Học toán giúp nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết truyện ngắn với ngôn ngữ mạch lạc và đặc biệt là nội dung các câu chuyện được phản ánh sâu sắc. Nguyễn Quang Sáng quan niệm: "Chính môn toán là môn quan trọng nhất vì nó giúp tôi viết truyện ngắn có bố cục chặt chẽ hơn, không thừa cũng không thiếu".
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cùng con trai đạo diễn Dũng “khùng”
7 đêm cho một tiểu thuyết
Nguyễn Quang Sáng bắt đầu viết văn từ năm 1952, lúc đó ông vừa tròn 20 tuổi. Đó là cuốn tiểu thuyết mang tên Đất lửa mà ông đã viết 7 đêm ròng thức trắng. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho biết: "Hồi đó, tôi còn trẻ nên viết khỏe lắm. Ngồi trong nhà dân giữa rừng U Minh, tôi thức trắng viết liền mạch trong 7 đêm ròng dưới ánh đèn dầu. Kết thúc câu chuyện, tôi lật giở lại cuốn sổ thì đếm được gần 400 trang giấy. Nhưng viết xong thì bỏ đó thôi, vì lúc đó đâu có in ấn gì".
Lúc mới nhập ngũ, Nguyễn Quang Sáng làm cán bộ nghiên cứu về Tôn giáo, cho nên tiểu thuyết Đất lửa ông nói nhiều về tôn giáo. Sau đó không lâu ông mang bản thảo ra Bắc tập kết. "Trong kháng chiến tôi không được đọc sách nhiều. Khi ra Bắc tôi mới bắt đầu đọc những tác phẩm của Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan. Đọc xong và nhìn lại Đất lửa, tôi mới thấy mình không biết viết văn, coi như bỏ nhưng vẫn để đó", nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể lại.
Năm 1955, Nhà văn Nguyễn Quang Sáng chuyển ngành, từ anh bộ đội đi tập kết sang làm cán bộ Phòng Văn nghệ tại Đài tiếng nói Việt Nam. Nguyễn Quang Sáng tâm sự: "Tôi nghĩ, phải viết truyện ngắn trước, tiểu thuyết 300 - 400 trang thì dài quá, thời gian thử việc lại gấp rút nên bắt tay vào viết thử truyện ngắn xem sao. Cũng may, ngay ở truyện ngắn đầu tay "Con chim vàng" được dịch ra tiếng Pháp và được bạn đọc đánh giá cao. Sau đó tôi viết liên tục một số truyện ngắn khác. Trong đó, "Ông Năm Hạng" là tác phẩm đặc sắc nhất được giải thưởng trong cuộc thi truyện ngắn báo Thống Nhất".
Sau đó, Văn nghệ quân đội mời cây bút trẻ Nguyễn Quang Sáng vào trại sáng tác để đào tạo. Ông nhớ lại: "Lúc đó đâu có trại viết nào. Thực chất là chúng tôi (những người theo học sáng tác văn chương) phải ở nhà dân, giăng tấm ni lon làm màn trong những buổi tối đầy muỗi, rồi kê bàn lên mấy tảng đá mà ngồi viết. Nơi ấy là Nghi Tàm, cạnh Hồ Tây, Hà Nội ngày nay". Trong thời gian học tại đây, ông bỏ thời gian rảnh để sửa tiểu thuyết Đất lửa. Ông ở trong trại 3 tháng, viết lại và hoàn thành xong tiểu thuyết này. Nhưng phải tới năm 1963 mới in được.
Theo nhà văn Nguyễn Quang Sáng, hồi đó chiến tranh loạn lạc, nhà xuất bản ở Hà Nội không có nhiều tư liệu về tình hình miền Nam nên những người đọc duyệt còn ngần ngại. Dần dần qua những buổi giao lưu văn nghệ các miền, người ta hiểu hơn và đã chấp nhận in Đất lửa vào năm 1963. "Mặc dù là cuốn sách tôi viết đầu tay nhưng lại in sau các cuốn khác khá lâu như: Tập truyện ngắn Người quê hương (1958), tiểu thuyết Nhật ký người ở lại (1961). Sau khi in, Đất lửa lại không được đánh giá cao, vì lúc đó văn học của đất nước là văn học anh hùng ca, viết về chiến công của các anh bộ đội, chiến đấu, hy sinh, dũng cảm. Còn tác phẩm này của tôi chỉ phản ảnh sự xung đột nội bộ giữa một số tầng lớp nông dân Nam Bộ, giữa tôn giáo với người không tôn giáo", nhà văn tâm sự.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cùng những người bạn văn chương
Viết văn khi mới hết lớp 7
Kể lại nghiệp viết của mình, nhà văn Nguyễn Quang Sáng bày tỏ: "Chuyện viết văn của tôi dài lắm. Nếu kể thì dường như kể lại cả cuộc đời của tôi, truân chuyên lắm, cứ hết ra Bắc lại vào Nam, vào Nam rồi lại ra Bắc. Tôi đã có mặt ở nhiều địa danh của đất nước. Mỗi nơi đều đọng lại trong tôi những khoảnh khắc khó quên, nhưng tôi không viết ký. Tới mỗi địa danh, gặp người này, người kia, rồi những khi rảnh rỗi tôi đều suy nghĩ, lục tìm đề tài để viết truyện ngắn".
Năm 1966 nhà văn Nguyễn Sáng vào chiến trường miền Nam. Ông vượt Trường Sơn mất hơn 3 tháng, tiến thẳng tới chiến trường Đồng Tháp. Ông chia sẻ: "Tôi ở đó một năm, qua cả mùa nước lũ, nên từ đó tôi mới có tài liệu viết Cánh đồng hoang. Chi tiết độc đáo, do mùa lũ nên nước mênh mông, không có hầm, nên các chiến sĩ và người dân muốn tránh bom đạn của kẻ thù thì chỉ có cách lặn xuống nước thôi. Người lớn lặn bình thường, trẻ con đâu có lặn được. Do đó, họ nghĩ ra cách cho bọn trẻ vào túi ni-lon, buộc chặt đầu lại rồi ngụp xuống nước, khi nào muốn thở thì lại đưa lên, cứ thế lên xuống theo nhịp thở, đẩy lên, đẩy xuống… mà tránh được bom đạn của kẻ thù. Mình thấy chi tiết đó quá hay mà từ năm 1966 đến 1978 mới viết được. Từ chi tiết đặc sắc ấy, tôi nuôi nó với ý tưởng một Cánh đồng hoang theo các cuộc hành quân và chiến đấu. Tôi thầm nghĩ, mình phải để dành chi tiết này tới lúc nào thấy thích hợp, có thể thực hiện được một bộ phim thì mới viết".
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng quan niệm: "Cái quan trọng của truyện ngắn là chỉ cần một chi tiết nhỏ có thể hư cấu để trở thành một tác phẩm lớn. Một tác phẩm hoàn chỉnh có nhiều chi tiết khác nhau, nhưng khi viết, người viết phải ráp chúng lại để hợp với bối cảnh nào, nhân vật nào. Song, vẫn phải có chi tiết nổi cộm nhất, sâu sắc nhất để làm điểm nhấn cho câu chuyện đó. Cái khéo của nhà văn là làm thế nào để đưa những chi tiết đắt giá ấy trở thành những chi tiết của đời thường, của hoàn cảnh mà làm nên tác phẩm thôi.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng chỉ học hết lớp 7 trường làng, sau đó ông theo học khóa bổ túc trong quân đội. Khi biết được lý lịch của ông, những người bạn văn từng nói đùa với ông rằng: "Gã nhà văn này sao trình độ văn hóa mới có lớp 7 mà câu chữ chắc chắn quá! Nhưng kỳ thực ông cũng từng thừa nhận: "Hồi nhỏ mình học văn rất dở. Song, viết văn và học văn hoàn toàn khác nhau. Học văn trong trường không đánh giá được là có năng khiếu viết văn hay không mà phải ra đời mới biết được. Ngày xưa tôi học toán giỏi hơn. Sau này, tôi nhận thấy chính môn toán lại là môn quan trọng nhất vì nó giúp tôi viết truyện ngắn có bố cục chặt chẽ hơn, không thừa cũng không thiếu. Ngày ấy tuy không xếp loại nhất trường, nhất lớp nhưng tôi vẫn thuộc loại giỏi. Nhiều khi thầy đi vắng tôi còn được mời lên giảng bài tập mà thầy giao về nhà cho mấy bạn học cùng".
Nhớ về thời thơ ấu, nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể: "Hồi học tiểu học, tôi đi thi tốt và đạt được học bổng toàn phần của Pháp. Hồi đó, cả huyện Chợ Mới - An Giang chỉ có tôi đạt được học bổng này thôi. Tất cả đều là nhờ vào tài học toán. Trong cuộc thi năm đó, toán là môn tôi đạt điểm cao nhất, vì thế nó kéo điểm các môn khác lên. Theo tôi, làm toán không được thừa, cũng không được thiếu. Làm văn cũng vậy, thừa thì chán lắm. Do đó, học toán giúp tôi viết văn bố cục mạch lạc, ý tứ câu chuyện chặt chẽ hơn, còn từ ngữ cứ đọc nhiều, đi nhiều rồi bạn viết nó sẽ tự tuôn ra...".
Viết truyện Chiếc lược ngà trong buổi sáng Chia sẻ về nguyên do viết truyện ngắn Chiếc lược ngà, nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho biết đây là tác phẩm ông viết ở giữa chiến trường Đồng Tháp và hoàn thành chỉ trong buổi sáng. "Trên đường dây giao liên, tôi có gặp những cô giao liên dẫn mình băng rừng, vượt sông. Vì thế nhân vật người phụ nữ trong đó có cốt lõi của những con người bằng xương, bằng thịt. Sau đó khi viết truyện, tôi có hư cấu thêm một vài tình tiết, rồi chuyện này, chuyện kia để tạo thành một câu chuyện hoàn chỉnh", nhà văn Nguyễn Quang Sáng tâm sự. |
Đăng Văn