Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) được vinh danh giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2017.
Chủ tịch Ủy ban trao giải Nobel, Berit Reiss-Andersen cho biết ICAN được vinh danh vì những đóng góp trong việc “làm nổi bật những hậu quả nghiêm trọng của vũ khí hạt nhân và những nỗ lực mang tính đột phá của chiến dịch đối với việc xóa bỏ các loại vũ khí này”.
Giải Nobel Hòa bình năm nay được Ủy ban Nobel công bố ở Thủ đô Oslo, Na Uy vào lúc 11h (giờ địa phương) ngày 6/10.
Năm nay có 318 ứng cử viên được lọt vào sách đề cử giải thưởng. Tuy nhiên, tên của các ứng cử viên sẽ không được công bố chính thức và được Ủy ban trao giải giữ bí mật trong vòng ít nhất 50 năm.
Đã có 97 giải Nobel Hòa bình được trao tặng cho 130 người kể từ năm 1901 cho đến nay. Trong đó những cái tên nổi bật nhất có thể kể đến là Martin Luther King, Malala Yousafzai, Mẹ Teresa, Elie Wiesel, Nelson Mandela và Rigoberta Menchú.
Hầu hết các giải Nobel Hòa bình đều được công chúng đón nhận và ủng hộ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp gây ra tranh cãi như với bà Aung San Suu Kyi – người được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991 “cho cuộc đấu tranh phi bạo lực vì dân chủ và nhân quyền”.
Chỉ có 66 giải Nobel Hòa bình được trao cho một cá nhân hay một tổ chức duy nhất. Trên 29 lần giải thưởng này vinh danh hai cá nhân và tổ chức trở lên. Và chỉ có hai lần nó được trao cho cả ba cá nhân, tổ chức theo quy chế cho phép của Quỹ Nobel.
Năm nay, các ứng cử viên sáng giá được dự đoán trước đó bao gồm Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, Lực lượng phòng vệ dân sự White Helmets, Giáo hoàng Francis, Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ Can Dündar, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, blogger người Ả Rập Raif Badawi…