Giữ không chuyển viện để thanh toán BHYT?
Ngày 5/9 tại bệnh viện đa khoa huyện Nông Cống đã xảy ra vụ việc đau lòng. Nạn nhân là bé Nguyễn Thanh Trúc (SN 2012), xã Thăng Long, huyện Nông Cống. Theo gia đình bé Trúc, ngày 2/9, Trúc được đưa đến khoa Cấp cứu, bệnh viện huyện Nông Cống trong tình trạng sốt cao. Tại đây, cháu được chẩn đoán viêm amiđan và được giữ lại đây để điều trị (lúc đầu được chẩn đoán viêm phổi).
Người nhà bức xúc vì bệnh nhân không được chuyển viện.
Tuy nhiên, nằm điều tri tại đây hai ngày, bé Trúc vẫn không có tiến triển, vẫn sốt cao. Vì thế 20h ngày 4/9, mẹ cháu đã xin điều dưỡng trực cho cháu được chuyển tuyến, nhưng các bác sỹ ở đây đều nói rằng cháu không sao cả và tiếp tục truyền cho cháu. Cho đến 23h ngày 4/9, bé có những biểu hiện nguy kịch, môi tím tái, mẹ Trúc không chấp nhận để cháu tiếp tục điều trị ở đây nên đã quyết định đòi chuyển cháu lên tuyến trên. Hơn 2 tiếng sau đó, các bác sỹ mới cho xe chuyển cháu đến bệnh viện Nhi Thanh Hóa. 1h40 sáng ngày 5/9, bé Trúc mới được đưa ra bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Tuy nhiên, khoảng 10 phút sau, bé đã tử vong. Quá bức xúc vì cho rằng bệnh viện đa khoa huyện Nông Cống cố giữ cháu bé ở lại nên mới xảy ra cái chết tức tưởi của cháu, sáng ngày 5/9, hàng trăm người nhà gia đình nạn nhân đã bao vây đập phá bệnh viện.
Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL không ít trường hợp bệnh nhân cũng bị rơi vào hoàn cảnh trên. Dù biết rõ bệnh viện tuyến dưới không đủ điều kiện để chữa trị bệnh, song khi đề nghị được cho chuyển tuyến thì bệnh viện tuyến dưới tìm đủ mọi lý do để giữ chân bệnh nhân ở lại. Và trong nhiều trường hợp, chỉ đến khi người bệnh lâm vào tình thế nguy kịch thì bệnh viện tuyến dưới mới vội vàng gọi xe cấp cứu cho chuyển tuyến! Không chỉ riêng bệnh nhân tuyến dưới bị làm khó, bệnh nhân BHYT khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến Trung ương muốn chuyển sang bệnh viện cùng tuyến cũng vô cùng khó khăn và đã có không ít hậu quả.
Nhận định về thực tế này, ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) cho hay: "Trong quá trình tiếp xúc cử tri, tôi cũng đã được nghe phản ánh có hiện tượng bệnh viện tuyến dưới cố tình giữ bệnh nhân lại không cho chuyển viện. Việc cố tình giữ bệnh nhân có trùng lặp với mục đích để không phải chia thanh toán BHYT hay không thì cũng chưa có kết quả thanh tra nào khẳng định. Tuy nhiên, rõ ràng là có việc bệnh viện tuyến dưới cố tình giữ bệnh nhân lại không cho chuyển lên".
Kết quả xét nghiệm bạch cầu của con anh Bình gấp đôi chỉ số bình thường.
Nơi thiết tha, nơi không mặn mà!
Những câu hỏi không lời đáp Để làm rõ hơn việc có hay không việc các bệnh viện đang cố tình giữ bệnh nhân không cho chuyển viện. PV đã liên hệ công tác với cục Quản lý khám chữa bệnh, bộ Y tế. Tuy nhiên, hơn hai tuần qua đi nhưng cục Quản lý khám chữa bệnh vẫn chưa có hồi đáp! |
Theo tìm hiểu của PV, trong khi các bệnh viện tuyến dưới thì mặn mà với bệnh nhân BHYT, các bệnh viện tuyến trên lại khá thờ ơ với bệnh nhân BHYT. Gần đây nhất, đường dây nóng báo Người đưa tin đã nhận được phản ánh bức xúc từ gia đình anh Nguyễn Văn Bình (Thuỵ Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) xung quanh việc bác sỹ bệnh viện đa khoa Xanh Pôn thờ ơ với bệnh nhi. Theo anh Bình, anh đưa con trai 3 tuổi vào viện lúc 18h ngày 10/9 do cháu sốt cao không rõ nguyên nhân. Trước khi đi, anh Bình có mang theo BHYT và sổ khám bệnh do bệnh viện cấp. Khi được bác sỹ trực khai thác tình hình bệnh lý của cháu, anh Bình đã trình bày cháu có tiền sử bệnh lý sốt cao co giật, cháu đã bị sốt từ ngày hôm trước. Thời điểm đi khám, con anh Bình có biểu hiện chu kỳ sốt mau hơn. Trước khi đưa con đi khám, gia đình anh Bình đã xử lý hạ sốt và cho cháu dùng thuốc chống co giật (do gia đình anh có nhiều người trong ngành y nên đã xử lý trước -PV). Sau đó, bác sỹ trực có hướng dẫn anh Bình đăng ký tại ô đăng ký khám bệnh của bệnh viện. Tại đây, nhân viên y tế trực yêu cầu anh Bình làm thủ tục đăng ký khám bệnh dịch vụ trong khi anh xuất trình đầy đủ các giấy tờ liên quan. Theo trình bày của anh Bình, anh chỉ nhận được lời giải thích rất đơn giản: "Ngoài giờ hành chính không giải quyết chế độ BHYT trừ bệnh nhân cấp cứu" và không có thêm hướng dẫn nào kèm thêm. Gia đình anh chấp nhận làm xét nghiệm dịch vụ. Công thức máu cho kết quả bạch cầu là 19.1 (trong khi chỉ số thông thường ở mức 4.06 -10.2) cao gấp 2 lần chỉ số bình thường cho phép. Với chỉ số này, con trai anh thuộc diện phải được cấp cứu nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Trao đổi với PV, BS.Phạm Mạnh Thân, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho rằng: "Với một chỉ số công thức bạch cầu chưa đủ xác định là bệnh nhân thuộc diện cấp cứu. Tôi hoàn toàn thông cảm với phụ huynh khi lo lắng cho con mình. Tuy nhiên, bệnh nhân có thuộc diện cấp cứu hay không phải phụ thuộc vào chỉ định của bác sỹ trực".
BS.Thân lý giải, bệnh nhân thuộc diện cấp cứu là khi các chỉ số sinh tồn như tim, huyết áp trong tình trạng cần phải được thăm khám, điều trị ngay. Chúng tôi quan tâm đến các triệu chứng bệnh lý lâm sàng khi bệnh nhân mới đến, một kết quả cận lâm sàng chưa đủ khẳng định bệnh nhi này đủ tiêu chuẩn cấp cứu. Tuy nhiên, BS.Thân cũng khẳng định đã chỉ đạo các bác sỹ trong bệnh viện, đặc biệt là ở khoa Nhi cần phải có thái độ làm việc hoà nhã, giải thích rõ ràng hơn cho người nhà bệnh nhân. "BHYT chi trả việc thăm khám cho bệnh nhân có thẻ. Chúng tôi không có lý gì không cho các cháu hưởng chế độ”, BS.Thân khẳng định.
BS.Hoàng Thị Minh Thu, trưởng khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Xanh pôn phân trần: "Chỉ riêng ngày nghỉ, chúng tôi có khoảng 250 bệnh nhân nhi. Trong khi đó, ngoài giờ hành chính chỉ có hai bác sỹ. Đặc biệt, nếu như trường hợp có BHYT mà chúng tôi có khám ngoài giờ thì cũng không có người cấp phát thuốc. Bệnh nhân vẫn phải mất công đi lại. Trường hợp bệnh nhân nhi trên hôm sau cũng không thấy quay lại bệnh viện kiểm tra".
Bệnh nhân bị "trói" đến bao giờ?
Theo giải thích của các lãnh đạo bệnh viện, lý do mà bệnh viện hạn chế cho bệnh nhân BHYT chuyển tuyến điều trị chính là cơ chế thanh toán chi phí KCB. Một chuyên gia nhận định, các chi phí cho những bệnh nhân chuyển tuyến điều trị, cơ sở KCB cho bệnh nhân chuyển vẫn phải chịu mọi chi phí của người bệnh ở tuyến khác mà không thể biết chi phí đó là bao nhiêu. Rất nhiều bệnh viện khi thanh - quyết toán mới hay biết những chi phí cho người bệnh chuyển tuyến vượt quá cao, trong khi số tiền mà BHYT thanh toán chỉ rất khiêm tốn; khi đó lại dài cổ chờ BHYT cấp bù.
"BHYT luôn luôn lo sợ vỡ quỹ, còn cơ sở KCB thì lo không được BHYT thanh toán. Sự co kéo này đã dẫn đến tình trạng người bệnh có thẻ BHYT không được chữa chạy với điều kiện tốt nhất và không ít người có thẻ, nhưng vẫn phải bỏ một khoản tiền lớn để chữa trị. Quyền lợi của người có thẻ BHYT chẳng lẽ chỉ là thứ mơ hồ, khi mà người bệnh đang bị cả cơ sở KCB và BHYT trói", vị chuyên gia này băn khoăn.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng vụ Pháp chế, bộ Y tế khẳng định, muốn biết rõ nguyên nhân mỗi vụ việc xảy ra, lỗi do đâu cần phải thanh kiểm tra, họp hội đồng chuyên môn, thậm chí là thực hiện khám nghiệm tử thi để đánh giá, kết luận vấn đề để từ đó mới có thể ra quyết định cuối cùng được. |
Hương Lan - Đỗ Thơm - Hoàng Anh