Khi họ trốn thoát được địa ngục trần gian ở "miền đất hứa" trở về, đồng nghĩa với nhiều kẻ buôn người bị tố giác, bị sa lưới pháp luật. Và bên ngoài những vụ án buôn người ấy, còn dai dẳng những nỗi đau không dễ gọi tên...
“Miền đất hứa” không như mơ
Dưới cái nắng như đổ lửa, chúng tôi đi men theo Quốc lộ 3 để đến huyện Phổ Yên, một huyện nằm ngay gần với TP.Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) về phía Bắc. Theo tìm hiểu của PV, trong vài năm trở lại đây, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh có tới 2.500 phụ nữ đã đi khỏi địa bàn. Trong số đó có tới 2000 trường hợp bị lừa gạt hoặc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Những phụ nữ này đều có hoàn cảnh khó khăn. Họ vốn là những người nông dân chân lấm tay bùn luôn khát khao tìm được cơ hội mới, miền đất mới để có thể thay đổi cuộc sống. Và đây cũng chính là điểm yếu của họ để bọn buôn người dễ dàng lợi dụng, lừa gạt bán sang Trung Quốc.
Công an Trung Quốc bàn giao hồ sơ và nạn nhân cho bộ đội biên phòng Việt Nam
Tại "miền đất hứa”, họ đã bị bán vào các động mại dâm làm nô lệ tình dục, người thì bị bán cho những người đàn ông tật nguyền, có người lại phải làm kiếp vợ chung cho rất nhiều người đàn ông trong một gia đình. Cuộc sống của họ cứ thế trôi đi trong tủi nhục, trong đớn đau cả về thể xác lẫn tâm hồn khiến nhiều người khi lâm vào cảnh đó đã mong mình chết đi để được giải thoát khỏi cuộc sống địa ngục nơi trần gian. Chị Phùng Thị T. kể lại những ngày tháng đầy đắng cay nơi đất khách quê người “Vì nghe theo lời ngon ngọt của bọn buôn người, tôi đã nghe theo lời bọn chúng để bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình bắt đầu đi tìm "miền đất hứa”. Đến nơi, bị bán vào một gia đình nông dân nghèo tại Trung Quốc để làm vợ người đàn ông tật nguyền...”. Chị bảo, họ mua chị về để làm thân trâu ngựa và làm cái “máy đẻ”. Chị bắt đầu làm việc từ 6h sáng cho tới 20h tối chị làm như một cái máy, không có giờ nghỉ, không có buổi trưa. Công việc tuy vất vả là vậy nhưng thứ thức ăn chị được ăn duy nhất là cháo trắng, nước thì gặp ở đâu uống ở đó, nếu chị không tuân thủ sẽ bị gia đình chồng đánh đập hết sức dã man.
Mất quyền tự do, nhân phẩm bị chà đạp, lao động trong điều kiện tồi tệ..., cuộc sống và tuổi thanh xuân của những người đàn bà ấy cứ thế qua đi và những đứa con lai lần lượt chào đời. Con - đó cũng là niềm hi vọng, nguồn vui sống duy nhất giúp họ tồn tại tới ngày hôm nay. Có lẽ nỗi đau đó sẽ còn ám ảnh, theo suốt cuộc đời sau này của các chị – những người đàn bà bị cuốn vào vòng xoáy cuộc đời đầy nghiệt ngã.
... Và những đứa con không mang họ cha
Có nhiều phụ nữ may mắn được giải thoát nhưng có người đã tạo ra may mắn cho mình bằng cách chốn chạy khỏi cuộc sống địa ngục nơi trần gian. Theo số liệu thống kê trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 270 trường hợp phụ nữ bị bán sang Trung Quốc đã trốn thoát và trở về quê hương. Nhiều người trong số họ đã mạnh dạn làm đơn tố giác những kẻ đã biến mình thành một món hàng để bán sang bên kia biên giới. Từ đó, các cơ quan chức năng đã đưa ra ánh sáng pháp luật hàng chục vụ buôn người. Những kẻ nhẫn tâm đã phải nhận sự trừng phạt thích đáng của pháp luật nhưng đối với những người phụ nữ hồi hương, trở về từ "địa ngục trần gian" - họ lại phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trước mắt. Không chỉ gặp khó khăn về mặt kinh tế, về nghề nghiệp mưu sinh mà họ còn phải đối mặt với tình trạng sức khỏe thì suy giảm, tâm lý bi quan, mặc cảm, khó hòa nhập cộng đồng, nhiều chị em còn bị mắc các bệnh xã hội. Điều đặc biệt là 90% số phụ nữ nói trên khi trở về đều mang theo những đứa con lai, những đứa trẻ đó thiếu đủ thứ như: thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tình yêu thương của cha và đường đến trường của chúng thật gian truân. Về đến quê mẹ, các em mới bắt đầu học nói, học viết tiếng Việt. Để được tới trường thì phải có giấy khai sinh nhưng mẹ của chúng lấy chồng bất hợp pháp nên khi về nước những đứa trẻ trên không có một thứ giấy tờ gì làm căn cứ. Mặc dù vậy, các em vẫn được chính quyền tạo điều kiện khai sinh theo diện con không cha và lấy họ mẹ.
Tại xã Tân Minh, huyện Phổ Yên tôi gặp 3 mẹ con chị P., họ sống trong căn nhà thiếu vắng bàn tay của đàn ông nên mọi thứ trở nên tuềnh toàng, dường như cái gì cũng tạm bợ. Mọi thứ đều đổ dồn lên đôi vai bé nhỏ của chị P. một người đàn bà bất hạnh và những đứa trẻ cút côi. Những đứa trẻ thiếu cha dường như biết làm mọi việc sớm hơn để phần nào gánh vác bớt nỗi lo cơm áo gạo tiền đang đổ lên vai của mẹ. Nhớ lại những ngày mới trở về nước chị P. cho biết: “Sau gần 6 tháng trở về quê, 2 đứa con của tôi mới được nhập hộ khẩu và bắt đầu làm quen với những nét chữ đầu tiên. Hiện tại thì 3 mẹ con tôi chỉ biết làm sao để kiếm đủ ăn ngày 3 bữa, còn ngày mai ra sao tôi chưa dám nghĩ tới. Việc đến trường của các cháu thì tôi không dám nghĩ tới vì các cháu chưa sõi tiếng Việt, đến lớp hay bị các bạn trêu đùa nên các con tôi mặc cảm không dám đi học”. Cuộc sống của 3 mẹ con chật vật, cơm bữa no bữa đói, căn nhà tạm bợ là chỗ tránh nắng, tránh mưa chị cũng phải thuê. Không biết cuộc sống tương lai của 3 con người đó sẽ ra sao nhưng trước mắt 2 đứa trẻ đang phải gánh chịu một nỗi đau: nỗi đau không cha. Trong tâm hồn trẻ thơ trong trẻo ấy các cháu vẫn khát khao làm sao để có một người cha bên cạnh, các cháu thể hiện sự khao khát của mình qua lời nói ngô nghê “bây giờ cháu chỉ ước có bố”. Mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều có cha và có quyền được mang họ cha nhưng nhiều đứa trẻ ở đây để được khai sinh, được đi học và được xã hội thừa nhận chúng phải giấu đi nguồn gốc của cha để trở thành những đứa con ngoài giá thú – những đứa trẻ không mang họ cha.
Đó là những mảnh đời bất hạnh, côi cút, người không chồng, kẻ không cha cứ dựa vào nhau sống lay lắt qua ngày trong căn nhà thuê tạm bợ. Một mái ấm hạnh phúc có đầy đủ mẹ lẫn cha đều là khao khát cháy bỏng của mỗi đứa trẻ và một căn nhà có hơi ấm của người đàn ông luôn là khát khao của mỗi người đàn bà. Nẻo về của những phụ nữ không chồng và những đứa con không cha còn đó bao gian nan vất vả. Họ đang mong muốn cộng đồng dang rộng vòng tay giúp đỡ, sẻ chia và tạo điều kiện để họ có cơ hội xây dựng lại cuộc sống mới trên chính quê hương của mình để có thể vơi đi những nghiệt ngã mà họ đã và đang phải trải qua...
Ở Phổ Yên, PV còn bắt gặp nhiều đứa trẻ với những bất hạnh chồng bất hạnh khi chúng đã không cha mà cũng chẳng có mẹ. Khi mang theo các em trở về, do không thể bắt nhịp được với cuộc sống mới nơi quê nhà nên mẹ chúng lại bỏ đi. Họ đã bỏ lại các em cho ông bà chăm sóc hộ và tiếp lục đi tìm một "miền đất hứa” mới. Nhìn những đứa trẻ cút côi đến tội nghiệp, ánh mắt tuy trong sáng thơ ngây nhưng phảng phất một nỗi buồn đến tê dại... |
Ly Na