Bi kịch mất mát
Khác hẳn với hôm cả bản đưa các cháu bé đi tiêm phòng mũi "5 trong 1", mấy hôm nay, xã Châu Quang chìm trong không khí u ám, ảm đạm, tang tóc đến nghẹn lòng. Được biết, 3 nạn nhân tử vong sau khi được tiêm vắc xin là cháu Vi Trung Kiên (gần 3 tháng tuổi, xóm Quang Thịnh), Lô Quang Thịnh (3 tháng tuổi, xóm Quang Hương) và Vi Hoài Nam (3 tháng tuổi, bản Cù, cùng ở xã Châu Quang).
Tìm về xã Châu Quang, trước mặt chúng tôi là những ngôi nhà xiêu vẹo nằm nép mình dưới chân những ngọn núi sừng sững. Con đường nhỏ dẫn chúng tôi vào căn nhà lụp xụp của anh Lô Văn Hòa và chị Lương Thị Ngọc (bố mẹ của cháu Lô Quang Thịnh, 3 tháng tuổi, ở xóm Quang Hương). Chứng kiến vẻ mặt thất thần của anh chị đang phải gánh chịu nỗi đau quá lớn khiến chúng tôi quặn lòng. Nỗi đau ập đến quá bất ngờ, họ dường như không thể đứng vững.
Người nhà của vợ chồng anh Hòa cho biết, từ khi cháu Thịnh qua đời, chị Ngọc nằm liệt giường, khuôn mặt sưng húp vì khóc thương con. Thỉnh thoảng, vì quá xót con chị lại lên cơn co giật. Thấy PV đến nhà, anh Hòa lau nước mắt kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đau lòng của gia đình mình.
Anh cho biết, bình thường cháu Thịnh rất khỏe mạnh. Nhìn cậu bé nhanh nhẹn, xinh xắn ai cũng yêu quý. Khi gia đình nghe thông báo từ loa phát thanh xã về đợt tiêm phòng cho các cháu từ 3 - 4 tháng tuổi, hai vợ chồng anh bế con đi. Hôm đó, cháu Thịnh được y tá tên Hà Thị Long tiêm. "Đến chiều, con tôi có biểu hiện sốt nhẹ. Thịnh cứ bú vào là nôn ra hết. Đêm hôm ấy, cháu quấy hơn bình thường, khóc suốt không ai dỗ dành được. Cả nhà tôi đứng ngồi không yên.
Tuy nhiên, nhớ lại lời dặn của cán bộ trạm y tế xã, "sau khi tiêm, các cháu sẽ có biểu hiện sốt nhẹ, các gia đình không phải lo" nên gia đình tôi cũng không đưa Thịnh đi bệnh viện". Sáng hôm sau, gia đình anh Hòa có vò lá diếp cá đắp lên trán cho cháu Thịnh để hạ sốt. Nhưng mấy ngày tiếp theo, cháu vẫn không thuyên giảm. Và, đến 4h sáng ngày 10/12, cháu Thịnh trút hơi thở cuối cùng trên tay mẹ. Kể đến đây, anh Hòa khóc nức nở.
Gia đình cháu Vi Trung Kiên kể lại sự việc đau lòng. Ảnh: H.H.T
Trong căn nhà xiêu vẹo cách đó không xa, tiếng khóc não nề vẫn chưa thôi dứt. Thắp nén nhang lên bàn thờ cháu Vi Trung Kiên (một trong 3 nạn nhân bị tử vong), chúng tôi ngồi nán lại bên hai vợ chồng anh Vi Văn Phượng và chị Hà Thị Tuyết (bố mẹ cháu Kiên).
Qua lời kể của anh Phượng, cháu Kiên cũng có những biểu hiện "bất thường" như cháu Thịnh. Sau khi tiêm về, chiều ngày 7/12, Kiên bắt đầu sốt và nôn. Mồ hôi của cậu bé toát ra rất nhiều, người cứ lả dần đi vì yếu. Suốt đêm đó, cháu cứ khóc mãi và không chịu ngủ. Cũng như gia đình anh Hòa, chị Tuyết đã vò lá diếp cá cho cháu bé đắp lên đầu để hạ sốt. Nhưng những ngày sau đó, các biểu hiện ấy vẫn không hết. Đến ngày thứ 8 sau khi tiêm thì cháu Kiên qua đời.
Theo một người hàng xóm của anh Phượng, ngày bé Kiên qua đời, chị Tuyết cứ ôm khư khư cơ thể tím tái của con trong tay mà khóc. Quá đau đớn, dù bé đã mất nhưng người mẹ cố cảm nhận cái lạnh đang bao phủ toàn bộ cơ thể con. Chị nghẹn đắng nước mắt không nói được lời nào. Ai nhìn vào cũng không cầm được nước mắt. Bình thường cháu Kiên vốn là đứa bé khỏe mạnh, dễ thương. Thế mà, khi tiêm thuốc vào, người cháu tím tái lại dần.
Trường hợp đau lòng thứ 3 là cháu Vi Hoài Nam ở bản Cù (xã Châu Quang). Trước khi lìa đời, Nam cũng có những biểu hiện tương tự các cháu Kiên và Thịnh. Nhưng nhanh hơn, chỉ sau 2 ngày tiêm phòng, Nam đã vĩnh viễn ra đi.
Sự việc 3 đứa trẻ bị tử vong sau khi tiêm phòng vắc xin đã tạo nên một dư chấn rất lớn trong lòng những người dân miền núi xã Châu Quang. Không ít phụ huynh lo lắng cho số phận những đứa trẻ cùng tiêm trong đợt ấy. Và những người chúng tôi đã gặp, trên nét mặt họ vẫn còn nguyên nỗi bàng hoàng đau đớn khó có thể nguôi ngoai.
Có thể tử vong do sốt xuất huyết?
Được biết, đợt tiêm phòng ngày 7/12 vừa qua là do cán bộ Trạm y tế xã Châu Quang phụ trách. Chính họ cũng là người đứng ra để tiêm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai lại có sự góp mặt của một y tá bản là bà Hà Thị Long. Bà Long cũng chính là người đã tiêm cho cháu Lô Quang Thịnh. Phân trần về chuyên môn của mình, bà Long nói: "Dù là y tá bản, nhưng tôi đã có 20 năm trong nghề, có chứng nhận các khóa học liên quan. Từ khi vào nghề, tôi đã trực tiếp tiêm cho hàng trăm người, đủ các lứa tuổi, già trẻ, trai gái, nhưng chưa hề xảy ra trường hợp nào đáng tiếc. Tôi nghĩ, cháu bé qua đời không phải do kỹ thuật tiêm có vấn đề mà nên xem lại lô thuốc đã sử dụng".
Bà Nguyễn Thị Hồng, trạm trưởng Trạm y tế xã Châu Quang cho biết: Sáng ngày 7/12, chúng tôi đã nhận đủ liều lượng thuốc từ Trung tâm y tế dự phòng huyện Quỳ Hợp và đã kiểm tra kỹ chất lượng thuốc. Sau đợt tiêm này, cả xã có 3 cháu bị tử vong. Nguyên nhân hiện đang được điều tra, nhưng chưa thể khẳng định là do tiêm hay do thuốc. Trung tâm y tế và bệnh viện đa khoa huyện Quỳ Hợp đã phối hợp xem xét sự việc, kết luận chưa chính thức ban đầu là các cháu bị sốt xuất huyết".
Nói về lô thuốc đã sử dụng, ông Nguyễn Văn Hiền - giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Quỳ Hợp cho biết: "Ngày 4/12, chúng tôi nhận số vắc xin này về và đã tiến hành bảo quản đúng quy định. Nhận được thông tin 3 cháu bé tử vong sau khi tiêm thuốc, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra. Ban đầu, chúng tôi nghi các cháu bị sốt xuất huyết. Sau đó, chúng tôi đã báo cáo lên sở Y tế Nghệ An". Cũng theo ông Hiền, đợt tiêm phòng này cả Quỳ Hợp có 21 xã cùng thực hiện nhưng chỉ có Châu Quang mới xảy ra sự việc đau lòng.
Trước sự việc đau lòng xảy ra ở xã Châu Quang, ông Hoàng Văn Hảo, phó giám đốc sở Y tế Nghệ An cho biết: "Hiện, chuyên gia của bộ Y tế đang có mặt ở xã Châu Quang để xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 cháu bé ở xã sau khi tiêm phòng vắc xin".
Châu Quang vốn là một vùng quê miền núi nghèo, với 100% là dân tộc thiểu số. Trình độ nhận thức của bà con nơi đây vẫn còn nhiều hạn chế. Ngay cả khi vật vã trong nỗi đau mất con, họ vẫn cho đó là số phận. Thậm chí, nhiều người còn cho đó là do "con ma rừng" bắt đi chứ không biết "kỹ thuật" hay "chất lượng thuốc" là cái gì.
Nguyên nhân do vắc xin "5 trong 1"? Theo báo cáo của Trạm Y tế xã Châu Quang, ngày 7/12/2012, xã tiến hành tiêm phòng mũi "5 trong 1" (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do HIB). Cả xã có 65 cháu đến tiêm thì có 3 cháu xảy ra trường hợp đáng tiếc đó, là Vi Hoài Nam (tử vong ngày 9/12), Lô Quang Thịnh (tử vong ngày 10/12) và Vi Trung Kiên (tử vong ngày 15/12). Theo bà Nguyễn Thị Hồng - trạm trưởng Trạm Y tế xã Châu Quang, số vắc xin này được lấy về từ Trung tâm y tế dự phòng huyện Quỳ Hợp sáng ngày 7/12 sau khi đã kiểm tra kỹ chất lượng của thuốc. |
Loan Nguyễn