Nỗi đau của một gia đình cùng phải thụ án ma túy

Nỗi đau của một gia đình cùng phải thụ án ma túy

Thứ 6, 11/10/2013 15:27

Sau gần năm tiếng di chuyển cuối cùng thì tôi cũng đến tới trại giam Thanh Phong thuộc tổng cục VIII – Bộ Công an, được xây dựng trong huyện Nông Cống, Tỉnh Thanh Hóa.

Xen kẽ giữa những luống rau xanh mướt là con đường xi măng dẫn về các phòng giam của phân trại I, hàng trăm phạm nhân nữ mặc những bộ quần áo cùng màu kẻ sọc đen trắng đang tập trung hàng đôi rảo bước về nghỉ sau buổi lao động  cải tạo thường ngày, trong số đó nổi lên một khuôn mặt chạc ngoài năm mươi, mái tóc ngắn, da hơi sạm nắng, đượm buồn của một người đàn bà gặp nhiều trắc trở, đó là phạm nhân Vũ Thị Huệ.

Phạm nhân Vũ Thị Huệ quê ở Tiên Lữ, Hưng Yên năm nay đã năm mươi tám tuổi với bản án tù chung thân và đặc biệt có mấy người con cùng thụ lý tại các trại giam ở miền Bắc đã làm bà nổi tiếng nhất trong phân trại này. Được biết với hoàn cảnh đặc biệt như vậy tôi đã tìm tới đây để gặp bà. Khóe lệ đỏ hoe khi nói đến chồng con, bà đã kể về những nhọc nhằn đè nặng lên đôi vai. Bà vừa phải thay chồng kiếm sống nuôi 5 người con vừa phải làm tròn bổn phận của người mẹ chăm sóc gia đình nên số phận gian truân đã đẩy bà vào vòng lao lý.

Gặp người mẹ đang thụ án chung thân

Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn nơi thôn quê mà chồng bà lại sớm qua đời, công việc chợ búa luôn không đủ ăn nên bà Huệ đã quyết định đem ba người con lên Nà Rì - Bắc Kạn để tìm vàng kiếm sống .

Pháp luật - Nỗi đau của một gia đình cùng phải thụ án ma túy

Khi mới lên Bắc Kạn bà Huệ đã phải thuê nhà để bán giò chả, được một thời gian bà  đã bắt mối làm quen và thân thiết với nhiều cai thầu. Với sự khôn ngoan lanh lẹn, có được những mối thân quen nhất định bà đã nhanh chóng chuyển sang làm cai cho bãi vàng đầy nguy  hiểm và bon chen.

Chỉ trong vài năm bà đã tích lũy được một lượng vàng tương đối, khi cảm thấy đủ vốn liếng và khấm khá, bà quyết định đem các con về quê tậu đất đai và chuẩn bị cưới vợ cho con. Về quê khi đó bà đã có kế hoạch xây cho mỗi đứa một căn nhà để hoàn thành mong ước.

Tưởng như cuộc sống của gia đình bà từ nay sẽ hạnh phúc nhưng thật đáng buồn do máu tham tiền bà chấp nhận cách kiếm tiền phi pháp để rồi bà bị công an huyện Tiên Lữ Tỉnh Hưng Yên phát hiện và bắt giữ với tội danh buôn bán và tàng trữ chất ma túy, bà bị kết án 42 tháng tù giam tại trại Xuân Nguyên, Hải Phòng , cũng trong thời điểm này đứa con thứ hai của bà Huệ cũng không tránh được sự truy bắt của công an.

Trong những  ngày thụ án ở tù bà Huệ đã không có thời gian để kèm cặp dạy bảo những đứa con còn lại nên chúng cũng dần dần mắc nghiện và lần lượt đưa chân vào thế giới của quỷ dữ. Được mãn hạn tù cuối năm 2000, gia đình bà Huệ lại lâm vào cảnh chia ly, năm 2006, 2007 hai con trai và một con gái bà Huệ lần lượt phải chịu sự trừng phạt của pháp luật khi chúng đều mắc tội tàng trữ ma túy như mẹ.

Những năm  2005- 2008 xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên là điểm nóng về ma túy tập trung hàng trăm con nghiện trong tỉnh và các nơi đổ về nên đã thu hút không ít người tham gia vào đường dây cung cấp ma túy ở đây, bà Huệ cũng bị cuốn theo và rơi vào mạng lưới đó. Đi đêm mãi ắt cũng có ngày gặp ma, bà Huệ lần này lại bị công an tỉnh Hưng Yên bắt được đúng lúc đang vận chuyển hai bánh ma túy. Với số lượng như vậy bà Huệ  đã bị lĩnh án tù chung thân.

Cuộc đời bà Huệ lại trượt dài trên con đường tăm tối. Có lẽ gia đình bà Huệ là trường hợp bất hạnh nhất ở trong xã Thủ Sỹ này vì cả gia đình ly tán, hầu hết các thành viên trong gia đình phải chấp hành án phạt tù. Những ngày giá rét, lao động vất vả trong tù, mệt mỏi ốm đau không được ở bên cạnh người thân bà càng thấm thía cảm nhận được sự cô đơn, nỗi ân hận và tội lỗi.

Pháp luật - Nỗi đau của một gia đình cùng phải thụ án ma túy (Hình 2).

Cơn cuồng phong ma túy quét qua một làng quê

Để tìm hiểu kỹ hơn tôi đã quyết định tới nơi làng quê ác mộng năm xưa. Cách đây khoảng 10 năm cái làng quê Thủ Sỹ và cả huyện Tiên Lãng đang bị cơn cuồng phong của ma túy hoành hành cho xơ xác, giờ đây nó đã trở lại yên bình như vốn có. Vừa đi vừa dò hỏi và mất khoảng hai mươi phút thì tôi đã đến được cổng nhà bà Huệ, một ngôi nhà hai tầng khá rộng  vẫn còn tươi màu vôi trắng.

Hôm nay đúng ngày giỗ lần thứ 21 của chồng bà, cậu con trai thứ tên Hiệp được ra tù trước đang thay mẹ và anh chuẩn bị lo đám giỗ. Đã từ rất lâu trong gia đình này vẫn thiếu vắng những bữa cơm đông đủ, mẹ con đã lâu lắm rồi không  được cùng nhau chung sống dưới một mái nhà.

Với người Việt Nam ngôi nhà là thứ tài sản to tát và quý giá nhất mà ai cũng phải cố gắng lao động tích cóp để có được, nhẽ ra khi đã có được nó rồi thì bà Huệ  nên chăm chút cho ngôi nhà của mình và vun đắp dạy bảo các con, nhưng bà đã lại một lần nữa lầm chọn con đường sai trái để giờ đây không còn có cơ hội thắp một nén nhang cho người chồng quá cố.

Nhìn lên bức ảnh chồng bà trên bàn thờ, tôi nhớ lại lúc gặp bà Huệ trong tù, bà đã tâm sự rằng: “Suy ngẫm lại những ngã rẽ cuộc đời, những dấn thân tội lỗi và những trải nghiệm chết người trong cái vòng quay kiếm tiền của vấn nạn buôn bán ma túy, bà đã phải trả một cái giá quá đắt. Bản thân bà thì bị án chung thân, bốn người con thì cũng vào tù, gia đình ly tán, mọi sự ân hận tất cả bây giờ đều đã quá muộn”.

Khi ở nhà bà Huệ, cậu con trai thứ của bà là Vũ Đình Hiệp tỏ ra rất buồn và  mong  mẹ về đoàn tụ, dù chỉ là một ngày ngắn ngủi. Tiếp tục tìm hiểu thêm về người con trai cả của bà Huệ tôi xuôi theo con đường nhỏ liên xã tìm đến ngôi nhà của vợ chồng người con cả Vũ Như Huỳnh. Khi tìm được đến nhà Huỳnh tôi bắt gặp cảnh bốn mẹ con đang lủi thủi chăm nhau trong căn nhà nhỏ trống trải và nỗi buồn luôn thường trực trên khuôn mặt người vợ trẻ.

Bà con làng xóm cảm thông  thương cho số phận thiếu may mắn và hẩm hiu của chị Phương là vợ của Huỳnh, nhưng cũng có người ác miệng nói là do cái tiền kiếp mà chị phải gánh chịu. Chị Phương, người con dâu cả của bà Huệ đang loay hoay đan rỏ tre để kiếm thêm tiền rau cháo, ngậm ngùi kể về cuộc sống khó khăn, còm cõi sớm khuya. Chị kể lại, lấy chồng được ba năm thì họ đã có với nhau được một trai một gái, từ năm thứ ba trở đi khi chồng chị bị bắt, chị cứ thui thủi một mình loay hoay kiếm sống để nuôi 3 đứa con.

Và cuộc sống có chồng cũng như không, chị đã phải chia tay chồng khi Huỳnh lại bị bắt lần thứ hai. Số phận của Phương cũng chưa bao giờ có nổi một ngày vui từ khi lấy chồng. Hiện nay Huỳnh đang cải tạo ở trại Nam Hà. Nhân một lần đi công tác tôi lại có dịp tìm gặp Huỳnh và chứng kiến cuộc sống cải tạo của Huỳnh tại đây,  khi nói chuyện với tôi giọng Huỳnh nấc lên nghẹn ngào ân hận, đầy mặc cảm vì không thể làm gì được cho con cái gia đình và cho mẹ. Huỳnh đã cải tạo được bẩy năm, còn chín năm nữa mới xong, nhưng với dáng vẻ lọm khọm mới ở độ tuổi bốn mươi mà trong người mắc hai căn bệnh hiểm nguy như gan với lao, không biết có còn đủ sức để chống chọi đến ngày mãn hạn rồi trở về gặp mẹ và các con hay không.

Nỗi nhớ xa cách ruột thịt, niềm đau xót xa giữa bà Huệ với các con có lẽ không ngừng nguôi ngoai, nhớ lại lúc trước khi rời khỏi trại Thanh Phong, bà Huệ đã giàn giụa khóc hết nước mắt, ngao ngán hoài nghi với sự trở về hòng gặp lại được con cháu và mẹ già yếu ớt. Giờ đây nếu cải tạo tốt thì bà Huệ ít nhất còn phải chấp hành bản án những mười bốn năm rưỡi nữa, không  biết sức lực của bà còn trụ được sau ngần đấy thời gian không khi đã sắp đủ lục tuần. Nỗi đau tinh thần của bà Huệ, của các con bà và cả những đứa cháu vẫn luôn hiện hữu đi cùng theo năm tháng.                             

Linh Châu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.