Nỗi lo rình rập bên cuộc sống của người dân
Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước nằm trên địa bàn xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (TP. HCM) đi vào hoạt động từ năm 2007 với bãi chôn lấp có diện tích hơn 30 ha và thể tích không gian khoảng 3 triệu m3. Sau nhiều năm hoạt động, khu xử lý rác này đang ngày càng phình to, biến thành một “núi rác” khổng lồ.
Hằng ngày, khoảng hơn 200 chiếc xe chở rác cứ thay phiên nhau vận chuyển tập kết rác thải trong thành phố về đây. Xe thì cứ chạy, bụi bay mùi mịt khắp đường, mùi bốc lên thậm chí cả nước thải nhỏ thành dòng trên đường.
Từ ngoài cổng mọi người cũng có thể nhìn thấy “núi rác” khá cao phía bên trong. Dù khu liên hợp nằm cách xa khu dân cư, nhưng mùi hôi của rác "tấn công" khiến các hộ dân xã Đa Phước sống trong khổ sở.
“Người dân sống hai bên quốc lộ 50 qua hai xã Phong Phú, Đa Phước lâu nay vẫn phải chịu cảnh mùi hôi của các xe chở rác. Những tháng có gió biển thổi vào nữa thì mùi hôi càng nhiều hơn. Mỗi khi mưa xuống mùi thì chúng tôi khổ trăm bề. Cá chết hoa màu hư hại. Chúng tôi biết sinh sống làm sao với tình trạng này”, ông Hồ Hoàng Anh (60 tuổi sống tại xã Đa Phước) chia sẻ.
Khoảng một tháng trở lại đây, khu vực Nam Sài Gòn (quận 7, Bình Chánh, Nhà Bè) cũng xuất hiện mùi hôi thối bao chùm. Khiến người dân sinh sống tại các quận huyện này vô cùng bức xúc. Bãi rác Đa Phước là một trong 3 “nghi can” được Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM chỉ ra là nguyên nhân gây mùi hôi thối khiến cả khu Nam Sài Gòn bị ảnh hưởng.
Được biết, khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước là nơi đặt một số cơ sở xử lý chất thải - nằm trên đầu hướng gió, từ đó không quá khó để giải thích vì sao thời gian gần đây người dân ở khu vực quận 7, Nhà Bè… phản ảnh gay gắt về mùi hôi thối.
Ám ảnh mùi rác
Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Chín (bán nước ở khu vực cổng bãi rác xã Đa Phước) cho biết: “Tôi sống hơn chục năm ở đây rồi, ngày nào cũng ngửi mùi riết mà ớn luôn. Chắc cũng bị bệnh viêm mũi rồi, chỉ tội cho mấy đứa nhỏ sống vậy không bệnh này cũng bệnh khác. Đã có rất nhiều nhà chịu không nổi mà phải rời đi nơi khác.Chúng tôi phản ánh lên thì cũng được vài ba hôm rồi nó lại như cũ thôi”.
Bên cạnh gia đình bà Chín, còn rất nhiều hộ dân sinh sống quanh khu vực xã Đa Phước cũng bị thiệt hại nặng về hoa màu và chăn nuôi.
Trước nỗi ám ảnh vây quanh, nhiều người dân xã Đa Phước không thể chịu nổi mùi hôi từ bãi rác lớn nhất TP.HCM nên đã rất nhiều lần người dân viết đơn "cầu cứu" lên kiến nghị lên xã, huyện, lãnh đạo TP.HCM nhưng mọi chuyện chưa giải quyết triệt để.
Được biết, UBND TP.HCM đã thực hiện cải tiến công nghệ xử lý rác, hạn chế việc chôn lấp của Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam. Trồng cây xanh cách ly và thay đổi phương thức vận chuyển và đổi mới phương tiện chuyên chở rác hiện đại. Riêng đối với UBND huyện Bình Chánh, TP chỉ đạo phối hợp Sở Tài nguyên Môi trường và các đơn vị liên quan thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi diện tích đất 332ha, để thực hiện dự án vành đai cây xanh cách ly mùi hôi từ bãi rác Đa Phước và 34 hộ dân của dự án mở rộng Quốc lộ 50.
Mỹ Linh –Ngọc Nhiên