Tuyệt sắc thiên nhiên
Nghe tôi nói thông tin về đàn cò lạ về cư ngụ tại hồ Dầu Tiếng và đề nghị cùng tham gia chuyến đi, thạc Sỹ Nguyễn Trần Vỹ, chuyên viên nghiên cứu Viện Sinh học Nhiệt đới, người từng có nhiều năm lặn lội, nghiên cứu về các loài chim khắp mọi miền đất nước, hồ hởi: “Nếu vậy thì hay quá, mình sẽ cùng đi. Phải nhanh chóng thông tin và có biện pháp bảo vệ nó chứ nếu không sớm muộn gì chúng cũng bỏ đi!”.
Trong thời gian nửa tiếng ngồi xuồng máy ra đảo Nhím, cảnh trời nước mênh mông, hùng vĩ và lãng mạn, tôi không còn tâm trí để nghĩ sao xuồng chạy lâu thế. Khi xuồng còn cách khu vực Hốc Cò, bến Quỳnh chừng 500 m, anh Nguyễn Văn Đáp, người lái xuồng bỗng giảm tốc độ rồi chỉ tay về phái xa xa, nơi có những dải cồn lắp xắp nước nói: “Mấy chú nhìn thấy không? Đàn cò đấy. Không biết cò gì mà con nào cũng to bằng con gà mái thế”.
Theo tay anh Đáp chỉ, chúng tôi dõi mắt vào cồn đất và thấy đàn cò cả ngàn con đang đậu trên diện tích khoảng 2 ha. Theo đề nghị của chúng tôi, anh Đáp cho cho xuồng chạy một vòng ra phía sau lưng đàn cò đang đậu rồi tấp vào, vị trí này chỉ cách đàn cò chừng 200 m, quan sát khá dễ. “Tôi chạy xuồng chở khách, chở hàng ra đảo từ hơn 2 chục năm nay, đây là lần đầu tiên thấy đàn cò lạ về đây sinh sống. Ban đầu thấy chừng vài trăm con, nhưng càng ngày càng nhiều. Giờ có khi cả mấy ngàn con rồi”, anh Đáp nói.
Đàn cò Nhạn ở khu vực Hốc Cò, bến Quỳnh trong lòng hồ Dầu Tiếng
Sau gần một tiếng đồng hồ quan sát qua ống nhòm chuyên dụng, anh Vỹ buông máy, đưa tay áo lên lau mồ hôi, phán: “Đây là cò Nhạn, thuộc họ Hạc, bộ Hạc. Loài cò này nằm trong Sách đỏ Việt Nam (bậc R, hiếm)”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Vỹ thì môi trường sống của cò Nhạn là những bãi bùn ngập nước, ruộng lúa. Thức ăn chủ yếu là ốc, các loài thủy sinh sinh như ếch nhái, cua, côn trùng lớn. Cò Nhạn thường làm tổ tập trung cùng một số loài khác như diệc, cò quăm. Chúng sinh sản trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Mỗi lần đẻ từ 2 đến 5 trứng, ấp khoảng 1 tháng. Ở Việt Nam, cò Nhạn có mặt ở Đầm Dơi, Cái Nước (Cà Mau), Mường Nhé (Điện Biên), Gáo Giồng (Đồng Tháp). Trên thế giới, chúng có mặt ở Ấn Độ, Xri Lanka, Nêpan, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia.
Qua chiếc máy quan sát của anh Vỹ, tôi thấy những chú cò Nhạn đang cắm cúi dùng chiếc mỏ to, dài màu xám sừng, cắm xuống bùn, móc con ốc lên ăn. Bộ lông màu trắng, đuôi màu đen điểm ánh lục và hồng, đôi chân khá cao màu vàng nhạt, đôi mắt to tròn, tuyệt đẹp.
Anh Vỹ cho biết: “cò Nhạn có kích thước khá to, đặc điểm nổi bật là mỏ trên và dưới không khép chặt vào nhau ở đoạn giữa mà chỉ ở chóp và gốc mỏ. Vào mùa đông, phần lông trắng ở lưng sẽ được thay thế bằng màu xám nhạt. Hiện nay số lượng cò Nhạn đang giảm mạnh, không còn thấy chúng làm tổ ở sân chim Đầm Dơi nữa. Nguyên nhân chính là do môi trường sống của chúng bị con người tác động. Ngoài các hoạt động kinh tế như phá rừng bán ngập, nuôi trồng thủy sản, còn phải kể đến tình trạng người dân thiếu ý thức lấy trứng và bắt chim non diễn ra thường xuyên”.
Mong manh như cánh chim trời
Người dân quanh hồ Dầu Tiếng và trên đảo Nhím bức xúc cho biết, khi đàn chim trời hội tụ về chưa lâu đã xuất hiện nhóm người lạ từ một số xã quanh hồ Suối Đá, Phước Ninh, Phước Minh (huyện Dương Minh Châu) đến rình bắt chúng. Ban đầu, những kẻ săn bắt này bẫy cò Nhạn bằng cách tẩm thuốc trừ sâu vào cá con, đêm xuống, khi đàn cò đã bay về cánh rừng tràm gần đó ngủ, chúng rải mồi xuống nơi đàn còn đậu, kiếm ăn rồi đợi hôm sau đi thu chiến lợi phẩm. Tuy nhiên, chẳng có con cò nào trúng độc, vì chúng chỉ ăn ốc chứ không ăn cá. “Tụi nó thấy cò chỉ ăn ốc nên lại bắt ốc về tẩm thuốc rồi rải xuống, nhưng không hiểu sao vẫn không có con nào chết”, anh Hiếu, cư dân đảo Nhím cho biết.
Nhà nghiên cứu, Thạc sỹ Nguyễn Trần Vỹ đang say sưa quan sát đàn chim
Và, câu trả lời đã có khi chúng tôi bỏ thêm một buổi theo dõi cách kiếm ăn của những chú cò Nhạn này. Theo quan sát, những chú cò dùng chiếc mỏ khá dài móc con ốc nằm dưới lớp bùn lên để ăn. Nghĩa là, chúng chỉ ăn con mồi còn sống. Thỉnh thoảng, chúng cũng dùng mỏ cắp những con ốc chết lên, nhưng ngay sau đó lại nhả ra. Mặc dù tinh khôn thế, nhưng, đàn chim vẫn không thoát chết. “Những con chim này về hồi tháng 8 năm ngoái. Ban đầu còn nhát, chỉ cần nghe tiếng máy xuồng là chúng bay tán loạn. Nhưng càng ngày chúng càng dạn, bây giờ, lại gần cách 100 m nó vẫn thản nhiên. Cho nên, tụi săn bắn trộm đến gần, dùng súng cao su, súng hơi tự chế để bắn”, anh Hiếu nói tiếp.
Anh Trần Văn Điền, một ngư dân sống bên bờ hồ cho biết, hằng ngày vào lúc trời hừng đông, đàn cò này chia ra khoảng 3 – 4 tốp để kiếm ăn, đến trưa, chúng tụ lại thành một bầy đứng tỉa lông, nghỉ chân. Lúc này, những kẻ săn bắn trộm bắt đầu hành nghề. Chiều tối, khi đã ăn no, đàn cò nhạn bay về khu rừng tràm trên vùng đất bán ngập ở trên bến Quỳnh. Từ ngoài ngã ba bờ hồ có thể chạy xe gắn máy đến khu vực này mất khoảng 30 phút. Lúc này, tính mạng đàn cò tiếp tục bị đe dọa. Tuy chưa có con số chính xác, nhưng người dân ở đây khẳng định số lượng cò nhạn bị giết trong thời gian qua là rất nhiều.
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc VQG Lò Gò – Xa Mát cho biết đàn cò Nhạn này trước đây sinh sống tại VQG, nhưng do mùa khô, những trảng cỏ bán ngập trong VQG cạn nước, thiếu thức ăn nên đàn cò di cư đến vùng có nước như lòng hồ Dầu Tiếng để tìm thức ăn. Tuy nhiên, thạc sỹ Nguyễn Trần Vỹ cho biết: “Hiện nay cũng chưa ai nghiên cứu về di cư trong nội địa nên cũng không thể khẳng định đàn cò này từ VQG Lò Gò – Xa Mát đến. Còn đến từ đâu thì cần phải có nghiên cứu thêm. Nhưng, có thể khẳng định lý do đàn cò tìm đến lòng hồ Dầu Tiếng sinh sống là do môi trường sống cũ đã không còn thích hợp nữa nên chúng buộc phải bỏ đi. Cò nhạn là một trong những loài chim sống có tính bầy đàn rất cao, ít khi bỏ nơi cư ngụ quen thuộc và rất thông minh”.
Đầu năm 2012, một đàn chim quý khoảng 2.000 cá thể như Cổ rắn (điêng điểng), Cò rùi, Cồng cộc đen, Cò xanh… đã tìm về cư trú và làm tổ sinh sản tại nông trường Mùa Xuân (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Sau khi được Chi cục Kiểm lâm tham mưu, UBND tỉnh Hậu Giang đã có quyết định thành lập vườn chim Mùa Xuân, với số tiền đầu tư hàng tỷ đồng cho công tác bảo vệ. Ngày 24/2/2012, Nông trường Mùa Xuân phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Phụng Hiệp đã tổ chức họp dân để tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ đàn chim. Và, 100% người dân đều nhất trí, cam kết bảo vệ vườn chim. |
Theo Nông nghiệp Việt Nam