Các nhà khoa học Mỹ Ben Bernanke, Philip Dybvig và Douglas Diamond đã cùng đạt giải Nobel Kinh tế 2022 nhờ nghiên cứu về các ngân hàng và khủng hoảng tài chính.
Ông Bernanke là chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang từ năm 2006 đến năm 2014 và hiện đang làm việc tại Viện Brookings ở Washington, D.C. Ông Diamond là giáo sư tại Trường Kinh doanh Booth của Đại học Chicago, và ông Dybvig là giáo sư tại Trường Kinh doanh Olin của Đại học Washington ở St. Louis.
Giải Nobel Kinh tế có tên chính thức là Giải thưởng của Sveriges Riksbank (Ngân hàng trung ương Thụy Điển) dành cho Khoa học kinh tế để tưởng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel. Giải thưởng có giá trị 10 triệu krona Thụy Điển (khoảng 900.000 USD) được chia đều cho cả 3 người.
Ủy ban Nobel cho biết, công trình của các nhà nghiên cứu này vào đầu những năm 1980 đã “cải thiện đáng kể sự hiểu biết của chúng ta về vai trò của các ngân hàng trong nền kinh tế, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng tài chính”.
Những hiểu biết sâu sắc từ các công trình nghiên cứu của họ cho phép các ngân hàng, chính phủ và các tổ chức quốc tế điều hướng đại dịch Covid-19 mà không gây ra hậu quả kinh tế thảm khốc, Ủy ban Nobel cho biết trong một thông báo ngày 10/10.
Gốc rễ của suy thoái
Ông Bernanke, 68 tuổi, đã nghiên cứu cuộc Đại suy thoái những năm 1930 khi ông còn là giáo sư tại Đại học Stanford. Phân tích của ông đã cho thấy các đợt rút tiền hàng loạt khỏi các ngân hàng chính là lý do khiến khiến các ngân hàng sụp đổ, và cũng là nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng kéo dài nghiêm trọng.
Nghiên cứu của ông Bernanke chỉ ra cách thức tốt hơn để giảm thiểu rủi ro, và cách nhà nước can thiệp để khôi phục lại sự ổn định dù phải bỏ ra chi phí đáng kể.
Trước khi có nghiên cứu của ông Bernanke, các nhà kinh tế học coi những thất bại của ngân hàng là hệ quả chứ không phải nguyên nhân của suy thoái kinh tế.
Theo ông Bernanke, một sự cố xảy ra có thể khiến ngân hàng mất đi thông tin quan trọng mà họ thu được (và có thể chuyển cho người khác) về người gửi tiết kiệm và người đi vay. Nếu không có những đảm bảo về mức độ tín nhiệm của các doanh nghiệp và hộ gia đình, thì khả năng thanh khoản sẽ không thể nhanh chóng được thiết lập lại.
Đây cũng là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Sự sụt giảm trong lĩnh vực nhà khiến thị trường tài chính rơi vào hỗn loạn, và các công ty dịch vụ tài chính như Lehman Brothers sụp đổ, gây ra cuộc suy thoái toàn cầu.
Thời điểm đó, ông Bernanke là chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã cùng với Bộ Tài chính Mỹ đã tiến hành can thiệp để giúp các ngân hàng thương mại duy trì thanh khoản.
Những bước đi của ông đã giúp xoa dịu các nhà đầu tư, củng cố hoạt động của các ngân hàng, giúp họ tránh được một cuộc suy thoái khác. Đồng thời, ông cũng thiết lập một tiền lệ để ngân hàng trung ương Mỹ tránh được các cú sốc kinh tế về sau.
Nhờ đó, khi Covid-19 đánh sập nền kinh tế Mỹ vào đầu năm 2020, Fed và chính phủ Mỹ đã can thiệp tích cực để nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi mạnh mẽ.
Ngân hàng cũng dễ bị tổn thương
Cả ông Diamond và ông Dybvig đã cùng nhau để phát triển các mô hình lý thuyết giải thích tại sao các ngân hàng tồn tại và vai trò của ngân hàng trong nền kinh tế.
Cuộc khủng hoảng năm 2008 được cho là bắt nguồn từ việc các ngân hàng cho vay thiếu thận trọng đối với những người đi vay trên thị trường nhà ở, những người không có đủ phương tiện để trả nợ. Sai lầm này cho thấy sự cần thiết phải có các quy định để tránh những hậu quả tương tự, và kết quả nghiên cứu của 2 nhà khoa học đã trở thành “nền tảng của quy định ngân hàng hiện đại”.
2 nhà khoa học đã trình bày một mô hình toán học cho thấy các ngân hàng đóng vai trò trung gian giữa người gửi tiết kiệm và người đi vay, giải quyết sự không tương thích trong các yêu cầu của 2 bên. Người gửi tiết kiệm muốn đầu tư và rút tiền trong thời gian ngắn, nhưng những người đi vay như doanh nghiệp cần các khoản vay và cam kết dài hạn.
Họ cũng phát hiện ra rằng các ngân hàng rất dễ bị tổn thương: Nếu những người gửi tiết kiệm lo sợ ngân hàng có nguy cơ thất bại, họ sẽ rút tiền ra, buộc ngân hàng phải kêu gọi các khoản vay để huy động tiền để đảm bảo thanh khoản.
Để ngăn chặn việc rút tiền hàng loạt, các chính phủ có thể bảo đảm các khoản tiền gửi và hoạt động như một người cho vay cuối cùng đối với các ngân hàng.
Những bài học như vậy đã giúp giảm thiểu nguy cơ mất thanh khoản trong quá trình đóng cửa ngân hàng do đại dịch Covid-19. Ngân hàng trung ương châu Âu đã can thiệp bằng hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng và khuyến khích họ cho vay người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Thế giới đã chuẩn bị tốt hơn nhiều cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai, ông Diamond cho biết. “Những bài học gần đây về cuộc khủng hoảng (năm 2008) và những cải tiến trong chính sách quản lý trên toàn thế giới đã giúp hệ thống ít bị tổn thương hơn nhiều, và lĩnh vực ngân hàng đang ở trong tình trạng vững chắc, với khả năng quản lý rủi ro tốt”, ông nói thêm.
Nhưng ông Diamond cũng cảnh báo rằng các lỗ hổng gây ra hoạt động ngân hàng “có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trong lĩnh vực tài chính” - không chỉ ngân hàng.
Giải Nobel về Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học và Hòa bình năm nay cũng đã được công bố. 5 giải này được lập theo di chúc của nhà khoa học Thụy Điển Alfred Nobel năm 1895 và bắt đầu trao năm 1901. Giải Nobel Kinh tế là giải thưởng mà ngân hàng trung ương Thụy Điển đưa ra vào năm 1969 để vinh danh nhà khoa học này. Giải thưởng năm nay dự kiến được trao vào ngày 10/12.
Nguyễn Tuyết (Theo CNBC, AP, Nature, Indian Express)