Tai nạn đuối nước ngày càng gia tăng
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra không ít vụ đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của nhiều đứa trẻ tội nghiệp.
Theo thống kê của sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2021 đến ngày 25/7, toàn tỉnh có 41 trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước (tăng 21 trường hợp so với 6 tháng đầu năm 2020).
Đặc điểm chung của các vụ trẻ em bị đuối nước chủ yếu là do sự lơ là, thiếu giám sát, bảo vệ con nhỏ của các bậc phụ huynh.
Hơn nữa, trẻ vui chơi tự do, thiếu sự bảo vệ an toàn nên khi xảy ra tai nạn đuối nước thì không có người ứng cứu kịp thời. Đa số các vụ đuối nước đều xảy ra vào những quãng thời gian giao thoa cuối năm học, đầu kỳ nghỉ hè.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này phải kể đến là trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hệ thống ao, hồ, sông, suối, thác nước chiếm tỷ lệ khá lớn (42%) và nằm rải rác đều khắp. Bên cạnh đó, số đập, giếng nước, hồ tưới của các nông trường, các hộ gia đình trồng cà phê tương đối lớn.
Đáng nói, hầu hết các hồ, đập đa số đều sâu, lòng chảo, trong khi đó hệ thống rào chắn, biển báo, biển cấm để phòng nguy hiểm hầu như không được chú trọng.
Mặt khác, một số hộ gia đình nông thôn sử dụng nước giếng đào hoặc bể chứa nước nhưng thường không có nắp đậy hoặc nắp đậy không an toàn.
Không chỉ vậy, cũng theo thông tin từ sở Lao động – Thương binh và Xã hội từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tại một số thời điểm giãn cách xã hội nên học sinh phải nghỉ học, khu vui chơi cho trẻ em cũng bị hạn chế tập trung đông người.
Do đó, trẻ em đang ở độ tuổi hiếu động tự tụ tập tại những điểm vui chơi theo sở thích, trong đó có ao, hồ, sông suối hoặc theo cha mẹ đi nương rẫy...
Đáng nói, đa số trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không được tiếp cận với việc dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước... cũng là nguyên nhân khiến tai nạn đuối nước ngày càng gia tăng.
Sáng tạo “bể bơi di động”
Để giảm thiểu tình trạng đuối nước, đặc biệt trong mùa hè, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em.
Không đứng ngoài cuộc trước nỗi ám ảnh do tai nạn đuối nước gây ra, những ngày qua Câu lạc bộ Vì đàn em thân yêu (trực thuộc Hội đồng đội Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) đã tổ chức bể bơi di động để dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Để tổ chức được bể bơi di động nói trên, thầy Mai Văn Chuyền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì đàn em thân yêu, giáo viên tổng phụ trách đội trường THCS Ngô Mây (xã Ea Mdroh, huyện Cư Mgar) cho biết: “Sau khi lên ý tưởng, tôi đã trao đổi và kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp của các nhà hảo tâm. Sau khoảng 1 tuần kêu gọi, câu lạc bộ đã thu được số tiền 50 triệu đồng từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm”.
Với số tiền nói trên, các thành viên câu lạc bộ phối hợp với cán bộ đoàn tại địa phương mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất để làm bể bơi di động.
Đồng thời, thầy Chuyền còn đứng ra kêu gọi các giáo viên dạy thể dục ở các trường đã được đào tạo bơi lội tình nguyện tham gia giảng dạy cho trẻ em.
Chỉ sau vài ngày bắt tay vào làm, bể bơi nhân tạo có kích thước rộng 5,1 mét, dài 15,6 mét và cao 1,2 mét đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Theo đó, bể bơi được đặt tại tại một nhà người dân trên địa bàn xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar), sử dụng nguồn nước giếng khoan bơm từ các nhà dân trong khu vực và cách 2 ngày lại được vệ sinh, thay nước một lần.
Lớp học bơi miễn phí đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và chính quyền địa phương. Chỉ trong vài ngày, có 90 trẻ độ tuổi từ 6-16 tuổi đăng ký than gia học bơi. Mỗi ngày, có 6 ca học, mỗi ca học sẽ diễn ra trong vòng 1 tiếng đồng hồ và có 2 giáo viên quản lý, hướng dẫn tại bể bơi.
Mặc dù, là lớp học thiện nguyện nhưng để trẻ được vào học, các giáo viên yêu cầu phải có đơn cam đoan, cho phép của phụ huynh.
Mặt khác, trẻ đi học bơi phải đúng giờ và tuân thủ các quy định của giáo viên phụ trách. Trước khi vào học, trẻ được các thầy tận tình hướng dẫn khởi động, vệ sinh cá nhân trước khi vào bể bơi.
Có mặt tại bể bơi di động vào lúc 2h chiều, dưới cái nắng gay gắt của những ngày hè tháng 6, chúng tôi không khỏi cảm phục trước sự tận tâm của các giáo viên phụ trách.
Ngoài việc truyền dạy cho trẻ những kiểu bơi cơ bản, các giáo viên còn phổ biến kiến thức về phòng, tránh tai nạn đuối nước, cách xử lý khi gặp người bị đuối nước và những kỹ thuật an toàn dưới nước. Mục tiêu đặt ra, tất cả học viên đều biết bơi sau khi kết thúc khóa học trong vòng nửa tháng.
Phấn khởi khi các con của mình lần đầu tiên được đi học bơi, chị Cao Thị Luyến (31 tuổi, trú tại thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 đứa con, cháu nhỏ nhất 5 tuổi. Vì điều kiện khó khăn nên gia đình không cho các cháu ra trung tâm huyện học bơi được. Trong khi đó, trên địa bàn có rất nhiều ao, hồ, suối.
Vì vậy, mỗi khi đi đâu xa, vợ chồng tôi đều không yêu tâm, phải gửi các con cho người thân và căn dặn các cháu không được ra ao, hồ, suối... chơi. Tuy nhiên, với sự tò mò, hiếu động của những đứa trẻ, chúng tôi không khỏi lo sợ trước những rủi ro khó lường.
Đáng nói, dù bỏ ra rất nhiều công sức nhưng các thầy cô không thu tiền học phí của trẻ ngoài việc phụ huynh hỗ trợ mỗi học sinh 50.000 đồng tiền điện, vệ sinh bể, nước uống... Chúng tôi rất cảm ơn các thầy cô giáo và cán bộ đoàn tại địa phương đã tổ chức lớp dạy bơi miễn phí này”.
Thầy Chuyền cho hay: “Mong muốn lớn nhất khi tổ chức bể bơi di động này là giúp cho nhiều trẻ em vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn được tiếp cận với việc học bơi, trang bị những kỹ thuật an toàn về phòng chống đuối nước.
Đồng thời, lan tỏa bể bơi đến nhiều thôn, buôn trên địa bàn huyện. Dự kiến, sau khi kết thúc khóa học tại xã Quảng Hiệp, bể bơi sẽ được di chuyển đến các xã khác”, thầy Chuyền cho hay.
Khánh Ngọc