Trường học đặc biệt
Ngôi trường ấy cũng đàng hoàng, to đẹp với khoảng 420 học sinh chia đều cho 30 lớp học 4 khối: 6, 7, 8, 9. Nhưng có một con số sẽ khiến không ít người phải giật mình e ngại, đó là một lớp rưỡi trong số đó là những học sinh có bố mẹ đang thụ án tù liên quan đến ma túy. Vậy là trung bình, cứ một lớp học sẽ có một em học sinh thuộc diện con em tội phạm ma tuý đang ở tù.
Cô Nguyễn Thị Liên, Phó hiệu trưởng nhà trường tỏ ra hết sức đau lòng khi công bố cho chúng tôi những con số ấy kèm theo lời tâm sự: "Giáo dục là môi trường vừa dạy, vừa dỗ học sinh nên người. Nhưng với học sinh ở đây, chúng tôi đa phần là dỗ, không dạy được. Dỗ để các em chịu đến trường đã là một thành công lớn lắm rồi".
Con đường vào xã Ngọc Vân san sát nhà tầng như là hiện thân của nỗi đau mang tên tỷ phú.
Xã Ngọc Vân, Tân Yên, Bắc Giang với những ai thoạt ngang qua sẽ hình dung là một vùng quê yên bình, giàu có bởi những ngôi nhà cao tầng san sát nhau với kiến trúc hiện đại, to và rất khang trang. Nhưng đằng sau những cánh cửa gỗ đắt tiền là nhiều câu chuyện đẫm nước mắt về một xã "giàu" nhất Việt Nam. Sự giàu có không đo bằng giá trị của cải vật chất thông thường, mà là con số về những người đi ở tù trong một năm lớn nhất cả nước.
Cô Liên cho biết: "Đầu mỗi năm học, nhà trường luôn phải rà soát lại số lượng học sinh có bố mẹ dính án ma túy để có những sự giúp đỡ cần thiết và chế độ "dỗ" riêng đối với các em. Theo con số thống kê giai đoạn 5 năm gần đây, số lượng học sinh thuộc diện này chưa hề giảm. Do đặc thù của tuổi vị thành niên rất ương bướng, sẵn những mặc cảm về việc gia đình mình bị coi thường, khinh rẻ nên rất bất cần. Các em sẵn sàng đánh nhau bất cứ lúc nào".
Khi giảng dạy cũng như khi nói chuyện, các thầy cô giáo phải hết sức chú ý câu chữ của mình. Việc đến nhà hỏi thăm, động viên, chia sẻ với các em cũng phải khéo léo, tế nhị. Cô Liên kể lại: "V. con gái nữ tù nhân tên Mỹ đang thụ án 20 năm đã nghỉ học cả tuần liền, trốn tránh mọi người chỉ vì xấu hổ khi bị quay lên tivi. Chúng tôi đã phải rất vất vả đến nhà tìm và động viên em trở lại trường. Không những thế, trực tiếp tôi và các bạn học sinh phải đến nhà đi gặt lúa giúp bà em để tạo sự gần gũi, trò chuyện, giải thích, kéo em trở lại trường học".
Kỳ thị từ trong suy nghĩ
"Đi đâu, chúng tôi không dám nói mình là người Ngọc Vân mà bắt buộc phải nói dối về quê hương của mình", cô Liên chia sẻ bằng tất cả sự trăn trở của một nhà giáo. Cô nhớ lại năm 2003, khi cô có dịp sang trường Ngọc Thiện ở xã bên dạy chuyên đề cho học sinh. Sau khi giới thiệu mình là người Ngọc Vân, học sinh hỏi: "Làng cô giàu thế, sao cô phải đi dạy học làm gì". "Chẳng phải làng cô là làng buôn ma túy, tiền của để đâu cho hết"... Những câu hỏi ngây thơ mà rất thật khiến cô không biết trả lời như thế nào.
"Đến những đứa trẻ con còn sẵn tâm lý kỳ thị đối với người Ngọc Vân, huống hồ, những đứa trẻ con ở Ngọc Vân bây giờ, chúng sao tránh được mặc cảm về tai tiếng tội lỗi mà cha mẹ chúng gây ra. Dù cha mẹ chúng có hối hận ở phía sau song sắt thì mọi chuyện đã quá muộn rồi", cô Liên tỏ ra ái ngại.
Để giúp các em học sinh vượt qua những nỗi mặc cảm cố hữu, các thầy cô giáo trường Ngọc Vân đã phải cố gắng trên tất cả mọi phương diện. Đối với những khoản tiền Nhà nước thu, ban giám hiệu trường luôn có đơn lên cấp trên để miễn giảm ở mức tối đa cho các em. Còn riêng với những khoản thu ngoài ngân sách thì nhà trường vận động các bạn học sinh đóng góp và ủng hộ. Như thế để các em không phải lo bất cứ khoản tiền đóng góp nào và tự tin hơn khi đến trường. Bởi theo cô Liên, Ngọc Vân không giàu như người ta vẫn nghĩ.
Ông Nguyễn Văn Đoan, Trưởng công an xã Ngọc Vân.
Cô Liên nhớ lại: "Năm học trước, H., học sinh lớp 8 được một đơn vị tài trợ học sinh vượt khó nhưng nó không muốn nhận. Nguyên nhân là hoàn cảnh khó khăn, có mẹ đi tù vì buôn ma túy nên H. không cần sự thương hại. Bố H. mất do nghiện quá nặng, bị sốc thuốc. Gia đình đều giấu hàng xóm láng giềng, không ai dám nói ra. H. nghỉ học không lý do và các cô phải lên tận nhà tìm hiểu mới biết gia cảnh đáng thương. Ông bà nội H. có một cô con dâu chịu án tù 20 năm, con trai bị chết vì nghiện nặng (chính là bố mẹ H. - PV). Con trai thứ hai đi tù 15 năm, vợ bỏ nhà đi để lại hai đứa cháu cho ông bà. Cậu con trai út bị tai nạn chết, con dâu út cũng đi lấy chồng mới, bỏ lại một đứa cháu nhỏ cho ông bà.
Hai ông bà năm nay hơn 80 tuổi nuôi 5 đứa cháu. Sống ở thời buổi này chỉ làm ruộng thì sao không khó khăn, làm sao có tiền cho cháu đi học được. Bà còn nói: "Nhà tôi hoàn cảnh như thế nếu nhà trường không cho chúng nó đi học thì chúng tôi cũng chịu. Cho cháu ăn cơm ba bữa một ngày là cố gắng lắm rồi, còn việc cháu đi đâu làm gì thì không thể kiểm soát được". Người ta vẫn gọi Ngọc Vân là làng tỷ phú. Nhưng chính những gia đình "tỷ phú" mới hiểu hậu quả của việc bất chấp pháp luật ngăn cấm, chạy theo đồng tiền nó nghiệt ngã đến mức nào. Những ngôi nhà dựng lên to vật vã chỉ là minh chứng cho một thời lầm lỗi. Còn bên trong đó, con người vẫn đang phải ngày ngày vật lộn với những khó khăn cơm áo gạo tiền.
Sống trong biệt thự bạc tỷ vẫn lo ăn từng bữa
Vượt lên khó khăn Cô Liên tâm sự: "Mặc dù khó khăn và luôn phải sống chung với những mặc cảm về sự kỳ thị của mọi người, nhưng những học sinh thuộc đối tượng có cha mẹ thụ án tù ở Ngọc Vân ngày nay vẫn luôn cố gắng hết mình. Nhiều em học tốt, được vào đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh. Có những em đã đỗ điểm cao vào các trường đại học và cao đẳng trên cả nước. Tôi tin, các em sẽ sống tốt và thành công nếu xã hội dang rộng vòng tay và đừng nhìn các em qua lăng kính sai lầm của người lớn". |
Trường hợp học sinh V. lớp 7, con gái của tù nhân Mỹ đang chịu án 20 năm cũng vậy. Mẹ đi tù, bố mất do bệnh tật, em ở với bà, anh trai đã bỏ học đi làm ăn để kiếm tiền nuôi hai em nhỏ. Cuộc sống của ba bà cháu ở nhà chỉ mong ăn no mặc ấm chứ không dám nghĩ đến chuyện ăn ngon mặc đẹp. Hay như trường hợp em H.N, nhà ở ngay trung tâm xã, bố mẹ đều đang trong quá trình thụ án, hai chị gái người đi học, người đi làm xa, H.N ở một mình trong ngôi nhà ba tầng. Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, H.N tự làm vườn và kiêm luôn công việc đồng áng để có cái ăn cái mặc nuôi sống bản thân mình. Mới là học sinh lớp 6 nhưng như ý thức sớm về hoàn cảnh gia đình, H.N đã biết sống tự lập từ rất sớm. H.N học giỏi nhưng tính trầm, ít khi giao lưu với mọi người xung quanh.
Cô Liên chia sẻ: "Hoàn cảnh gia đình các em đã vậy, trường học là nơi duy nhất để giúp các em có đầu óc thư thả hơn. Nếu không tạo mọi điều kiện thuận lợi và giúp các em vượt qua mặc cảm gia đình thì chúng tôi không yên tâm để các em lang thang bươn chải bên ngoài rồi lại vướng vào vòng tội lỗi".
Tuy nhiên, giúp đỡ cũng là một nghệ thuật. Có những em học sinh khi nhận được sự giúp đỡ của mọi người thì càng thêm mặc cảm, tủi thân. Đó là những trường hợp mà các thầy cô lại thêm đau đầu suy nghĩ để vận động các em quay lại trường học. Câu chuyện chẳng khác gì các thầy cô giáo vùng cao đi tìm học sinh về lớp học để dạy chữ.
Dương Thu - Phạm Mạnh