơn, đó là trách nhiệm lớn của Quốc hội. Quốc hội đã được tăng cường các cơ quan thường trực, tăng cường đại biểu chuyên trách ở các Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Tuy nhiên Quốc hội vẫn ban hành các luật có nhiều quy định chỉ mang tính nguyên tắc chung chung, những vấn đề cụ thể thường giao cho Chính phủ ban hành, đây là phần hạn chế khiếm khuyết. Các cơ quan của Quốc hội phải nhận trách nhiệm về vấn đề này”, ông Quyền khẳng định.
“Xin” Nghị định đừng... dày cộp Ông Ngô Văn Minh, thành viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội băn khoăn: “Tôi đề nghị tới đây từng Luật, từng giải pháp, các cơ quan đừng làm Nghị định dày cộp nữa. Một Luật trong vòng 1 năm sau hay 6 tháng sau mới có hiệu lực mà Chính phủ không thể ban hành được Nghị định quy định chi tiết, thì cũng nói rõ cho Quốc hội biết. Có nhiều văn bản quy định chi tiết, Nghị định dày cả mấy chục trang, đến đọc còn không nổi thì làm sao mà bám sát được”. |
Minh Khánh - Cao Tuân