Chồng đẩy thêm vào con đường... chết
Chị N.T.C (50 tuổi, quê Phú Thọ) là bệnh nhân điều trị ung thư tử cung giai đoạn 4 ở Viện K.Chị C lập gia đình khi tuổi đã xế chiều (40 tuổi) nên không có con. Chồng chị là người cùng làng, trước khi lấy chị anh đã có vợ và 4 đứa con. Thế nhưng, chị vẫn yêu chồng và hết mực thương các con của anh. Với chị, đó là hạnh phúc cuối cùng ông trời ban tặng sau những tháng ngày sống cô đơn.
Tuy nhiên, khi phát hiện bị ung thư tử cung ở giai đoạn cuối cũng là lúc chị C phải sống trong sự ghẻ lạnh, thờ ơ của chồng.
Ảnh minh họa
Gần một tháng nằm viện để mổ, trị xạ lần trước, chồng chị C không lên thăm dù chỉ một lần. Lý do chồng chị đưa ra: Phải ở nhà bán hàng, bận chăm gà, chăm lợn nên không thăm được.
Sau đó, chồng chị "ủy quyền" cho thằng con đang nghiện lên trông chị cùng với anh em nhà vợ. Thế nhưng, thay vì chăm dì, N.V.H chỉ chờ chị hở tiền, phong bì mọi người cho là trộm.
Có hôm, không trộm được tiền của dì, H quay sang đả kích anh em chị. Mượn cớ say rượu, H la hét, đập phá cửa kính bệnh viện bị bảo vệ bắt giữ, chị lại tất tả xuống nộp phạt cho con chồng.
Về nhà, nghỉ ngơi chưa đầy ba hôm, chị C bị chồng bắt phải dậy sớm đi lấy hàng về bán. Từ ngày chị về, mọi công việc lớn nhỏ trong nhà, chồng chị giao hết cho chị. Thay vì phải chăm sóc vợ, anh ta ôm chai rượu nhâm nhi từ sáng đến chiều với thức ăn, bỏ mặc chị ăn cơm rau.
Hôm nào có thêm tí thịt, chồng chị quát mắng: "Ăn vào vốn thế này thì mấy ngày sập tiệm" (tiền mở cửa hàng là tất cả vốn liếng bao năm chị lặn lội mưu sinh ở Hà Nội, chồng chị chỉ có hai bàn tay trắng) khiến sức khỏe vốn đã yếu của chị nay càng yếu hơn. Không những vậy, chị còn bị chồng hành hạ về tinh thần. Mỗi lần không bằng lòng điều gì, chồng chị chửi bới, sỉ nhục. Thế nên, chưa được 1 năm, chị phát bệnh trở lại.
Biết chị không sống được bao lâu, chồng và các con chồng thay nhau tới "hỏi thăm" bằng xin tiền, chửi bới... để nhanh chóng được thừa hưởng gia tài.
Bỏ vợ vì... mất "núi đôi"
Sau khi ra trường, chị L.T.L đi làm được 1 năm thì lấy chồng. Chồng chị là anh N.V.Đ (Từ Liêm, Hà Nội) cũng là sếp của chị. Những năm đầu, cuộc sống gia đình khá hạnh phúc. Sự nghiệp của chồng thăng tiến như diều gặp gió. Lấy nhau được gần hai năm, chị sinh cho chồng cậu con trai kháu khỉnh, bụ bẫm. Tuy nhiên hiện tại, hạnh phúc ấy đang có nguy cơ tan vỡ.
Chị kể, sau khi cu Bin được 2 tuổi cũng là lúc chị phát hiện mình bị ung thư vú. Điều trị thuốc nam không có kết quả, chị được bác sỹ chỉ định phải cắt bỏ. Mới đầu, chị kiên quyết không cắt vì nghĩ phụ nữ mất một bên đâu còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng nhờ sự động viên, an ủi của chồng, cũng như cứu mình, chị đành phải cắt bỏ. Từ ngày cắt xong, mỗi lần gần gũi, chồng chị lại lắc đầu ngán ngẩm.
Lâu dần, anh không động vào người chị cho dù chị là người chủ động. Chị tâm sự: "Phận đàn bà bạc bẽo thế đó em. Từ khi chị cắt bỏ một bên ngực, chồng chị đi công tác nhiều hơn, có những hôm về muộn còn say khướt.
Lâu dần, chị phát hiện anh ấy đang có nhân tình. Chán nản, đau khổ, chị cắn răng chịu đựng để con có cha, chị có chồng. Bởi nếu bỏ nhau, chị cũng khó tìm được người khác.
Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, cô bồ kia có thai, nghe nói là con trai nên chồng chị quyết liệt đòi ly hôn. Níu kéo chẳng được, giờ vợ chồng chị đang ly thân em ạ".
Rất nhiều lần, chị định tìm đến cái chết để được giải thoát, nhưng mỗi lần nghĩ tới nó, nước mắt chị lại lăn dài vì thương cu Bin. Nghe chị tâm sự, tôi chỉ biết an ủi, động viên chị cố gắng đừng để bệnh tật quật ngã. Bởi bên cạnh chị vẫn còn có người cần chị yêu thương và che chở.
Trước thực trạng này, bác sĩ Kim Dung, Trung tâm Y tế dự phòng Thái Hà, Hà Nội chia sẻ: "Trong cuộc sống, những trường hợp bị bệnh mà bị người thân, thậm chí là người chồng đầu ấp, vai kề xa lánh là khá phổ biến. Tuy nhiên, nếu không may rơi vào trường hợp ấy, bệnh nhân không nên chán nản, bỏ cuộc làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh".
Cuộc sống còn rất nhiều điều ý nghĩa, tốt đẹp ở phía trước "Những người rơi vào cảnh như chị L.T.L kia cần phải mạnh mẽ, kiên cường để chiến đấu với bệnh tật, mình khuyết chỗ này thì có thể lấy tình thương yêu, sự chân thành, bao dung... của mình để thay thế chỗ khuyết ấy. Hay với những người mất đi khả năng làm mẹ, vẫn có thể nhận con nuôi... có rất nhiều cách để giữ gìn hạnh phúc của gia đình. Chỉ cần bản thân mình sống tốt, sống chân thật thì chắc chắn sẽ có người tốt quan tâm và yêu thương mình thật sư. Cuộc sống còn rất nhiều điều ý nghĩa, tốt đẹp ở phía trước", Bác sĩ Kim Dung, Trung tâm Y tế dự phòng Thái Hà, Hà Nội. |
Hồng Mây