Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý cuối cùng của niên độ tài chính 2021-2022 (bắt đầu từ ngày 1/10/2021 đến 30/9/2022).
Theo đó, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 7.939,12 tỷ đồng, giảm đến một nửa so với mức 15.700 tỷ đồng ở cùng kỳ năm ngoái.
Trong kỳ, công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm 230 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ con số này là 2.473 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu tài chính giảm 26,9% so với cùng kỳ, chi phí tài chính giảm 30,9%, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 44,8%.
Kết quả, Hoa Sen báo lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 886 tỷ đồng. Đây là mức lỗ lớn nhất trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này. Quý lỗ gần nhất của Hoa Sen là quý IV/2018 (từ 1/7 đến 30/9/2018) với giá trị lỗ gần 102 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả kinh doanh này, phía Hoa Sen cho biết, nguyên nhân chính là giá thép giảm liên tục trong khi nhu cầu tiêu thụ chậm dẫn đến sự sụt giảm mạnh biên lợi nhuận gộp.
Lũy kế cả niên độ 2021-2022, Hoa Sen ghi nhận tổng doanh thu đạt 49.710 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 251 tỷ đồng, giảm 94,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong niên độ tài chính 2021-2022, Tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu 46.399 tỷ đồng và lợi nhuận 2.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp này vượt kế hoạch về doanh thu nhưng mới hoàn thành được 10% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Hoa Sen giảm 36% so với đầu năm ở mức 17.023 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là 7.373 tỷ đồng tồn kho, chiếm 43,3% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 5.958 tỷ đồng, chiếm 35% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 67,8% so với đầu năm, ở mức 1.459,7 tỷ đồng.
Tuy vậy, khoản nợ phải trả của Hoa Sen tại thời điểm cuối tháng 9/2022 đã giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn hơn 6.100 tỷ đồng.
Trước Hoa Sen, Tập đoàn Hoà Phát của tỷ phú Trần Đình Long cũng báo lỗ gần 1.800 tỷ đồng trong quý III/2022. Đây là lần đầu tiên Hoà Phát báo lỗ (tính theo quý) sau hơn 13 năm. Lần gần nhất doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận một quý âm là cuối năm 2008.
Theo lý giải của Hoà Phát, kết quả kinh doanh trên do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, cùng với đó, giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá than cao gấp 3 lần thời điểm bình thường. Tín dụng thắt chặt, tỉ giá và lãi suất tăng mạnh cũng ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của Tập đoàn.
Sau giai đoạn thăng hoa, lợi nhuận của Hoà Phát cũng bắt đầu giảm mạnh từ quý II. Tại phiên họp thường niên từ hồi tháng 5, Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long đã cho biết ngành thép không thuận lợi và diễn biến này có thể phản ánh vào kết quả kinh doanh.
Ngoài Hoà Phát, hàng loạt cái tên lớn trong ngành thép cũng lần lượt báo lỗ trong quý III/2022 như Thép Nam Kim báo lỗ hơn 400 tỷ đồng; VNSteel hơn 535 tỷ đồng….