Nơi học sinh phải đến trường từ 3h sáng

Nơi học sinh phải đến trường từ 3h sáng

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Vì đi tìm con chữ, thoát khỏi cái nghèo mà học sinh tại bản Cam, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, phải dậy đốt đuốc đi học từ 3h sáng.

Để đến được với bản Cam, nơi xa nhất của huyện Con Cuông, PV đi bộ gần một ngày trời, vượt qua 5-6 ngọn núi, lội qua mấy con suối mới lớn nhỏ khác nhau. Bản Cam có gần 100 hộ dân, hầu hết là người dân tộc Thái, trong đó học sinh đến lớp hàng ngày chiếm 1/3 dân số. Năm 2011 - 2012, bản Cam Lâm có hơn 50 em đi học THCS, dàn trải trong 4 khối 6,7,8,9. Muốn học con chữ, các em phải đối mặt với con đường đầy gian nan và nguy hiểm.

Thắp đuốc đi học trong đêm

Bước vào năm học mới cũng là lúc mưa bão bắt đầu, việc đến lớp của học sinh nơi đây càng trở nên khó khăn và thử thách hơn bởi con đường từ bản đến trường THCS Cam Lâm có chiều dài hơn 20 cây số. Khi mùa mưa bão đến, nước dâng cao bản Cam bị cô lập hoàn toàn. Con đường vì thế cũng bị sạt lở, chỉ cần trượt chân là bị rơi xuống vực. Người lớn không dám ra khỏi bản, con trẻ phải nghỉ học ít nhất một tuần.

Ngày nắng ráo, học sinh phải đi bộ từ 3h sáng mới kịp giờ học. "Cho con đến lớp từ 3h sáng, chúng tôi thấp thỏm lo âu vì đường đến trường học vừa xa, dốc thăm thẳm, vừa phải lội suối nữa. Mỗi năm ít nhất có vài trường hợp chết đuối khi tới trường nhưng ở trong bản này không cho con đi học thì không biết chữ, khi nào mới thoát khỏi cái nghèo này được", chị Lô Thị Xuyên người trong bản cho biết.

Xã hội - Nơi học sinh phải đến trường từ 3h sáng

Hàng ngày các em học sinh bản Cam vượt qua 3 con suối, đối mặt với nguy hiểm đang rình rập

Em Lô Văn Dương, học lớp 6B tâm sự: "Có khi, đuốc cháy hết mà chưa đến trường, chúng em lại cầm đuôi áo nhau, mò mẫm đi, không thì sợ lạc. Cách đây 3 ngày, bạn Liễu bị trượt chân suýt bị lao xuống vực thẳm. Khó nhất vẫn là vượt qua con suối từ bản Cam sang bản Cai, đó là con suối sâu và nước chảy xiết nhất. Gặp dòng nước xoáy, vô tình trượt chân là mất mạng như chơi. Nhưng không đi học thì không biết chữ mất, em muốn học thật giỏi để sau này thoát khỏi cảnh nghèo đói này".

Thường ngày, học sinh phải mang cơm cùng ít cà muối với vừng lạc bỏ vào cặp, để ăn trưa. Đi từ 3h sáng đến 7h30 mới tới lớp được, tan học 11h thì tới 4h chiều các em mới về tới nhà. "Con tôi ham học, vừa rồi đạt học sinh khá của trường nên nó vui lắm. Sức khỏe con yếu, đi học về chẳng ăn uống được gì cứ nằm đừ ra. Nhiều lúc thấy thương con, bảo hay nghỉ học đi nhưng nó nhất quyết không chịu", anh Vi Văn Kha bùi ngùi chia sẻ.

Mơ ước một tương lai tươi sáng

Già làng Vi Lâu cho biết: "Công việc chủ yếu của người dân nơi đây là lên rừng kiếm măng về bán đổi lấy lương thực, có những gia đình phải đi hàng tuần mới về nhà được. Các em học sinh chủ yếu là tự giác đi học cả, cứ 2h sáng là chúng í ới rủ nhau dậy. Bố mẹ đi làm rẫy xa, hàng tuần mới về được lần, có khi các em phải nhịn đói để đi học.

Đau lòng hơn là vào mỗi năm ít nhất có vài em bị chết đuối khi bơi qua sông mùa mưa lũ". Dù ở mỗi dòng suối đều có một cái bè tự chế để người dân qua lại nhưng phải mất nhiều tiền nên chủ yếu các em tự bơi qua sông. Nhất là vào mùa mưa lũ nước dâng lên cao, chảy xiết, các em cũng phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy. Không chỉ học sinh, phụ huynh cũng đang nơm nớp lo sợ. Chị Vi Thị Ma, một phụ huynh ở bản Cam, chia sẻ: "Mỗi ngày con đến trường là một ngày mẹ cha thấp thỏm, nhưng cũng không còn cách nào khác bởi còn phải bươn trải mưu sinh trên rẫy, không có thời gian đưa con đi học".

Cô Lục Thị Sinh (SN 1952) cho biết: "Vào mùa lũ, hầu như học sinh đều phải nghỉ học, có đợt nghỉ đến 2-3 tuần liền. Mấy hôm vừa rồi, trời mưa to quá, nước sông lại chảy xiết nên các em không dám đến trường. Một lớp học có 20 học sinh mà chỉ có 6 em đến được lớp vì thế các cô giáo phải cho cả lớp nghỉ học sau đó tổ chức dạy bù. Nhiều hôm nhìn học trò đến lớp với bộ quần áo và cặp sách ướt sũng, thương lắm”.

Hà Hằng - Kim Thoa


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.