Người “trong nghề” bán tính bán nghi
Những ngày này, ai có dịp trở lại Hợp tác xã (HTX) 19/5 (ấp 20, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) sẽ dễ dàng nhận thấy sự lo lắng của những người làm nghề gác kèo ong (làm ổ cho ong mật - PV) truyền thống. Bởi, họ phải liên tiếp gánh chịu tổn thất nặng nề từ thông tin "85% mật ong đặc sản của Cà Mau bị pha thêm nước đường" và nhiều người đưa ong không rõ nguồn gốc về nuôi rồi gắn mác mật ong rừng U Minh Hạ.
Những vụ việc trên không chỉ làm ảnh hưởng đến thương hiệu mật ong rừng U Minh Hạ mà đang tiếp tục gây khó khăn cho những người hành nghề gác kèo ong truyền thống dưới tán rừng của vùng đất U Minh.
Ngồi tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà nhỏ, ông Trần Văn Nhì, xã viên HTX 19/5, người có hơn 40 năm hành nghề ăn ong (lấy mật ong - PV) theo cách gác kèo truyền thống ngậm ngùi: “Tôi hành nghề ăn ong hơn 40 năm, không biết pha chế bất cứ một thứ gì vào mật ong tự nhiên. Bởi, tôi luôn ý thức được việc cần có trách nhiệm gìn giữ thương hiệu mật ong rừng U Minh Hạ”.
Theo ông Nhì, sau thông tin có hơn 85% mật ong U Minh bị pha chế, thương hiệu mật ong nơi đây đã bị giảm sút đáng kể, người gác kèo ong cũng gặp khó khăn. Đến nay, thương hiệu mật ong U Minh Hạ vẫn chưa lấy lại được uy tín với người tiêu dùng. Những người ở TP.HCM muốn mua mật tự nhiên đều đòi hỏi phải xuống tận nơi, cùng đi ăn ong với người gác kèo họ mới dám mua.
“Chúng tôi mới lấy lại lòng tin từ người tiêu dùng chưa được bao lâu thì nay lại xuất hiện thông tin mật ong không rõ nguồn gốc bán với thương hiệu ong bản địa… Kiểu này, mai mốt không lấy mật trước mà phải đợi khi nào người mua đến, dẫn người ta đi cùng mình luôn mới mong bán được mật”, ông Nhì buồn bã chia sẻ.
Một người làm nghề kinh doanh mật ong trên địa bàn huyện U Minh chia sẻ, trước thông tin có mật ong không gõ nguồn gốc tràn về rừng U Minh Hạ, những người hành nghề mua bán mật ong uy tín cũng ít nhiều bị tác động. Những người này có nhiều năm mua bán trong nghề, thậm chí họ biết rành rọt về nghề gác kèo ong nhưng vẫn “bán tính bán nghi”.
“Dù có nhiều năm hành nghề gác kèo ong và mua mật ong của người khác bán lại nhưng tôi vẫn gặp khó khăn trong khâu phân biệt mật thật, mật giả. Trước giờ, tôi làm ăn chủ yếu bằng niềm tin. Mấy hôm nay, nghe thông tin có người đem mật ong không rõ nguồn gốc về U Minh Hạ, lấy thương hiệu mật ong bản địa để bán được giá, tôi cũng có chút do dự, không biết đầu mối cung cấp mật ong của mình có làm ăn đàng hoàng không. Để tránh phiền phức, tôi quyết định đi ăn ong cùng người gác kèo cho chắc”, người này cho biết.
Mật ong “U Minh Hạ” có bị… “đe dọa”?
Liên quan đến những thông tin về ong nuôi “ngoại tỉnh” và mật ong từ nơi khác bán với thương hiệu U Minh Hạ như nói trên, UBND huyện U Minh đã có báo cao nhanh gửi UBND và sở ngành liên quan tỉnh Cà Mau. Tại báo cáo này, cơ quan đứng đầu nhà nước huyện U Minh nêu quan điểm: "Đây là vấn đề khá phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, nhãn hiệu, chất lượng mật ong U Minh Hạ, mà còn ảnh hưởng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và quyền lợi của người tiêu dùng…”.
Theo đó, ngoài việc xử lý theo thẩm quyền, UBND huyện U Minh còn đề nghị sở, ngành chức năng tỉnh Cà Mau hỗ trợ trong vấn đề xử lý các đối tượng vi phạm cũng như thông tin dư luận.
Sau khi vào cuộc xác minh, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau xác định, địa bàn huyện U Minh có chứa 270 thùng ong nuôi được xác định là loại ong mật Ý. Trong đó, trung tâm Thông tin và ứng dụng KHCN phối hợp với công ty TNHH Công nghệ UBEE nuôi thử nghiệm 50 thùng, 220 thùng còn lại do công ty TNHH Công nghệ UBEE tự liên kết với người thực hiện đề tài thử nghiệm, không nằm trong phạm vi thực hiện đề tài thử nghiệm của trung tâm Thông tin và ứng dụng KHCN tỉnh Cà Mau.
Trước đây, khi làm việc với cơ quan chức năng địa phương, công ty TNHH Công nghệ UBEE đã không xuất trình được hồ sơ, giấy phép của cơ quan chức năng về việc cho phép vận chuyển 220 thùng ong về nuôi trên khu vực rừng U Minh Hạ.
Xét thấy, ong mật Ý là ong nằm trong danh mục được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, nhưng vị trí đặt thùng ong nuôi tiếp giáp với vườn Quốc gia U Minh Hạ, có khả năng ảnh hưởng đến ong tự nhiên và tính đa dạng sinh học của khu rừng đặc dụng… Từ đó, sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đề nghị UBND tỉnh này chỉ đạo cơ quan chức năng tuyên truyền vận động người dân di dời các thùng ong nêu trên ra khỏi vùng rừng U Minh Hạ trong thời gian sớm nhất.
Còn về vấn đề mật ong nơi khác gắn mác U Minh Hạ, ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh xác định, thông tin phản ánh của người dân là có thực, địa phương đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ vụ việc. Tổ chức, cá nhân nào vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, huyện U Minh cũng đã vận động, tuyên truyền các hộ nuôi ong được ủy thác thương hiệu cam kết không mua bán các loại mật ong không đảm bảo chất lượng, trôi nổi trên thị trường, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mật ong U Minh Hạ cũng như người nuôi ong chân chính.
Nguyễn Linh