Dân số thế giới đang già đi nhanh chóng nhưng đa số các nước đều không kịp chuẩn bị để có những hỗ trợ cần thiết cho đối tượng người già đang ngày càng gia tăng tại hầu hết các quốc gia.
Đây là nhận định của tổ chức phi chính phủ HelpAge International được đưa ra trong nghiên cứu mới đây về vấn đề phúc lợi xã hội dành cho người già tại các quốc gia trên thế giới.
Theo bảng thống kê xếp loại Global Agewatch Index (đánh giá về chất lượng cuộc sống của người già) hiện Thụy Điển đang là đất nước lý tưởng nhất dành cho người già.
Các tiêu chí được đưa ra để chấm điểm các quốc gia bao gồm: thu nhập, sức khỏe, việc làm, và giáo dục.
Đối lập với Thụy Điển, người già sống ở Afghanistan hiện bị cho là khổ nhất.
Có tổng cộng 91 nước được xếp hạng, nằm trong top 20 chủ yếu là các nước phương Tây. Việt Nam đứng ở vị trí 53/91.
Theo điều tra, trước năm 2030, ở đa số các nước phát triển, số lượng người già sẽ nhiều hơn số lượng trẻ em. Đây là một hiện tượng hoàn toàn mới mẻ đối với nhiều quốc gia. Nếu không kịp thời chuẩn bị ngay từ bây giờ, trong tương lai, một bộ phận không nhỏ dân số ở các quốc gia sẽ không có được một cuộc sống đảm bảo.
Trong 4 tiêu chí mà Global Agewatch Index đưa ra, nhiều người có thể sẽ ngạc nhiên khi chất lượng cuộc sống của người già lại bao gồm cả tiêu chí về giáo dục và việc làm.
Thực tế, ở nhiều nước phương Tây, tuổi già là lúc người ta bắt đầu quay trở lại trường học. Khi còn trẻ, nhiều người không có điều kiện theo học “đến đầu đến đũa” hoặc theo đuổi những lĩnh vực mà họ đam mê vì nhiều lý do khác nhau.
Giờ đây, khi đã già, họ bắt đầu quay trở lại trường học để được thỏa mãn nhu cầu học tập của cá nhân mà thời trẻ họ không thể thực hiện được.
Ngoài ra, có nhiều người già, dù đã ở ngoài độ tuổi lao động vẫn mong muốn được tiếp tục làm việc và hòa nhập với xã hội. Họ có thể xin vào làm việc tại các siêu thị để xếp dọn hàng hóa, phục vụ tại các khu vui chơi với vai trò soát vé hoặc tới trường mầm non để kể truyện cổ tích cho các em nhỏ...
Ở những quốc gia phát triển có đông dân số già, họ rất quan tâm tới việc đáp ứng nhu cầu lao động của người già bởi đây cũng là một cách để tạo thêm thu nhập, giúp người già bớt cô đơn và không có cảm giác nằm ngoài rìa xã hội.
Theo thang điểm của Global Agewatch Index, các nước châu Phi và Đông Á hiện tại chưa phải là những nước lý tưởng cho cuộc sống của người già.
Nguyên nhân không hoàn toàn do thu nhập bởi một trong những nước có thu nhập thấp như Sri Lanka vẫn được đánh giá cao với vị trí 36/91. Nguyên nhân là bởi Sri Lanka chú tâm vào những chính sách có ảnh hưởng tích cực đối với cuộc sống của người già, chẳng hạn như đầu tư mạnh vào lĩnh vực giáo dục và y tế.
Bolivia (một đất nước thuộc Nam Mỹ) cũng là một trong những nước nghèo, tuy vậy, Bolivia vẫn đứng ở vị trí 46/91 bởi nước này đã lên hẳn một kế hoạch nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người già với dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoàn toàn miễn phí và chính sách lương hưu dành cho tất cả người cao tuổi.
Mục đích của bảng xếp hạng Global Agewatch Index là giúp các nhà hoạch định chính sách quan tâm hơn tới một đối tượng dân số không nhỏ nhưng thường không nhận được sự quan tâm xứng đáng.
Người dân trên khắp thế giới đang ngày càng sống thọ hơn nhưng điều này không có nghĩa chất lượng cuộc sống của họ đang được cải thiện hơn. Đó là một trong những vấn đề nóng tại nhiều quốc gia hiện nay.
L.N (t/h/The Independent/Dân trí)