Nợ xấu tăng cao, quản lý và điều hành yếu kém tại VDB

Nợ xấu tăng cao, quản lý và điều hành yếu kém tại VDB

Thứ 6, 11/01/2013 10:03

Sáng 10/1, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức họp báo về công tác thanh tra quý IV năm 2012. Đồng thời thông báo kết luận thanh tra về việc "chấp hành chính sách, pháp luật tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB)".

Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), kết quả phân loại nợ của VDB tại thời điểm ngày 31/12/2010 cho biết, tổng dư nợ phân loại là 180.301 tỷ đồng. Trong đó nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) là 22.664 tỷ đồng, chiếm 12,57% tổng dư nợ phân loại.

Bất động sản - Nợ xấu tăng cao, quản lý và điều hành yếu kém tại VDB Phó tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh (Ảnh: Phan Chính)

Tuy nhiên, căn cứ vào quy định về phân loại nợ tại Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN  ngày 22/4/2005 của thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, TTCP xác định nợ xấu của VDB tại thời điểm 31/12/2010 là 38.106 tỷ đồng, tăng 15.442 tỷ đồng so với số phân loại của VDB.

Cũng qua kiểm tra, TTCP đã phát hiện ra nhiều hoạt động cho vay của VDB chưa đúng với quy định. Cụ thể, ngày 22/10/2007, tổng giám đốc NHPT Việt Nam ban hành Quyết định số 546/QĐ-NHPT về việc phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước (cho vay thí điểm) là không đúng thẩm quyền và chưa phù hợp với quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu. Mặc dù VDB đã nỗ lực khắc phục nhưng dư nợ cho vay thí đểm đến ngày 31/12/2011 vẫn còn 260,359 tỷ đồng, trong đó nợ xấu chiếm 85,27% (nợ nhóm 5 chiếm 57%). Khả năng thu hồi đầy đủ số tiền này là rất khó khăn.

Trong hoạt động cho vay tín dụng đầu tư, tổng giám đốc VDB cũng đã ban hành Văn bản số 3363/NHPT-KHTH ngày 6/10/2008 về việc hướng dẫn cho vay theo lãi suất thỏa thuận đối với 4 chi nhánh NHPT: Ninh Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nam. Đối tượng cho vay là các dự án thuộc đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đã ký hợp đồng tín dụng với NHPT hoặc các dự án có đủ điều kiện giải ngân nguồn vốn tín dụng đầu tư nhưng chưa cân đối được nguồn vốn và chủ đầu tư có nhu cầu về vốn để thực hiện dự án. Tuy nhiên, nội dung những quy định này lại không đúng điều kiện, cơ chế cho vay theo Nghị định số 151/2006/NĐ-CP của Chính phủ về cho vay tín dụng đầu tư phát triển.

Bất động sản - Nợ xấu tăng cao, quản lý và điều hành yếu kém tại VDB (Hình 2). Nhiều sai phạm trong chấp hành chính sách pháp luật ở VDB

Cùng với sai phạm kể trên, kết quả kiểm tra hồ sơ cho vay tín dụng đầu tư  cũng đã cho thấy trong quá trình cho vay có nhiều nội dung VDB đã thực hiện không đúng quy định về cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước như: Cho vay chưa đúng đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, thẩm định không đúng quy định của Chính phủ về tín dụng đầu tư, vi phạm về điều kiện vốn tự có tham gia dự án, vi phạm về tài sản bảo đảm tiền vay, vi phạm về việc mua bảo hiểm tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay, vi phạm thủ tục đầu tư, vi phạm trong khâu giải ngân vốn vay…

Ngoài ra trong các hoạt động cho vay tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn, xử lý rủi ro, đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản… VDB cũng đã có không ít vi phạm bị TTCP phát hiện.

Phó tổng Thanh tra Chính Phủ Ngô Văn Khánh cho hay: “Tình trạng nợ xấu tăng cao và những khuyết điểm, vi phạm tại NHPT ngoài một số nguyên nhân khách quan thì chủ yếu do các nguyên nhân chủ quan gắn với trách nhiệm cụ thể. Trong đó, Hội đồng quản lý chưa thực hiện tốt trách nhiệm chỉ đạo, giám sát Ban điều hành trong việc thực hiện các quy định của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu; ban hành cơ chế cho vay thí điểm chưa phù hợp với quy định. Vì vậy, Hội đồng quản lý, trước hết là chủ tịch và Ủy viên kiểm soát thời kỳ 2006 đến thời điểm thanh tra phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên”.

Đáng chú ý, qua thanh tra, tổng giám đốc VDB, các Ban thuộc Hội sở chính, các chi nhánh được thanh tra có biểu hiện yếu kém trong quản lý và điều hành dẫn đến những yếu kém, vi phạm trong hoạt động của ngân hàng. Vì vậy ngoài trách nhiệm với tư cách là thành viên Hội đồng quản lý, tổng giám đốc VDB phải chịu trách nhiệm chung về những yếu kém, khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra. Các phó tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm theo từng lĩnh vực được phân công đảm nhận, theo từng vụ việc có vi phạm.

Ngoài ra, các bộ phận tham mưu cho Ban tổng giám đốc và Hội đồng quản lý, đặc biệt là bộ phận thẩm định cho vay phải chịu trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ được phân công theo từng vụ việc có vi phạm; người đứng đầu các Sở giao dịch, chi nhánh, cấp phó và từng cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm theo nhiệm vụ được phân công đảm nhận, theo từng vụ việc có khuyết điểm, vi phạm.

Phan Chính

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.