Nỗi đau Vinachem

Nỗi đau Vinachem

Võ Tá Quỳnh

Võ Tá Quỳnh

Thứ 5, 16/02/2017 15:53

Vinachem muốn tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng để giảm bớt gánh nặng vay nợ và cải thiện tình hình kinh doanh, qua đó đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa Công ty mẹ và tái cơ cấu cả Tập đoàn.

Kinh doanh - Nỗi đau Vinachem

 Hai dự án Đạm Ninh Bình và Phân đạm Hà Bắc biến Vinachem từ tập đoàn lãi nghìn tỷ thành “cục nợ” của Bộ Công thương. Ảnh: Nhà máy Đạm Ninh Bình

 
Tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa có công văn gửi Bộ Công thương và Bộ Tài chính báo cáo về tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp. Theo Vinachem, quy mô của Tập đoàn được tăng lên rõ rệt song năng lực tài chính vẫn còn hạn chế.

Vốn điều lệ được Chính phủ phê duyệt tại Nghị định 190/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 là 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ đến thời điểm cuối tháng 6/2016 mới chỉ là 13.818 tỷ đồng, tức là vẫn thiếu khoảng 2.200 tỷ so với mức được phê duyệt, dẫn đến khó khăn cho nguồn vốn trả nợ và triển khai dự án đầu tư.

Vinachem cho hay tình hình thị trường không thuận lợi và lượng vốn của các doanh nghiệp con khi thực hiện cổ phần hóa là tương đối lớn, nên khó tìm được cổ đông chiến lược, khiến tỷ lệ nắm giữ của Vinachem tại nhiều đơn vị sau cổ phần hóa vẫn còn ở mức cao. 

Theo đó, Vinachem trình Thủ tướng Chính phủ phương án tái cơ cấu như sau: Thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất giai đoạn 2017-2019, Nhà nước nắm từ 51-65% vốn điều lệ, tiến hành tái cơ cấu Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, thoái hết vốn khỏi 5 doanh nghiệp (CTCP Xà Phòng Hà Nội; CTCP Sơn tổng hợp Hà Nội; CTCP Pin-Ắc quy Vĩnh Phú; CTCP DAP số 2 Vinachem; CTCP XNK miền Nam)

Đồng thời bán bớt vốn nhằm giảm tỷ lệ nắm giữ của Tập đoàn xuống mức 51% tại 8 đơn vị: CTCP Hơi Kỹ nghệ Que hàn; CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; CTCP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao; CTCP Phân bón miền Nam; CTCP Phân bón Bình Điền; CTCP Phân lân nung chảy Văn Điển; CTCP Hóa chất Việt Trì; CTCP Hóa chất cơ bản miền Nam.

Song song với quá trình cổ phần hóa Công ty mẹ, Vinachem đề nghị tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng so với hiện nay. Đây không phải lần đầu tiên đơn vị này đề xuất tăng vốn.

Trong công văn số 1202 gửi Bộ Công thương và Bộ Tài chính ngày 05/09/2016, Vinachem cũng kiến nghị hai Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn điều lệ từ nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp Trung ương.

Áp lực nợ vay

Một trong những nguyên nhân khiến Vinachem liên tục đề nghị tăng vốn là bởi khối lượng vay nợ tài chính của Tập đoàn này đã chạm ngưỡng báo động, tập trung chủ yếu cho hai dự án Đạm Ninh Bình và Phân đạm Hà Bắc. Tính đến cuối năm 2015, vay tín dụng ngắn và dài hạn của Vinachem đã lên tới 18.670 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn điều lệ tại thời điểm này (10.888 tỷ đồng). 

Trong đó Công ty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc – đơn vị vận hành Nhà máy Phân đạm Hà Bắc trực tiếp vay ngắn hạn 776 tỷ đồng và vay dài hạn 6.700 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình trực tiếp vay ngắn hạn 1.563 tỷ đồng, bên cạnh đó, Vinachem cũng đứng ra vay thêm 8.075 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để đầu tư vào dự án nhà máy Đạm Ninh Bình.

Mặc dù dồn phần lớn nguồn lực vào hai doanh nghiệp này, song kết quả mang lại chắc chắn không thể khiến đội ngũ lãnh đạo Vinachem hài lòng. Đạm Ninh Bình kể từ khi đi vào vận hành năm 2012 đến nay đều thua lỗ, năm 2016 dự kiến lỗ khoảng 1.078 tỷ đồng.

Lũy kế, doanh nghiệp này lỗ tổng cộng hơn 3.300 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ là 2.500 tỷ đồng. Cơ quan quản lý vẫn đang đắn đo giữa hai phương án: cho dừng hoạt động hay tiếp tục sản xuất. Nếu tiếp tục sản xuất, nhà máy đạm có vốn đầu tư 12.000 tỷ này sẽ thua lỗ khoảng 1.200 tỷ năm 2017.

Trong khi đó, dự án Nhà máy Phân đạm Hà Bắc giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng mới chỉ sau 2 năm hoạt động cũng đã thua lỗ lên đến hơn 1.500 tỷ đồng, cùng với Đạm Ninh Bình góp mặt trong danh sách 7 dự án thua lỗ nghìn tỷ trực thuộc Bộ Công thương vừa bị Chính phủ nêu tên.

Việc hai dự án với tổng mức đầu tư lên tới hơn 22.000 tỷ đồng thua lỗ thảm hại biến Vinachem từ một đơn vị kinh tế “ăn nên làm ra” trở thành một cục nợ của Bộ Công thương. 6 tháng đầu năm 2016, Vinachem hợp nhất lỗ sau thuế 204 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ tới 477 tỷ đồng.

Tính cả năm 2016, Tập đoàn này dự tính số lỗ có thể lên tới 906 tỷ đồng, con số kỷ lục nếu biết rằng trước đây Vinachem ghi nhận hàng nghìn tỷ đồng tiền lãi mỗi năm (năm 2013 lãi sau thuế 2.086; năm 2014 lãi 1.957 tỷ đồng; năm 2015 lãi 1.467 tỷ đồng).

Tình hình khó khăn tại Vinachem là không thể phủ nhận. Tập đoàn này trong công văn số 1202 (nêu trên) đã kiến nghị 14 giải pháp mang tính cấp thiết. Ngoài đề xuất tăng vốn còn đề nghị chuyển 2.700 tỷ đồng vốn vay Ngân hàng Phát triển tại dự án Đạm Ninh Bình thành ngân sách cấp phát trực tiếp, đồng thời đề xuất khoanh, giãn hơn 10.000 tỷ đồng vay nợ các ngân hàng trong và ngoài nước tại hai dự án Đạm Ninh Bình và Phân đạm Hà Bắc.

Nghi Điền

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.