3h sáng, bệnh nhân nữ, 34 tuổi, vào cấp cứu vì đau ngực, nuốt nghẹn, ho ra đàm lẫn máu khoảng 1 tháng nay. Bệnh nhân có khám tại bệnh viện quận khoảng 4 ngày trước với chẩn đoán viêm dạ dày cấp, mua thuốc về uống nhưng không thấy bớt. Tôi coi kết quả siêu âm bụng có dày thành tá tràng, đến lượt cầm phim X quang của bệnh nhân, thở dài nhìn đám mờ trên trung thất đẩy khí quản lệch qua hẳn một bên.
- Bác sĩ chỉ chẩn đoán chị bị viêm dạ dày thôi à?
- Dạ vâng! Em uống thuốc mà không thấy bớt. Bữa nay cảm giác nuốt nghẹn hơn, ho nhiều, vừa ho ra máu nhiều quá nên sợ phải vào đây luôn.
- Hiện giờ chị đang ở đâu?
- Quê em dưới Hậu Giang cơ, đang trông con ốm bên viện Nhi đồng 1. Cháu 2 tuổi bị viêm ruột hoại tử cũng nằm điều trị bên đó cả tháng nay. Em nhờ mẹ bệnh nhân giường bên cạnh trông giúp một lúc rồi chạy qua đây.
- Tình trạng bệnh của chị không đơn giản đâu. Trên phim chụp có vẻ như có một khối u trung thất em chưa rõ xuất phát từ đâu. Cần làm thêm một số xét nghiệm nữa, nhiều khả năng phải nhập viện điều trị.
- Ôi ôi không được đâu bác sĩ! Em trông con có một mình, còn phải tranh thủ ngồi gần viện bán hoa quả dưới quê gửi lên để lo viện phí cho cháu. Ông bà ngoại ở quê yếu lắm rồi phải nhờ anh chị trông giúp. Chồng thì đang chăm ông nội nằm tai biến bên Chợ Rẫy. Giờ em mà nằm viện là không được.
- Bệnh của chị khám và điều trị càng sớm càng tốt! Giờ để nặng lên thì khó nói lắm! Chị không nhờ người thân nào chăm cho bé được sao?
- Không có bác sĩ ơi! Nhà thì nghèo, lại neo người quá! Thôi bác sĩ cố gắng giúp em. Cho em tạm thuốc gì chích vô hay uống để khoẻ lên. Em chăm cho con khoẻ ra viện rồi em đi khám lại sau cũng được.
Đúng lúc đó điện thoại của tôi rung lên, cậu bạn có vợ mới sinh bé được vài ngày thì vợ lại vào cấp cứu vì gãy tay. Tôi có nhờ mấy anh chị bác sĩ tôi quen bên ấy coi giúp rồi mà cậu bạn cứ gọi điện liên hồi lo lắng. Tôi tắt điện thoại đi rồi nói tiếp:
- Giờ sinh hiệu của chị ổn, nhưng bệnh gốc em đang nghi ngờ thì vẫn còn đó, có uống thuốc cũng không giải quyết được triệt để các vấn đề của chị đâu, tốn kém thêm ra! Em vẫn khuyên chị qua bệnh viện Chợ Rẫy hoặc viện Nhân Dân 115 kiểm tra lại và nhập viện điều trị càng sớm càng tốt. Bên ấy có đầy đủ bác sĩ giỏi, máy móc, rồi đỡ được gánh nặng về viện phí cho chị.
- Dạ vậy cảm ơn bác sĩ nhiều! Thôi em về cố lo nốt cho cháu đã rồi thu xếp đi khám sau vậy. Cảm ơn bác! Em chào bác!
Nói rồi chị nhanh chóng thu gom đống giấy tờ vào trong cái bịch vải cũ sờn. Thoăn thoắt đi ra khỏi cửa phòng cấp cứu.
Lúc này tôi mới có thời gian mở điện thoại ra, cậu bạn nhắn tin than sao số cậu ta khổ mà vất vả quá, công việc đang bù đầu mà mới chăm cho vợ sinh xong giờ lại lo cho vợ ốm, hắn nghĩ cuộc đời sao mà bất công với hắn thế. Tôi tức quá định gọi mắng cậu ta một trận, mà nghĩ sao lại thôi, ngồi nhắn tin động viên bạn.
Nhớ chuyện hôm trước đặt đường truyền cho cô bạn, cái kim vừa chọc vào da mà nó khóc bù lu lên cả, tôi càu nhàu “mới đau có tí thế này mà đã khóc thì làm ăn được gì hả?” Thế là cô bạn khóc tợn hơn. Muốn xin lỗi bạn, vì đúng là khi ấy tôi chẳng hiểu sao có những người có thể khóc chỉ vì bị kim đâm.
Chị bệnh nhân kia có thể khổ hơn cậu bạn tôi, tôi có thể chịu đau hơn cô bạn kia khi bị tiêm, bởi chúng ta là những người khác nhau, có cách nhìn cuộc sống và những trải nghiệm khác nhau, nên sức chịu đựng và khả năng đối diện với đau khổ của chúng ta sẽ không giống nhau. Tôi không thể đem niềm khổ đau ra làm cái cớ để biện minh cho những suy nghĩ hay hành động tiêu cực, nhưng tuyệt nhiên cũng không thể lấy những chai lỳ, mạnh mẽ của bản thân ra để đánh giá một người là yếu đuối chỉ vì họ không làm được như mình.
Tôi chợt hiểu, nỗi đau khổ, tủi buồn hiện hữu trong mỗi người là để được xoa dịu, không phải thứ đem ra để cân đo, đong đếm thiệt hơn lòng người.
BS Dương Minh Tuấn