Đem niềm tin cứu rỗi sự tuyệt vọng
Chúng tôi đến thăm Câu lạc bộ đồng cảm (CLBĐC) Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) - nơi có rất nhiều bệnh nhân nhiễm HIV sinh hoạt, vào một ngày đầu xuân. Tiếp xúc với họ, chúng tôi luôn cảm nhận được sự thân thiện, cởi mở trong quá trình giao tiếp. Có những bệnh nhân HIV chuyển sang AIDS, đang phát bệnh ở giai đoạn cuối nhưng họ vẫn rất yêu đời. Để những người nhiễm HIV có thêm nghị lực và vững tin vào cuộc sống, đó là tấm lòng nhân ái, sự giang tay cứu rỗi của người thân, sự vận động của các tổ chức xã hội, đặc biệt là CLBĐC của địa phương.
Huyện Ba Vì có đường quốc lộ 32 chạy qua. Đây là con đường huyết mạch nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc, đây cũng từng là cung đường vận chuyển "cái chết trắng" của tội phạm ma tuý rất nhiều trong những năm qua. Hơn nữa, có thôn, xóm của Ba Vì được mệnh danh là xóm HIV/AIDS vì một bộ phận người dân, thanh niên do nhận thức còn hạn chế, sống buông thả, "dính" vào các tệ nạn xã hội như hút, hít, tiêm chích chất ma tuý... Nhiều thanh niên, đã phải đi xa để tìm kiếm việc làm, thế nhưng, ở đó, họ không giữ được mình, nghiện chất ma tuý, bị nhiễm căn bệnh thế kỷ rồi về lây lan ra người khác. Theo số liệu thống kê, trên toàn huyện Ba Vì đã xác định được hơn 500 ca nhiễm HIV/AIDS, chủ yếu tập trung ở 5 xã trọng điểm là thị trấn Tây Đằng, xã Chu Minh, Phong Vân, Vạn Thắng và Tiên Phong. Trước thực trạng có 5 "điểm nhấn" về ma tuý trên, năm 2007, hội liên hiệp Phụ nữ huyện đã thành lập các CLBĐC ở 5 xã trên để vận động, tuyên truyền người nghiện, nhiễm căn bệnh thế kỷ tham gia sinh hoạt, giúp họ vượt qua mặc cảm, vững tin vào cuộc sống và hòa đồng với xã hội.
Chúng tôi đến xã Tiên Phong (huyện Ba Vì, Hà Nội), gặp chị Phùng Thị Thu, Chủ tịch hội Phụ nữ thì được biết, xã này đã thành lập 2 CLBĐC. Theo chị Thu, thời gian đầu, các câu lạc bộ hoạt động cực kỳ khó khăn, do nhận thức của người dân còn hạn chế nên tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử, thậm chí xa lánh, hắt hủi với người nhiễm HIV/AIDS xảy ra thường xuyên. Với người bệnh, họ có thái độ tự ty, mặc cảm trong tuyệt vọng. Nhiều người, tự đắm chìm trong sự tự ty của bản thân nhưng có người thì lại lấy sự kỳ thị của mọi người để trả thù đời. Đây là hành động rất xấu, ảnh hưởng lớn tới sự trong sáng của đời sống. Nắm bắt được những biến đổi tâm lý đó, chị Thu và cán bộ của các hội, đoàn thể đã phải đến từng gia đình, gặp từng người nhiễm bệnh HIV để vận động tham gia câu lạc bộ.
Chị Thu nhớ lại: "Có những lần đến vận động người nhiễm căn bệnh thế kỷ tham gia CLBĐC, tôi đã bị người nhà bệnh nhân đuổi ra khỏi nhà, thậm chí còn bị chửi, mắng. Họ cho rằng, chúng tôi hoạt động mang tính hình thức, chỉ tỏ ra thương hại vớ vẩn chứ không thật lòng. Khi chúng tôi đến trao phần quà hỗ trợ của Nhà nước cho gia đình anh Trần Văn Hùng - người mới phát hiện bị nhiễm HIV, chúng tôi bị chính anh Hùng mắng, đuổi ra khỏi nhà nên đành ngậm ngùi mang quà về. Còn hiện nay, anh Hùng lại là thành viên tích cực nhất của câu lạc bộ, không những làm kinh tế giỏi mà còn giúp nhiều người bệnh cùng cảnh tự quên bệnh tật, sống có ích".
Mặc dù bị nhiễm HIV/AIDS nhưng anh T. vẫn làm kinh tế giỏi.
Để có thể đưa những người nhiễm HIV/AIDS đến với các CLBĐC, người giúp đỡ họ phải kiên trì, bền bỉ, phải có tấm lòng vị tha, sẵn sàng giang rộng vòng tay yêu thương, gần gũi họ. Hãy ở vào hoàn cảnh của họ để cảm nhận, để khuyên giải thì mới thu phục được họ. Hơn nữa, người làm công tác này phải hiểu về bệnh, biết cách phòng chống bệnh. "Chúng tôi mở 5 lớp tập huấn tuyên truyền về phòng chống HIV, cách chăm sóc người bệnh... Thời gian đầu, lớp học chỉ có lèo tèo vài người, nhưng chúng tôi vẫn không nản mà thường xuyên thăm hỏi, vận động và thuyết phục gia đình có những người bị nhiễm HIV đến học. Lúc đầu, người thân của họ tưởng đi học phải đóng tiền nên dè dặt. Khi hiểu, họ đi tập huấn đều. Mỗi lần tham gia tập huấn về, chúng tôi đều cố gắng có quà tặng các gia đình để chia sẻ khó khăn với họ. Hơn nữa để họ hiểu rằng, chúng tôi đến với họ bằng tấm lòng và sự sẻ chia chứ không phải bằng sự thương hại" - chị Thu nói.
Chiến thắng căn bệnh thế kỷ
Chúng tôi đã tìm đến gặp anh V., người nhiễm HIV giai đoạn cuối nhưng vẫn vui vẻ tươi cười. Mặc dù đã yếu, nhưng anh vẫn luôn nhoẻn miệng cười. Anh kể về quãng đời lầm lỗi của mình và cảm nhận khi biết mình bị nhiễm HIV, cả bầu trời đổ sụp xuống trước mặt. Anh nằm liệt giường, không ăn uống khiến bệnh tình ngày càng thêm trầm trọng. Khi tham gia CLBĐC xã Tiên Phong, thấy nhiều người bệnh giống mình, có hoàn cảnh khó khăn hơn như mẹ già neo đơn, con nhỏ nheo nhóc... nhưng họ vẫn lạc quan và sống có ích. Từ những hình ảnh đó, anh V. bắt đầu biết trân trọng sự sống những ngày còn lại của mình. Anh V. tham gia hoạt động trong CLBĐC đến lúc yếu, phải nằm liệt giường mới thôi. Bây giờ, anh V. phải ngồi nhà nhưng anh vẫn không có cảm giác bi lụy như trước vì mọi người trong CLBĐC vẫn thường đến thăm hỏi, động viên anh. "Bạn bè vẫn thường xuyên đến nhà chơi với tôi, kể cho tôi nghe mọi chuyện xảy ra xung quanh mình, liên quan đến mình và đặc biệt là về cả đời sống, xã hội đang thay đổi bên ngoài" - anh V. nói. Anh V. chia sẻ: "Hạnh phúc mà cuối đời tôi nhận được chính là sự sẻ chia, săn sóc của người thân và xã hội".
Những người nhiễm HIV không những vượt qua mặc cảm để hòa nhập với cộng đồng mà còn trở thành con người có ích cho xã hội. Đó là anh Trần Văn Hùng, sau khi được thuyết phục hòa đồng với cộng đồng, anh đã trở thành một tuyên truyền viên tích cực. Trước khi mất, anh đã đi đến rất nhiều nơi để kể về chính cuộc đời mình nhằm tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS và có những lời khuyên xương máu đối với lớp trẻ. Chuyện đời của anh Hùng đã thức tỉnh khá nhiều thanh niên và con nghiện tại địa phương, giúp nhiều người đang lầm đường, lạc lối mơ ước trở về với nẻo thiện.
Được sự giúp đỡ của CLBĐC, nhiều người nhiễm HIV/AIDS còn vươn lên làm kinh tế, giúp đỡ cho gia đình, cùng vợ nuôi dạy con, chú ý đến sự học hành của con. Được sự quan tâm của hội liên hiệp Phụ nữ Hà Nội và Ba Vì, trong hơn 3 năm qua, hội còn đứng ra vay vốn với lãi suất thấp ở ngân hàng chính sách giúp các gia đình làm ăn kinh tế. Những bệnh nhân vay vốn luôn trả đúng thời hạn. Chúng tôi có đến thăm gia đình anh T. và chị H. ở thôn Kim Bí, xã Tiên Phong, nghe tâm sự: "Lúc đầu biết mình bị nhiễm HIV, tôi cảm thấy mọi thứ đều sụp đổ, nhưng sau khi được CLBĐC vận động và chỗ dựa tinh thần từ người vợ, tôi đã tự vươn lên trong cuộc sống, mạnh dạn vay vốn của Nhà nước để phát triển kinh tế. Hiện nay, tôi đã có một mô hình VAC đem lại hiểu quả kinh tế cao. Bây giờ, nếu phát bệnh, phải lìa xa cuộc sống, tôi cũng không ân hận gì".
Anh T. chia sẻ: "Đối với tôi, bệnh tật không còn quan trọng, quan trọng là những ngày mình còn sống thì phải cố gắng làm việc đến hơi thở cuối cùng để lo cho vợ, con. Chúng tôi có 3 đứa con, một đứa đang học năm cuối đại học, đó là là động lực để tôi phải cố gắng hơn nữa".
Người nhiễm HIV được hòa nhập cộng đồng Chị Phùng Thị Thu - Chủ tịch hội Phụ nữ xã Tiên Phong cho hay: Trước đây, những người nhiễm HIV luôn bị hắt hủi và xa lánh. Ví dụ, nếu trong làng có đám cưới, người nhiễm HIV xuất hiện là mọi người trong đám cưới đều đứng dậy, bỏ đi. Do công tác vận động, tuyên truyền tốt nên những người nhiễm HIV đã hòa nhập với cộng đồng. Trong những lễ hội,đám hiếu, hỷ, những người nhiễm HIV vẫn tham gia giống những người bình thường. Giữa người bệnh và mọi người giờ đây không còn ngăn cách nào. |
Hoàng Thế Tào