Theo quan niệm dân gian, đúng ngày 23 tháng Chạp, người Việt làm lễ cúng ông Công ông Táo hay còn gọi là Tết Táo quân. Tuy nhiên, nhiều người vẫn phân vân không biết nên cúng ông Công ông Táo ở đâu là chuẩn nhất?
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia phong thủy Nguyễn Thị Ngọc Anh cho biết, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núc trong gia đình. Vì thế, trong ngày 23 tháng Chạp, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên.
Với những nhà không có bàn thờ Táo quân riêng sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng đặt dưới gian bếp và thêm một mâm khác thắp hương ở ban thờ thần linh, gia tiên thực hiện nghi lễ cúng chính. Khi cúng người dân nổi lửa để bếp cháy đỏ rồi bày mâm cỗ.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc cúng ông Công ông Táo ở đâu là tùy vào từng gia đình, từng địa phương chỉ cần gia chủ có sự thành tâm khi thờ cúng là được.
Còn theo chuyên gia phong thủy Mai Văn Sinh chia sẻ thêm về địa điểm cúng ông Công ông Táo: Nếu có ban thờ Táo Quân (thường đặt ở gần bếp) thì làm lễ thắp hương ở ban thờ này. Tuy nhiên, hiện nay các gia đình chủ yếu vẫn thắp hương ở ban thờ thần linh và gia tiên chứ không cúng lễ ở bếp, bởi họ quan niệm ban thờ chính là sợi dây kết nối giữa hai thế giới trần thế và thần linh.
Sau khi bày lễ, thắp hương khấn vái, thắp hai tuần hương rồi lễ tạ hóa vàng mã, mang cá chép đến thả ở ao hồ, sông, suối...
Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy.
Ngoài ra, vị chuyên gia này nhấn mạnh việc cúng ông Công ông Táo không cần quá bày biện, cầu kỳ và chi tiêu tốn kém. Điều quan trọng nhất vẫn là tấm lòng thành của gia chủ. Được biết, phong tục của mỗi địa phương khác nhau nên nghi thức cúng ông Táo cũng có phần khác nhau.
Phong Linh (tổng hợp)