Mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại. Mỗi ngày, có hàng triệu video được đăng tải trên nền tảng này. Trong đó, nhiều nội dung mang giá trị giáo dục, thông tin và giải trí lành mạnh.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự tồn tại của những video phản cảm, nhảm nhí với mục đích câu views và tạo tương tác. Các chủ đề như: ngoại tình, bạo lực, đánh ghen, hay những hành vi phạm pháp được nhiều kênh khai thác một cách thiếu trách nhiệm.
Một trong những hậu quả lớn nhất mà những video phản cảm này gây ra là tác động tiêu cực đến giới trẻ, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên.
Với đặc điểm dễ tiếp thu và bắt chước, trẻ em rất dễ bị ảnh hưởng bởi những nội dung bạo lực, phi đạo đức trên mạng xã hội.
Trước thực trạng này, tại buổi họp báo các vấn đề kinh tế - xã hội tại Tp.HCM vào chiều ngày 26/9, trả lời PV Người Đưa Tin, ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Chánh văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM cho biết, những nội dung phản cảm trên mạng xã hội đang vi phạm quy định pháp luật và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Ông Vũ giải thích: "Theo Điều 8, Nghị định 144 về hình thức tổ chức biểu diễn nghệ thuật, các cá nhân, tổ chức đăng tải nội dung trên không gian mạng phải chịu trách nhiệm về nội dung của mình. Đồng thời, các video này phải có ghi chú giới hạn độ tuổi người xem phù hợp".
Ông cũng cho biết thêm, trong thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao Tp.HCM đã phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý nhiều trường hợp cụ thể theo phản ánh của báo chí và người dân. Các biện pháp phổ biến quy định pháp luật, quy tắc ứng xử trong lĩnh vực nghệ thuật cũng đã được Sở thực hiện thường xuyên.
Tuy nhiên, ông Vũ thừa nhận rằng, để xử lý triệt để vấn nạn này, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ ngành từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống pháp luật cần được hoàn thiện để nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực trong công tác quản lý nội dung trên mạng xã hội.
Trao đổi với Người Đưa Tin về vấn đề trên, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Tâm lý học Trường đại học Văn Lang cho rằng, khi trẻ em tiếp xúc với các hình ảnh hoặc hành vi không phù hợp, có thể ảnh hưởng đến phát triển tâm lý và định hình hành vi trong tương lai.
Điều này càng trở nên nghiêm trọng khi các nền tảng mạng xã hội thiếu đi sự kiểm soát về độ tuổi người xem, dẫn đến việc trẻ nhỏ có thể dễ dàng tiếp cận những nội dung không phù hợp.
Mạng xã hội là công cụ mạnh mẽ giúp kết nối và giải trí, nhưng cũng là nơi tồn tại nhiều nội dung phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Để xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, cần có sự chung tay của tất cả các bên liên quan, từ các cơ quan quản lý, nhà cung cấp nền tảng cho đến người dùng. Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ và trách nhiệm, chúng ta mới có thể ngăn chặn và loại bỏ những nội dung độc hại, giữ gìn thuần phong mỹ tục và bảo vệ thế hệ tương lai.