Chỉ mươi ngày nữa thôi là kết thúc một năm. Đánh dấu kết quả của cả một năm vất vả nơi trời Tây này. Thóc lúa đâu chưa thấy, thần may mắn vẫn nhởn nhơ nơi nào mà chưa đến gõ cửa nhà ai, chỉ có gió mưa thường xuyên thăm hỏi. Bạn bè gặp nhau trên chợ đổ hàng, sức khỏe cho xuống hàng thứ yếu. Chỉ quan tâm tới nhau về chuyện làm ăn buôn bán thôi. Những tiếng thở dài ngao ngán, những cái lắc đầu hầu như trở thành“chuyên nghiệp“ trong suốt tháng suốt năm qua.
Cây thông nhân tạo trong chợ Việt tại Séc
Tất cả bên“hậu phương“ đều đợi chờ vào trận quyết định nơi “tiền tuyến này“. Gặp lại anh chị bạn xa, sau vài câu thăm hỏi, anh bộc bạch nỗi lòng: “- Người ở Việt Nam nhưng chính quyền lại đặt bên Séc. Vậy nên: Sự thành bại nơi đây sẽ quyết định sự sống còn bên đó. Nhận thư vợ chiều qua… Mẹ năm nay đã 80, sức khỏe đi xuống nhiều, anh về mà lo mừng thọ cho mẹ. Con đường trước cửa họ đã trải nhựa xong, anh lo mà xây cho kín cổng cao tường. Kẻo rồi ba mẹ con em đàn bà con gái, trộm cướp nó mò vào thì em theo nó luôn nhé anh!“..
Hai anh em cười như địa chủ được mùa, nhưng chỉ một chút thôi, nụ cười lại tắt ngấm, ánh mắt thẫn thờ, tôi hiểu đồng tiền nó ám anh tôi.
Gặp chị, năm mươi mấy tuổi đời sắp trở thành bà ngoại. Mái tóc thề năm xưa giờ đã ngả màu sương gió, tóm ngược lên đỉnh đầu bằng sợi dây thun đỏ.Thôi thế cũng được, khỏi cần cặp, nơ, hoa hòe hoa sói làm gì. Còn đẹp hơn chán vạn lần lúc chị buông lơi, mái tóc chị rũ rượi, cứ như là con mẹ hàng cá vừa mới qua một trận khẩu chiến. Mùa đông lạnh ngăn ngắt như có trăm ngàn mũi kim chích vào thịt vào da. Bình thường chỉ đi giầy số 39. Vậy mà lạnh về phải đi đôi ủng số 42. Để sao cho lồng được hai đến ba đôi tất ấm. Lịch bịch lê gót như người duyệt binh không dứt khoát, mà nói dại có ngã cũng chưa chắc đã dậy nổi. Chị kể tôi nghe: “Chưa biết tính sao em ạ, anh ở nhà đang gọi viện trợ. Đứa lớn đã lấy chồng, còn hai đứa nhỏ lêu têu, công ăn việc làm không ổn định - Cô liệu mà cho nó sang bên đó chứ ở nhà là hư hết, tôi không chịu trách nhiệm“. - Sao vậy hả em?.
Chị hỏi tôi mà đôi mắt ầng ậng nước. Làm sao tôi có câu trả lời khi chồng chị, bố các cháu lại đùn đẩy trách nhiệm lên vai chị.
Người đi Tây dễ dàng thông cảm cho nhau. Bởi có xa mới thấu hiểu cho nỗi khổ của người xa. Nhất là trong những tháng năm này, làm ăn mỗi ngày một khó khăn hơn. Đồng tiền chê chủ nghèo không muốn định cư trú trong nhà mình. Các loại bảo hiểm cùng réo gọi. Cửa nhà, điện nước đồng loạt tăng giá. Khó khăn lúc này không thể nói là tạm thời nữa mà thực chất mình đang phải đối đầu.
Noel đang dần tới mà không khí bán buôn thật ảm đạm. Các bà tây đi mua hàng còn than thở hơn cả mình. Hòa cùng giọng than là tiếng ỉ eo, chèo kéo, so bì. Nhìn lượng khách mua mà mình có thể đoán trước được kết cục của một vụ mùa đại bại. Các bà nhắc lên đặt xuống chỉ đôi găng tay 50 ku (koruna) mà thôi, hoặc đôi dép đi trong nhà, thử rồi lại quăng xuống: “uvidime“. Thật não lòng mà không dám tỏ thái độ gì, bởi chợt nghĩ đến các mẹ ở bên nhà, có ít tiền nên phải tính toán thiệt hơn. Loanh quanh từ sáng tới trưa, có một con cá thôi mà cứ lật bên nọ lật bên kia, quảng từ lúc nó còn sống giẫy đành đạch, cho đến lúc nó chết lồi cả mắt các cụ vẫn chưa mua nổi thì mình sẽ thông cảm cho các cụ hưu trí bên này.
Thông cảm mà cố nặn lấy nụ cười chào tạm biệt, cười mà đang méo xệch mặt đi đấy.
Người Việt