Tháng 4/1978, quân Pôn Pốt tấn công vào tám tỉnh biên giới Tây Nam của Việt Nam, trong đó, xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc, tỉnh An Giang) là nơi ghi lại tội ác kinh hoàng của chúng.
Sau 12 ngày đêm chiếm đóng thị trấn Ba Chúc quân Pôn Pốt đã sát hại 3.157 người dân vô tội, hơn 100 dòng tộc bị giết không còn ai. Toàn bộ các công trình công cộng, nhà cửa, trường học, chùa... bị tàn phá, hư hỏng nặng nề.
Ông Nguyễn Văn Tiệm, người dân của Ba Chức cho biết: Khoảng 3 giờ chiều ngày 18/4/1978, bọn Pol Pot tràn vào giữa làng, bao vây chùa Phi Lai. Bất chấp chốn thiền môn, cuộc hành quyết kinh thiên động địa đã diễn ra tại ngôi chùa này. Cuộc bắn phá điên cuồng vào chùa Phi Lai, chỉ trong chớp mắt, đã cướp đi sinh mạng 80 người dân vô tội.
Đây được coi là ngày định mệnh của dân Ba Chức, tại cánh đồng cạnh cây cầu sắt Vĩnh Thông, bọn Pol Pot đã thực hiện cuộc hành quyết nhân dân ta vô cùng man rợ. Chúng áp tải nhân dân từ chùa Tam Bửu ra cầu sắt Vĩnh Thông, bắt bà con lột hết nữ trang, rồi đẩy từng tốp 20-30 người đến gò đất gần cây cầu để giết hại. Cuộc hành quyết vô cùng thảm khốc với 800 đồng bào bị giết chết.
Xương đồng bào Ba Chúc được gom từ cánh đồng
Xé người trẻ con làm đôi đến khi chết
Bọn “ác thú” không còn tính người này còn chơi trò giết hại trẻ em theo kiểu tàn khốc nhất. Chúng tung trẻ em lên cao, rồi giơ lưỡi lê hứng. Thậm chí, chúng còn cầm tay chân xé các em nhỏ đứt làm đôi. Không còn hành động man rợ nào mà chúng không đem ra làm trò tiêu khiển.
Bà Nga kể lại: “Trẻ con thì chúng lấy báng súng đập đầu, rồi tung lên trời cho rớt xuống đá hoặc xé xác đứa trẻ làm hai…”.
Chính bà đã chứng kiến cảnh chúng hành hạ con mình như thế nào. Hai đứa con bị đập đầu, mắt bà đã mờ đi nhưng khi bọn chúng chuẩn bị tung đứa thứ ba lên trời, với bản năng của một người mẹ, bà vùng dậy che chở cho con thì bị bọn chúng đè đầu xuống nền đá và bắn một viên đạn xuyên qua cổ họng bà. Không thể có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau phải nhìn tận mắt những đứa con thân yêu của mình bị giết hại, bà trừng trừng nhìn chúng và bất tỉnh.
Nhưng khi tai nghe được tiếng kêu la, tiếng khóc của con – đứa con trai nhỏ nhất (4 tuổi) và là đứa con thứ tư, đứa cuối cùng đang bị sát hại, bà lại hồi tỉnh. “Bọn chúng tung nó lên trời cho rớt xuống đá để bể đầu mà chết. 3 lần bị tung lên trời nhưng thằng nhỏ không chết, nằm trên phiến đá, máu me chảy đầy mình mẩy, nó thấy tôi thì kêu lớn: Má ơi … má ơi… Nghe tiếng kêu của thằng nhỏ, bọn chúng quay lại rút súng bắt thẳng vào ngực nó và một đứa cầm cục đá đập vào đầu tôi rồi bỏ đi luôn”.
Không chỉ chứng kiến bọn chúng hành hạ, giết chết con mình, bà Tư còn đau xót trước cái chết tức tưởi của người cháu đỏ hỏn của mình. Khi bà Tư đang dỗ dành đứa cháu nhỏ bế trên tay thì một gã Pôn Pốt đi ngang giật phăng đứa nhỏ quăng mạnh lên cao. Đứa bé rơi xuống đất gãy cổ, chết tức khắc. Bà Tư điếng hồn nhìn xác đứa cháu, lòng đau như cắt nhưng không dám hé răng.
Người sống sót kỳ diệu thứ 2 trong cuộc hành quyết 800 người ở cầu sắt Vĩnh Thông là cô bé Nguyễn Thị Ngọc Sương, khi đó 11 tuổi. Bé Sương đã trở thành nhân chứng sống về tội ác diệt chủng kinh hoàng của bọn Pôn pốt.
Thấy cha bị chúng bắn ngã xuống, bé Sương chạy đến ôm xác cha. Bọn ‘ác thú’ lạnh lùng gí súng vào bé Sương và siết cò. Bé Sương không còn biết gì nữa. Sau 2 ngày 2 đêm bất tỉnh, nằm trên xác cha, khi cái nắng như thiêu bỏng rát cơ thể, thì bé Sương tỉnh dậy. Bàn chân cha gác lên ngực bé đã bốc mùi. Nhìn khắp cánh đồng, chỉ thấy những xác chết trương phình. Đàn quạ bâu đen bên những xác chết rỉa thịt.
Lấy sức nhấc chân cha, bé thấy nhói đau ở ngực. Máu thấm áo, đóng thành mảng cứng như bánh đa. Viên đạn trúng đầu, vỡ xương sọ khiến máu thấm bết tóc lại.
Chục ngày trôi qua, ngay cả cơ thể bé Sương cũng đã bốc mùi. Giòi bọ nhung nhúc ở những vết thương hở miệng, thi thoảng lại bò ra quần áo. Bé cảm nhận thấy những con bọ bò trên da mát lạnh.
Đến ngày thứ 11, không còn đủ sức lết ra mương uống nước nữa, bé Sương nằm thiếp đi, nhưng vẫn lờ mờ thấy đàn quạ chao lượn trên đầu. Rồi bé thiếp hẳn đi, thân thể nhẹ bẫng.
Hãm hiếp phụ nữ ngay cạnh xác người rồi giết chết
Phụ nữ, người già và trẻ con sức khỏe yếu, dễ khống chế hơn nên chúng giết sau. Sau mỗi lượt đạn, hết lớp người này đến lớp người khác ngã xuống, máu loang lổ khắp nền đất. Ai có ý định chạy trốn sẽ bị chúng “nã” liên tiếp nhiều phát súng vào người. Bí đường tháo chạy, mọi người rùng mình khiếp hãi ngồi chờ tới lượt... chết.
Phụ nữ có chút nhan sắc bị chúng cưỡng hiếp tại cánh đồng, cạnh các xác chết. Cưỡng hiếp xong, thì cũng giết luôn bằng cây gậy xiên qua người.
Ác man hơn. Sau khi cưỡng hiếp xong, chúng còn giở trò tiêu khiển man rợ: xẻo vú, xiên gậy vào người cho đến chết.
Hiện tại ở Ba Chúc có một khu nhà mồ, được Nhà nước ta công nhận là Di tích căm thù, khu Nhà mồ Ba Chúc là bản cáo trạng, là chứng tích tội ác “trời không dung, đất không tha” của bọn diệt chủng Pôn Pốt.
Lê Vy