Nhiếp ảnh gia Nina Ahn thực hiện một bộ ảnh mang màu sắc, không khí nhuốm màu u tối cùng sự lạc lõng mênh mang thể hiện sâu trong ánh mắt của chủ thể, tạo nên sự kết nối đồng điệu với nỗi cô đơn sâu thẳm của người nhìn.
Dụng ý của nhiếp ảnh gia Nina Ahn, chính là bắt trọn những khoảnh khắc cô đơn của người trẻ Đại Hàn dân quốc, đặc biệt là nhóm người thuộc làn sóng “honjok” (“hon”: một mình, “jok”: một nhóm người).
Họ là những anh chàng, cô nàng theo đuổi cuộc sống chỉ “một” - đi chơi một mình, đi ăn tối một mình, lo toan mọi thứ một mình và thậm chí tổ chức đám cưới cũng… một mình! Tóm lại, là những người tự “gặm nhấm” nỗi cô đơn một mình.
Chia sẻ về bộ ảnh, tác giả Nina Ahn nói rằng “đây là cảm giác về sự từ bỏ”. “Chúng ta đang sống trong một thế hệ quay cuồng trong công việc, đơn thuần là để có một tươi lai sáng sủa nhưng lại không có niềm vui thực sự, vậy tại sao họ lại không có thời gian cho bản thân như thế?”- Cô Ahn đặt ra câu hỏi.
“Bộ ảnh của tôi truyền tải về một sự ảm đạm, buồn rầu giống như gương mặt của thế hệ trẻ bây giờ”.
Nhiếp ảnh gia Hasisi Park đã theo dõi về sự tách biệt bản thân ra khỏi xã hội của giới trẻ Hàn Quốc ở nơi cô làm việc. Cô đã mô tả họ là những người đã mất đi sức mạnh ở giữa xã hội rộng lớn hoặc ở những nơi đìu hiu chỉ có một mình họ.
Cô Park cho rằng, sự lan tỏa của làn sóng “honjok” trong xã hội gây một sức ép tới những người trẻ hiện đại. Cụ thể ở việc họ hạn chế những cơ hội giao tiếp với người khác và thiếu thốn thời gian cho riêng mình.
“Xã hội mà chúng ta sống không có sự ổn định, tôi nghĩ rằng giới trẻ, họ không muốn làm tổn thương bản thân thêm lần nào nữa”.
Theo thống kê từ Dịch vụ thông tin thống kê Hàn Quốc, có tới 5 triệu “hộ gia đình đơn thân” ở Hàn Quốc vào năm 2016, chiếm khoảng 28% dân số. Với con số như vậy, Michael Breen, tác giả cuốn sách "The New Koreans: The Story of a Nation" bày tỏ quan điểm: “Sự gia tăng này mang dấu hiệu bất thường với truyền thống lịch sử của xã hội Hàn Quốc. Tôi nghĩ đây là hệ quả của một nền dân chủ và mặt trái của sự phát triển kinh tế”.
Ông Breen tiếp tục: “Trong rất nhiều nền xã hội của những nước Châu Á, quyền lợi và sở thích cá nhân phụ thuộc vào gia đình của họ hoặc một nhóm, tổ chức. Nhưng sống càng lâu dưới một chế độ dân chủ thì con người càng thế hiện rõ chủ nghĩa cá nhân”.
Làn sóng honjok còn tạo điều kiện cho các dịch mới xuất hiện phổ biến như những ưu đãi của các nhà hàng dành riêng cho những vị khách đi một mình, sản xuất những sản phẩm kiểu dáng mini để dành cho những hộ gia đình đơn thân.
Nhiều phụ nữ Hàn có xu hướng từ chối kết hôn và sinh nở, tập trung phát triển sự nghiệp, do đó tình trạng “honjok” gia tăng khiến cho tỷ lệ sinh sụt giảm nghiêm trọng ở đất nước này.
Hà Trang (Theo CNN)