Gõ cửa nhà dân giương súng... đòi tiền
Giai đoạn Bạch Văn Chanh chọn vùng núi trong khu vực hang động Tam Thanh (Lạng Sơn) làm nơi "tập kết" chiến lợi phẩm sau mỗi vụ cướp bóc là quãng thời gian y giấu tung tích rất bài bản.
Chính những hang động rộng lớn trên núi Tam Thanh trở thành một lá chắn vô hình che giấu cho băng cướp của Bạch Văn Chanh. Những thông tin về băng cướp này đã được các chiến sĩ công an tỉnh Lạng Sơn lúc đó rất quan tâm, chú trọng để lên phương án đấu tranh, tiêu diệt.
Đó là cả một hành trình cam go, gian khổ, nguy hiểm, đòi hỏi sự mưu trí, gan dạ, dũng cảm và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng công an với những kẻ cướp luôn trang bị sẵn súng ống, đạn dược. Tuy nhiên, các trinh sát không dễ gì lần ra manh mối của tên tướng cướp khôn ngoan, quỷ quyệt này.
Quỷ Môn Quan nơi Bạch Văn Chanh gieo rắc bao nỗi kinh hoàng.
Ở thời điểm mà Bạch Văn Chanh hoành hành trên đất Lạng Sơn, không chỉ riêng y mới được gọi là tướng cướp. Song, cách mà y bài binh bố trận, gây ra những vụ cướp, khủng bố tinh thần nạn nhân lại được xem là có một không hai.
Nhìn lại thời điểm những năm 1990, các tiểu thương làm ăn buôn bán trên đất Lạng Sơn được coi là đầu mối cho rất nhiều người làm ăn ở dưới xuôi lên hợp tác, giao dịch. Do đó, họ có một lượng tiền mặt luân chuyển khá lớn.
Nắm rõ được điều này, Bạch Văn Chanh và đồng bọn sử dụng thủ đoạn gây án rất manh động, liều lĩnh là đến "gõ cửa" nhà dân, thẳng thừng cướp tiền. Khi cướp tiền, bao giờ băng cướp này cũng để lại một "tuyên ngôn" sặc mùi khủng bố, chết chóc khiến gia chủ không khỏi bàng hoàng, kinh sợ.
Có lần chúng cướp của chị H.T.T trú tại Thị xã Lạng Sơn (lúc đó) số tiền hơn 20 triệu đồng. Khoản tiền này phải mất bao năm chị H.T.T đổ công sức mới chắt chiu được. Không cam chịu những đồng tiền mồ hôi công sức của mình bỗng bị kẻ khác cướp trắng, chị H.T.T đã trình báo công an.
Khi chị này vừa về đến nhà đã kinh khiếp thấy trên cánh cửa có tờ giấy dán với nội dung "đòi mạng" khiến chị H.T.T hồn siêu phách lạc, phải luống cuống đi "rút" lại nội dung tố giác.
Cũng có trường hợp, nạn nhân bị chúng cướp không chỉ một lần mà cướp nhiều lần, vì người này dám cả gan tìm cách chống đối như trường hợp anh N.V.H.
Lần thứ nhất, sau khi cướp của anh N.V.H cả trăm triệu đồng, chúng ngang nhiên bỏ đi và để lại lời khủng bố lạnh người: "Kiếp trước nhà mày nợ tiền bọn tao, kiếp này bọn tao đòi lại". Tuy nhiên, không dừng lại đó, biết anh N.V.H tìm cách tố giác, chúng lại "xuống núi" tìm đến nhà, cướp tiếp của anh N.V.H thêm một khoản tiền nữa, rồi đe dọa sẽ giết cả nhà nếu anh H tố giác việc làm của chúng.
Chính vì "tuyên ngôn" theo kiểu đi cướp vì những ân oán từ..."kiếp trước" này, đã khiến cho những việc làm của Chanh ngày càng trở nên quái đản, liều lĩnh và khác người hơn bao giờ hết.
Liên tiếp gây án, sự manh động, liều lĩnh và hung bạo của tướng cướp Bạch Văn Chanh càng khiến cho những "giai thoại" về khả năng biến ảo khôn lường của y được thêu dệt. Mặt khác, giai đoạn này, những lời đồn thổi về khả năng "xuất quỷ nhập thần" của y là căn nguyên gây ra tâm lý e dè, lo sợ.
Bởi có vụ án, nửa đêm Chanh cùng đồng bọn bất ngờ xuất hiện như từ trên trời rơi xuống, cướp của dân lành rồi nhanh chóng biến mất vào màn đêm đen như những bóng ma trong truyện Liêu trai chí dị.
Song, cũng có vụ án, chúng ngang nhiên "xả đạn" vào nạn nhân để cướp giữa ban ngày rồi cũng nhanh chân tẩu thoát mất dạng. Điều lạ lùng là Bạch Văn Chanh không hề để lại dấu vết, trừ những vỏ đạn súng quân dụng rớt lại hiện trường.
Đại bản doanh trong lòng núi
Không chỉ nhằm vào nhà dân lành để cướp bóc, Bạch Văn Chanh còn chọn con đường huyết mạch là quốc lộ 1A để tìm nơi "phục kích" chặn xe ô tô, cướp của lái xe đường dài.
Súng AK và lựu đạn của băng cướp khát máu.
Điểm lạ lùng, có thể do sự sắp đặt vô hình, hoặc sự trùng hợp ngẫu nhiên, những địa điểm gắn với cuộc đời tên tướng cướp đều là những địa danh có nhiều dấu ấn đặc biệt như động Tam Thanh, ải Chi Lăng và Quỷ Môn Quan.
Cung đường có Quỷ Môn Quan nằm án ngữ là nơi địa thế hiểm trở, lối đi độc đạo, phương tiện qua đây chẳng khác gì tiến vào một "cửa ải" không có đường lui. Trong lịch sử, Quỷ Môn Quan còn gắn liền với nhiều câu chuyện rất ly kỳ.
Có người mỗi khi nói nơi này là nhắc đến câu thơ não nề: "Quỷ Môn Quan! Quỷ Môn Quan! Thập nhân khứ, nhất nhân hồi". Tạm dịch là "ải cửa Quỷ! ải cửa Quỷ. Mười người đi, một người về".
Chính ở nơi này, Bạch Văn Chanh cũng đã gieo rắc không biết bao nỗi kinh hoàng, khi cứ nửa đêm về sáng, tên tướng cướp và đồng bọn lại mang súng ống, lựu đạn ra "phục kích" chặn đường cánh lái xe đường dài. Khi xe vừa dừng, y cùng đồng bọn súng ống lăm lăm lao ra thị uy, hò hét, cướp bóc.
Thời điểm mà tướng cướp Bạch Văn Chanh rất chuộng để ra tay là khoảng 3, 4 giờ sáng. Theo những tư liệu cũ về quá trình phá án của cơ quan công an, giai đoạn đầu, Bạch Văn Chanh nhất nhất không chịu rời "đại bản doanh" khỏi động Tam Thanh.
Thời đó, đây là khu gần như tách biệt với người dân bên ngoài, chủ yếu chỉ có người đi rừng mới thi thoảng qua lại. Mặt khác, chính y hiểu rằng, ải Chi Lăng - Quỷ Môn Quan là nơi yếu địa, dễ gây án, tẩu thoát nhanh.
Do đó, dù có "ăn hàng" trên địa bàn Thị xã Lạng Sơn, hay tại Quỷ Môn Quan hoặc bất kỳ các "miếng mồi" nào lọt vào tầm ngắm của tên tướng cướp, nơi ẩn náu khỏi cơ quan pháp luật vẫn phải là quay về trốn trong lòng núi.
Chỉ riêng việc lần ra tung tích nơi trú ẩn tại động Tam Thanh của Bạch Văn Chanh đã mất rất nhiều thời gian, công sức của các cán bộ chiến sĩ công an tỉnh Lạng Sơn. Thời điểm này, trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn là thiếu tá Nông Văn Định (sau này là Đại tá, Anh hùng LLVT, phó giám đốc Công an tỉnh).
Với quyết tâm truy tìm, tiêu diệt băng cướp do Bạch Văn Chanh cầm đầu các mũi trinh sát bí mật dày công tung đi khắp các ngả đường để nắm bắt thông tin. Tuy nhiên, với bản chất "cáo già", tướng cướp Bạch Văn Chanh đã gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan công an.
Lực lượng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn lúc đó một mặt dốc sức, quyết tâm phá án, mặc khác tích cực nêu cao tinh thần đấu tranh tố giác tội phạm trong quần chúng nhân dân.
Theo đó, một nguồn tin quý giá đến với Phòng cảnh sát hình sự (sau này mới đổi tên là Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) là trong lần đi rừng, có một người dân phát hiện ra có một nhóm người thoăn thoắt leo núi, trên vai vác súng AK rồi biến mất đâu đó trong rừng núi âm u.
Thông tin này được báo lên công an tỉnh. Đại tá Nông Văn Định, bằng kinh nghiệm của một người có bề dày "đánh án" hình sự đã lóe sáng ngay trong đầu mối nghi vấn: "Khả năng đây chính là nơi trú ẩn của băng cướp do Bạch Văn Chanh cầm đầu".
Tuy nhiên, điều nan giải nhất là ngay cả những bậc cao niên cũng không biết trong khu vực núi Tam Thanh có bao nhiêu hang động. Lối vào thì có hàng chục, lối ra cũng có hàng chục lối thoát ra. Xung quanh lại là rừng núi, liền kề sông Kỳ Cùng dễ bề tẩu thoát, nếu có bị tấn công.
Ngay sau khi có thông tin quý giá này, các mũi trinh sát đặc biệt tinh nhuệ được giao nhiệm vụ tiếp cận vùng hang động mênh mông. Thông tin đưa về là có dấu vết của con người sinh sống trong một số khu vực.
Kết hợp các nguồn tin và biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định đây chính là nơi Bạch Văn Chanh và đồng bọn trú ẩn sau mỗi vụ gây án. Việc phát hiện ra sào huyệt của tên tướng cướp vô cùng quan trọng. Nó được coi là phát súng mở màn, cho những cuộc đấu trí và cả đấu súng rất ngoạn mục của các chiến sỹ công an tỉnh Lạng Sơn trong hành trình tiêu diệt Bạch Văn Chanh và đồng bọn tiếp theo.
Quang Trung
(Còn nữa)