Ngồi trò chuyện với các bệnh nhân khác tại viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương, bà Tr.T.Th. (59 tuổi, Lạc Sơn, Hòa Bình) cảm thấy khá thoải mái khi mình không còn bị cảm giác ngứa toàn thân, ngứa tới mức bà phải nuôi bộ móng tay dài để… gãi cho thỏa thích.
Tâm sự với PV báo Người Đưa Tin, bà Th. cho biết, bà bị ngứa từ cách đây 5 năm. Trong suốt 5 năm ấy, bà đã đi điều trị tại nhiều viện nhưng không khỏi. Sau đó, bà đi khám da liễu và được bác sĩ kết luận viêm da cơ địa. Tuy nhiên, khi uống hết thuốc, triệu chứng ngứa của bà vẫn không thuyên giảm. Thậm chí, có người mách đi tắm thuốc lá, bà cũng làm theo nhưng cũng không khỏi.
Những khi lên cơn ngứa, bà Th. như muốn phát điên, người nóng bừng bừng giống người uống rượu. Lúc ấy, càng gãi càng thích, gãi tới chảy máu ra mới thấy hết ngứa. “Những lúc lên cơn ngứa, tôi chỉ muốn cầm dao băm vào da thịt như băm bầu. Tôi đã từng đặt ra câu hỏi, chẳng lẽ căn bệnh mình mang lại kỳ dị đến mức không tìm ra nguyên nhân rõ ràng, không có thuốc chữa và suốt đời này phải sống chung với nó?”, bà Th. nói.
Mọi diễn biến bệnh của bà Th. thay đổi khi biết ở gần nhà có một người cũng bị ngứa như thế đã khỏi bệnh sau khi xuống viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương điều trị.
Bà đã khăn gói từ Hòa Bình xuống Hà Nội thêm lần nữa để tìm tới viện. Lúc này, nguyên nhân khiến bà Th. bị ngứa toàn thân suốt thời gian qua được bác sĩ xác định là do giun đũa chó mèo.
“Sau một liệu trình điều trị, các triệu chứng ngứa của tôi đã giảm. Tôi cảm giác mình như được cải tử hoàn sinh trở lại”, bà Th. tâm sự.
Về góc độ chuyên môn, ThS.BS Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành, viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương cho hay, với trường hợp của bệnh nhân Th., ấu trùng ký sinh dưới da đã gây ra tình trạng ngứa, nổi mề đay không tìm được nguyên nhân. Có nhiều trường hợp bị các tổn thương trong cơ thể, nhưng đi tới nhiều bệnh viện khám lại không tìm được nguyên nhân.
Cũng theo thống kê của khoa Khám bệnh chuyên ngành, thời gian gần đây, số ca bệnh tới khám do nhiễm giun và ký sinh trùng tăng lên.
Hết tháng 11/2016, có 7.678 ca tới viện khám, đến tháng 1/2017 số ca bệnh tới khám đã lên tới 17.369. Trong số các ca bệnh tới khám, chủ yếu là bị nhiễm giun đũa chó mèo. Bệnh nhân mắc giun đũa chó mèo ngày càng tăng một phần do trào lưu nuôi thú cưng, coi chó mèo như bạn bè, ôm ấp chó mèo, cho thú cưng ngủ cùng giường.
BS. Thọ lý giải rằng, giun đũa chó mèo ký sinh trong cơ thể vật chủ chó mèo, khi đi vào cơ thể người thì giun trưởng thành sống trong lòng ruột non. Người là vật chủ tình cờ nhiễm bệnh (ký sinh nhầm), vì vậy các ấu trùng sẽ không có vòng đời.
Ấu trùng tồn tại trong cơ thể, khi trưởng thành sẽ chu du trong cơ thể người suốt vài tháng đến nhiều năm. Khi chúng ký sinh ở đâu sẽ gây tổn thương tại những nơi mà chúng đến. Ấu trùng theo hệ bạch huyết có thể chu du tới tim, gan, não, mắt, dưới da… gây tổn thương cho các cơ quan này.
Người nhiễm giun đũa chó mèo sẽ có triệu chứng ngứa, mề đay, đau đầu, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, ăn kém, bạch cầu ái toan tăng. Người bị nhiễm giun chó mèo được điều trị theo phác đồ liệu trình 21 ngày, thời gian điều trị khoảng 3 liệu trình và cách nhau một tháng.
Bệnh giun đũa chó mèo không lây từ người sang người nên biện pháp phòng bệnh là chủ yếu. Các gia đình cần thường xuyên vệ sinh nơi chó, mèo nằm, tẩy giun cho chó mèo và để phân đúng nơi quy định. Mọi người chú ý ăn chín, uống sôi, không ôm hôn và ngủ chung với chó mèo.