Nội chiến tại Syria đã khiến con số những vụ bạo lực trên toàn thế giới làm ảnh hưởng đến giáo dục tăng mạnh. Hơn 70% trong số 3.600 vụ bạo lực như vậy xảy ra năm 2012 tại Syria.
Tại đó, các tòa nhà của trường học bị đánh bom, giáo viên bị tấn công còn học sinh thì bị tuyển vào các nhóm có vũ trang. Tình hình khủng hoảng ngày càng trầm trọng tại Syria khiến Tổ chức cứu trợ trẻ em phải tăng cường giám sát.
Ngoài bản báo cáo trên, còn có một nghiên cứu mới của UNESCO chỉ ra có 48,5 triệu trẻ em sống trong các khu vực xung đột trên toàn thế giới bị thất học, hơn một nửa số trẻ em đó đang ở độ tuổi tiểu học. Tổ chức cứu trợ trẻ em cho biết ước tính có 3.900 trường học tại Syria đã bị phá hủy và không thể sử dụng cho đến tháng 1/2013.
Hơn 1/5 số trường học ở Syria bị phá hủy hoặc không còn sử dụng được trong vòng hai năm xảy ra xung đột, dẫn đến hậu quả hơn 2,5 triệu trẻ em thất học.
Trong một tuyên bố đi kèm báo cáo trên, Giám đốc điều hành tổ chức Cứu trợ trẻ em, Jasmine Whitbread cho biết: “ Lớp học phải là một nơi an toàn và được bảo vệ chứ không phải là mặt trận nơi các em nhỏ phải chịu đựng những tội ác tày trời. Khi bị đem ra làm mục tiêu chiến tranh, trẻ em sẽ là cái giá phải trả để đổi lại cuộc sống cho những người còn lại”.
Bản báo cáo này kêu gọi cần tăng cường thêm nhiều hỗ trợ nhân đạo cho giáo dục. Ông nói, tháng Một vừa rồi, ngành giáo dục Syria yêu cầu 45 triệu USD từ Kế hoạch ứng phó viện trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại Syria tuy nhiên đến tháng Sáu mới chỉ nhận được 9 triệu USD.
Bản báo cáo cho hay, mức hỗ trợ giáo dục đã giảm xuống còn 1,4% từ 2% trong năm 2011, dưới 4% so với mục tiêu toàn cầu đặt ra năm 2010.
Cơ quan này kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới bảo vệ nền giáo dục bằng cách gây quỹ, cấm các nhóm có vũ trang sử dụng trường học đồng thời làm việc với các trường học, cộng đồng, kêu gọi họ tuân thủ các biện pháp của địa phương nhằm bảo vệ trường học đặc biệt trong thời gian xảy ra xung đột.
Bản báo cáo này được đưa ra trùng với thời điểm nữ sinh Pakistani, có tên Malala Yousafzai lần đầu tiên có mặt trước Hội đồng LHQ và phát biểu kể từ cô bé bị các tay súng tấn công trên đường đến trường ở Pakistan hồi tháng 10/2013.
Trang Trần (Theo Reuter)