Còn khoảng 2 tuần nữa sẽ đến Noel, tuy nhiên ngay từ đầu tháng 12, nhiều công ty, gia đình cũng đã lựa chọn cho mình những đồ vật cần có để trang hoàng cho không gian sống. Hình ảnh nhà nhà chuẩn bị đón Giáng sinh khiến nhiều người cảm thấy ấm áp.
Để hiểu rõ hơn về không khí đón Giáng sinh của những người con đất Việt đang sinh sống bên trời Tây, PV báo Người Đưa Tin đã được nghe những chia sẻ của một phụ nữ Việt hiện đang sống tại Canada có tên Hồng Phước (SN 1978, TP.HCM).
Có 8 năm sinh sống cùng chồng và các con trên đất Canada, năm nào chị Phước cũng cùng cả gia đình chuẩn bị trang hoàng đón Noel. Và năm nay cũng vậy, ngay từ đầu tháng 12 chị Phước đã cùng các con chuẩn bị trang trí cây thông Noel.
Chị Phước cho hay: “Noel ở đây giống như Tết Nguyên đán của Việt Nam, sau ngày Halloween ngoài chợ bắt đầu bày bán đồ Noel. Trong nhà, không khí Giáng sinh cũng ngập tràn. Thường vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 là nhà nhà dựng cây thông Noel”.
Cũng theo chị Phước, ở các thành phố và thị trấn mọi người sẽ quây quần ngay trung tâm để tổ chức lễ hội đốt đèn. Mặc dù đèn được trang trí khắp nơi, tuy nhiên, phải đúng buổi tối tuần thứ 3 tháng 11 đèn ở các đường phố và tòa nhà mới được bật sáng.
Bà mẹ Việt kiều cho biết: “Nhà nhà làm bánh gửi tặng nhau hoặc cho con cháu trong nhà ăn. Thêm nữa, vào ngày lễ này các gia đình sẽ được nghỉ khoảng 2 tuần từ 21/12 đến 4-5/1. Tôi thường cho các con làm bánh hình ngôi nhà và trang trí bằng kẹo”.
“Ở bên này, mọi người rất thích và trân trọng quà handmade, có thể không đẹp bằng đi mua nhưng đó là tấm lòng của người tặng vì họ dành thời gian và công sức để làm.
Bởi thế, năm nào mẹ con tôi cũng làm thiệp tặng nhau và tặng người thân. Thường là thiệp sẽ được gửi đi trước, người được nhận sẽ mở ra đọc một cách hãnh diên nhất, sau đó, sẽ treo lên tường bày tỏ sự trân trọng”, chị Phước chia sẻ.
Chị Phước nói rằng với những người phương Tây, họ quý trọng món quà mà người tặng gửi gắm.
Chị kể: "Có năm vì lười nên tôi có hỏi ông xã: "Mình gửi tiền được không anh?", khi đó anh lắc đầu. Thế là tôi lại cặm cụi đi chọn quà. Bởi, ông xã nói khi chọn quà, mình sẽ nghĩ đến người được tặng, hy vọng món quà làm họ vui.
Đó là mình gửi tấm lòng vào món quà chứ không phải chỉ cho có lệ. Làm nhiều lần rồi thành thói quen, tôi chỉ tặng ai cái gì mà tôi nghĩ người ta có thể dùng được và thích thú chứ không tặng bừa bãi”.
Bên cạnh đó, vào khoảng giữa tháng 11 là trẻ em sẽ vẽ hoặc viết thư và mang ra bưu điện gửi cho ông già Noel. Nếu gửi thiệp càng sớm thì ông già Noel sẽ gửi lại càng sớm vì khi đó ông già Noel chưa có nhiều thư. Khi ông cho quà, ngoài món quà chính thì ông còn để thêm bánh kẹo, đồ chơi nhỏ vào mấy chiếc tất kiểu Noel.
Chia sẻ về món quà sau khi được nhận trong ngày lễ Giáng sinh, chị Phước tiết lộ: “Vì theo tục lệ là tối 24/12 thì ông già Noel mới tới từng nhà phát quà trẻ em. Nên quà của cả gia đình được tập trung dưới gốc cây thông. Tối 24, trước khi đi ngủ, trẻ em ở đây sẽ để ly sữa và bánh trên bàn cho ông già Noel, có khi thêm củ cà rốt cho con hươu của ông già Noel.
Thường thì người lớn hay giúp trẻ chọn ít bánh và sữa với lời giải thích là: "Ông còn đi nhiều nhà nữa”. Sau khi nhận được quà, các thành viên trong gia đình sẽ mở vào sáng ngày 25/12. Thêm vào đó, tối ngày 24-25-26 mỗi gia đình sẽ làm các món ăn truyền thống, trong đó có món gà Tây”.
Chia sẻ thêm với PV, bé Xuân Uyên (6 tuổi) con gái chị Phước vô cùng thích thú khi nhắc đến Noel: “Cháu rất thích ngày lễ Noel vì ngày đó cháu được nghe mẹ kể nhiều chuyện về ông già Noel, được tự tay làm thiệp tặng các thành viên trong gia đình đồng thời được nhận những món quà mà mình ước trong lá thư gửi ông già Noel. Cháu chúc mọi người có một mùa Noel an lành”.