Trao đổi với PV Người đưa tin, GS Hoàng Tụy cho rằng, đây là sự băng hoại đạo đức trong nhà trường. Nó vô cùng đáng buồn và đáng lo. Theo quan điểm của GS Tụy, xã hội nào và thời đại nào những chuyện trái đạo đức trong nhà trường cũng diễn ra. Vấn đề ở chỗ mức độ trầm trọng và phổ biến dừng lại ở đâu. Trong xã hội và nhà trường ta, mức độ ấy đã vượt xa giới hạn cho phép. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, vấn nạn này đã trở lên cực kỳ nguy hiểm. Thầy đánh trò chưa lắng đã đến chuyện trò đánh thầy, thậm chí thầy giáo gạ tình học sinh… "Những sự việc như vậy vẫn diễn ra đâu đó trong môi trường giáo dục khiến nhiều người ngán ngẩm. Cứ diễn biến như thế này chẳng biết điều gì sẽ chờ đón chúng ta trong vài mươi năm tới", GS Tụy nhấn mạnh.
GS Hoàng Tụy
Lý giải cho những cách hành xử kể trên, vị giáo sư này thẳng thắn: "Chẳng cần phải nghĩ nhiều, ai cũng thấy đây là hậu quả tất yếu của cách quản lý giáo dục nặng về hình thức và rộng hơn là cách quản lý kinh tế xã hội. Làm sao đạo đức trong nhà trường có thể giữ được khi hàng ngày trong xã hội gặp biết bao điều gian dối, lừa đảo. Tất nhiên, phải quản lý giáo dục tốt hơn để nhà trường vừa dạy kiến thức theo phong cách hiện đại, vừa dạy đạo đức, lối sống, theo những giá trị phổ quát của nhân loại. Đừng đi theo lối mòn như hiện nay, vừa dạy nhiều kiến thức lạc hậu, vừa dạy một thứ đạo đức "giả", theo nhãn quan chật hẹp, chỉ biết nói cho hay, toàn những mỹ từ to tát mà làm thì ngược lại. Vậy giải pháp căn cơ là phải cải cách giáo dục toàn diện, triệt để".
GS Đào Trọng Thi, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, những sự việc trên là nỗi đau của ngành giáo dục. Không phải trước kia thầy cô không đánh trò, mà bây giờ dư luận tốt hơn nên nhiều vụ việc được phát hiện và bị lên án một cách mạnh mẽ. Theo GS Đào Trọng Thi, điều này xuất phát từ nhận thức chưa đúng của giáo viên chưa được đào tạo chu đáo về phương pháp sư phạm. Một số học sinh cũng chưa ý thức được vai trò của mình trong ứng xử, quan hệ với thầy cô. "Với những trường hợp điển hình như vậy, chúng ta phải có cách xử lý linh hoạt. Đó là, cần phải tuyển chọn người đúng tiêu chuẩn, tăng cường đào tạo, rèn luyện nghiệp vụ cho giáo viên. Còn trường hợp học sinh hoặc thầy giáo cố tình "loạn đả" thì đương nhiên phải xử lý theo pháp luật", GS Thi nhấn mạnh.
GS Đào Trọng Thi
Cũng theo GS Đào Trọng Thi, trách nhiệm ở đây rất rõ ràng, các cơ sở giáo dục đã không quan tâm đúng mực tới việc tuyển người có đủ tiêu chuẩn, được đào tạo một cách có hệ thống và thực chất. Và đương nhiên, cơ quan quản lý giáo dục cũng phải chịu trách nhiệm về việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn ngành đã đề ra. Ở khu vực giáo dục tư nhân, công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý lỏng lẻo hơn so với các trường công lập. Đây là điểm cần phải khắc phục không nên để "con sâu làm rầu nồi canh".
Phúc Văn