Có những vùng quê nổi tiếng với những thắng cảnh đẹp, con người xuất chúng, kỳ dị. Cũng có nơi nổi tiếng với một nghề cổ truyền, một làng cổ, một biểu tượng đặc trưng riêng. Thế nhưng, miền quê Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) lại nổi tiếng khắp các vùng vì có nhiều đàn ông ế vợ nhất cả nước. Chưa ở đâu, việc lấy vợ lại khó khăn với đàn ông như ở đây.
2.000 thanh niên trong xã chưa lấy được vợ
Ở Lập Lễ, con gái 17 tuổi rưỡi đã được chuẩn bị trước mối lấy chồng nước ngoài. Ngay khi tròn 18 tuổi là khăn gói sang xứ người làm dâu. Cách đây chừng chục năm, con gái Lập Lễ chủ yếu qua Trung Quốc lấy chồng nhưng một vài năm gần đây thì chuyển sang Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Số con gái chịu lấy chồng làng chỉ đếm trên đầu ngón tay và hầu như có rất ít người lấy chồng ở các tỉnh lân cận. Chỉ những người đi học đại học có bằng cấp, có việc làm mới ở nhà.
Anh Vũ Hồng Hà, Bí thư đoàn thanh niên xã Lập Lễ
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, anh Vũ Hồng Hà, Bí thư đoàn thanh niên xã Lập Lễ cho biết, cả xã hiện có khoảng 2.000 thanh niên chưa lấy được vợ, trong số đó thì thanh niên độ tuổi 30 khá đông. Con gái giờ tính tuổi chưa chồng (18 tuổi trở xuống) còn mấy trăm người song những đối tượng trên 18 tuổi chưa lấy chồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Riêng thôn Đường Trưỡng của xã chỉ còn 5 người trên 18 tuổi chưa lập gia đình. Bóng hồng còn ít là vậy, lẽ ra thanh niên làng phải chạy đua để mong lấy được vợ nhưng thanh niên làng lại không ai để ý. Họ biết chắc chắn những cô gái ấy đang chờ cơ hội và chờ mối lái để lấy chồng nước ngoài, chứ không hề có suy nghĩ sẽ lấy chồng làng.
"Phong trào đoàn không có con gái, những chương trình văn nghệ của thôn hay những công việc cần đôi tay mềm mại, khéo léo của phụ nữ lại chủ yếu là sự góp mặt của các đấng mày râu. Thi thoảng, có sự tham gia của học sinh các trường và các chị đã có gia đình. Trong xã, bí thư hay những người trong ban chấp hành đều là con trai", anh Hà nói.
Trong câu chuyện với người dân Lập Lễ, tình hình sinh sống của các cô dâu Việt ở nước ngoài luôn là đề tài chính. Mới đến ngã ba của xóm Đường Trưỡng (xã Lập Lễ), chúng tôi thấy một nhóm các cụ đang ngồi chuyện trò rôm rả, toàn nói chuyện "đô", chuyện xứ người: "Con bé ấy may phúc lấy được nhà giàu, tiền gửi về hàng tháng được cả 4.000 USD. Hai cô con gái của ông Đinh Viết Tài qua Hàn Quốc nhưng chắc khổ quá nên trốn về. Con gái nhà Hiệp, nhà Mầm, nhà Toàn cũng đi cả rồi đấy". Đoạn, các cụ lại bàn tán xem cô nào mới qua làm dâu ở nước ngoài, cô nào sướng, khổ. Thi thoảng, có mấy thanh niên chạy xe qua, các cụ lại bảo ngoài "băm" rồi mà chưa lấy vợ...
Buổi tối ở Lập Lễ có lẽ không giống bất cứ miền quê nào khác. Đi đường, chốc chốc PV Người Đưa Tin lại bắt gặp một đám đang túm năm tụm ba chuyện trò nhưng tìm mỏi mắt không thấy một bóng thiếu nữ. Có chăng chỉ là các bà, các chị tuổi ngoài ba mươi và các bé gái còn ít tuổi. Ghé một quán cà phê bên đường, cả không gian ồn ào tiếng cười nói, ngoảnh đi ngoảnh lại chúng tôi mới nhận ra là trong quán không hề có con gái. Những thanh niên đủ các lứa tuổi chở nhau bằng xe máy phóng vèo vèo trong con ngõ nhỏ, thoáng thấy sự xuất hiện của một bóng hồng là tất cả ngoái lại nhìn như gặp một hiện tượng lạ.
Lập Lễ là xã ven biển của huyện Thủy Nguyên, cả xã có khoảng 1.000 tàu đánh bắt cá, hễ đến khoảng thời gian 12 âm lịch hàng tháng thì tàu về, số thanh niên trong xã lại đông nghịt. Toàn xã có 9 xóm với hơn 11.000 dân. Thiếu vắng bàn tay phụ nữ, các công việc nhà đều do bàn tay đàn ông đảm nhận. Trao đổi với PV Người Đưa Tin, chị Vũ Thị Ngọt, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã cho biết, năm 2011, xã Lập Lễ có 50 phụ nữ lấy chồng nước ngoài. Năm 2012, con số này giảm chỉ còn 20 người vì con gái đủ tuổi đã đi lấy chồng ngoại hết. Nhiều gia đình có đến 2 - 3 cô con gái lấy chồng nước ngoài như gia đình bà Đinh Thị Dịnh xóm Đường Trưỡng.
Lấy chồng ngoại ở Lập Lễ đã trở thành trào lưu
Những cuộc hôn nhân không bền vững
Anh Vũ Hồng Hà, Bí thư đoàn thanh niên xã Lập Lễ cho biết, trước kia, tỷ lệ giới tính cân bằng. Hiện giờ, phụ nữ đi làm dâu xứ người hết, xã "trắng" con gái tuổi xuân thì, trai trong xã muốn lấy được vợ phải đi xa. Ở Lập Lễ, 85% số hộ gia đình làm nghề biển. Khó khăn cho con trai Lập Lễ là cả năm phải lênh đênh bám biển, không có thời gian đi xa tìm vợ. Một vài thanh niên thì nhờ có mai mối nên lấy được vợ ở các tỉnh xa như Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nam Định, cũng có người lấy vợ ở các vùng dân tộc.
Theo đó, do việc lấy vợ quá khó khăn nên xảy ra tình trạng con trai lấy vợ gần như không tìm hiểu. Nhiều trường hợp chỉ mới quen 3 - 5 ngày là cưới. Hệ lụy của thực trạng này là việc ly hôn xảy ra như cơm bữa vì mỗi người một nơi, khác biệt văn hóa, chưa thể hiểu nhau trong một sớm một chiều. Những cuộc hôn nhân không còn bền vững như trước đây, điều này đã tạo nên một tâm lý e dè khi kết hôn của thanh niên Lập Lễ. Họ lo sợ rằng lấy vợ được thời gian ngắn sẽ lại bỏ. Trong xã, có thanh niên lấy qua 2 - 3 đời vợ mà không xong, vẫn lủi thủi một mình. Anh con trai ông Tông, xóm Đầu Cầu là một trong số nhiều trường hợp như vậy tại Lập Lễ. Kết hôn ba lần, tất cả đều ở ngoại tỉnh nhưng chỉ chung sống được với mỗi người vẻn vẹn vài ba tháng thì ly hôn. Có người lấy vợ ở tỉnh khác do không có thời gian tìm hiểu kỹ nên lỡ cưới phải "gái giang hồ". Gia đình nhà chồng bị con dâu lừa lấy xe máy, vàng bạc rồi biệt tăm.
Ở Lập Lễ hiện nay đang xảy ra tình trạng, những cuộc hôn nhân gần như không cần tìm hiểu, chỉ cần hai bên thích nhau và có mối là cưới. Do việc lấy vợ quá khó khăn, nhiều thanh niên phải bỏ việc đánh bắt cá, bỏ cả nghề mưu sinh để dành thời gian tìm vợ. Có người khi có tín hiệu từ phía nhà gái thì bỏ 1, 2 chuyến tàu, về nhà hai, ba tháng để tiếp tục công cuộc tìm vợ.
Việc lấy chồng nước ngoài của các thiếu nữ miền biển Lập Lễ đã trở thành trào lưu, người ta cứ đua nhau để lấy cho bằng được cái mác "Việt kiều". "Nhiều gia đình chỉ có suy nghĩ gả con sang xứ người làm ăn tốt gửi về thì mình thoát khỏi cái nghèo. Tuy nhiên, có gia đình khá giả, bố mẹ vẫn tác động để con gái đi lấy chồng nước ngoài. Họ luôn nghĩ con nhà khác trở thành Việt kiều, mình có con cũng phải động viên con xuất ngoại cho… không bị lép vế. Có cô gái thì mang trong mình tâm lý đi lấy chồng ngoại để giúp đỡ bố mẹ, lấy người Việt Nam không có kinh tế, cả đời không biếu bố mẹ được gì", Bí thư đoàn Vũ Hồng Hà tâm sự.
Ngày nào cũng vậy, hễ chập tối là bà Vũ Thị Tươm (60 tuổi, thôn Đường Trưỡng) lại nhận được điện thoại của đứa cháu gái gọi từ bên Hàn Quốc về. Dứt điện thoại, bên mâm cơm đãi khách, bà lại kể chuyện xứ người cho cả nhà nghe. Bà bảo: "Trước kia, vợ chồng có khúc mắc cũng cố hàn gắn chứ không bỏ nhau ngay được, nhưng bây giờ chỉ xích mích nhỏ, các cô con dâu đã bỏ đi nước ngoài".
Chính vì xu hướng xuất ngoại mà con gái ở Lập Lễ rất "có giá", đàn ông ai có vợ cũng lo giữ vợ bằng mọi cách. Thời gian trước, thanh niên trong xã thường lấy vợ ở xã bên. Tuy nhiên, xã Phả Lễ và Lập Lễ từng là một xã, có sự khăng khít họ hàng, khi có trào lưu cho con gái lấy chồng ngoại, người dân giới thiệu cho nhau. Những cô gái về làm dâu Lập Lễ đa phần ở các tỉnh xa. Được biết, chi phí trọn vẹn để một người đi lấy chồng nước ngoài khoảng 30 triệu đồng, đa phần số tiền này do nhà trai chi trả.
Với những gia đình có con gái làm dâu xứ người, việc cho con gái đi như là chuyện tất yếu. Nhưng khi trò chuyện với những thanh niên của xã, chúng tôi liên tiếp nhận được những ánh mắt thở dài ngao ngán. Lý do là số phụ nữ bị bạo hành ở xứ người, bị nhốt trong nhà ngày này qua ngày khác đang dần gia tăng. Có người không chịu nổi thì mang con trốn về nước nhưng cũng có nhiều người vì sĩ diện vẫn âm thầm chịu đựng. Theo thống kê của Hội liên hiệp Phụ nữ xã Lập Lễ, tới giữa năm 2012, toàn xã có 35 phụ nữ lấy chồng nước ngoài đã trở về. Có người vì cuộc sống vất vả, có người bị lừa lấy phải chồng bị bệnh tâm thần, lại có người vì không sinh được con trai nên bị coi khinh, đánh đập...
Yến Dương