Nỗi kinh hoàng chứng bệnh 'phá phách' trẻ em Châu Phi

Nỗi kinh hoàng chứng bệnh 'phá phách' trẻ em Châu Phi

Thứ 3, 08/10/2013 16:39

Hoành hành tại châu lục đen từ hơn nửa thế kỷ nay, chứng bệnh gật đầu bí hiểm vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Chứng bệnh bí ẩn

Từ nhiều năm nay, anh Michael Odongkara dành trọn buổi sáng ở nhà quanh quẩn chơi với cô con gái Nancy Lamwaka, để vợ đi làm. Sau bữa trưa, hai người lại "thay ca", một người ra ngoài kiếm sống, còn một người phải ở nhà trông con, trong khi Lamwaka đã 12 tuổi. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng việc phải dành hẳn một người ở nhà như vậy là sự lựa chọn bắt buộc đối với đôi vợ chồng này, bởi Lamwaka đang mắc phải một hội chứng rất nguy hiểm: Bệnh gật đầu. Để bảo đảm an toàn cho con gái mình, họ phải luân phiên ở bên cạnh cô bé 24/24h.

Đây cũng là thảm cảnh chung mà nhiều gia đình ở Uganda đang gặp phải. Một ngày nọ, những đứa trẻ đang khỏe mạnh đột nhiên ngồi một chỗ và cứ gật đầu liên tục. Nếu không được can thiệp kịp thời, tần suất và cường độ của những cơn gật đầu này sẽ dần dần tăng lên, chỉ sau vài ngày như vậy, các em sẽ chết một cách đau đớn. Anh Odongkara cho biết, từ khi mắc bệnh, bé Lamwaka con gái anh thường xuyên rơi vào những cơn co giật chỉ sau vài tiếng gật đầu liên tục.

Trí não Lamwaka bị ảnh hưởng nặng nề, khiến cô bé trở thành ngây ngây dại dại. Một lần, Lamwaka khiến cha mẹ và mọi người được phen kinh hãi khi đi thẳng vào một đám cháy rừng trong tình trạng vô thức. Kể từ đó, dù thuộc diện nghèo nhưng hai vợ chồng anh Odongkara cũng không dám để con ở nhà một mình để đi làm. Họ thay nhau chăm sóc Lamwaka một cách tuyệt vọng, bởi không thể biết được khi nào căn bệnh của cô bé sẽ được chữa trị.

Hội chứng bệnh gật đầu (NS-nodding syndrome) lần đầu tiên được ghi nhận xảy ra tại Uganda vào năm 1960. Từ một vài địa phương ở khu vực miền Bắc nước này, chứng bệnh nhanh chóng lây truyền một cách chóng mặt ra khắp cả nước. Từ Uganda, NS lan sang hàng loạt các quốc gia châu Phi khác như Sudan, Tanzania, Somalia...

Vì thế, nó còn được biết đến với cái tên khác ít phổ biến hơn là "bệnh gật đầu Uganda". Một điều đau lòng là chứng bệnh quái ác này chỉ ưa thích tấn công vào trẻ em. Chỉ một số lượng rất nhỏ người trưởng thành được ghi nhận là cũng bị mắc bệnh và họ thường tự khỏi sau một thời gian ngắn mà không phải chịu di chứng gì, dù không hề trải qua điều trị.

Tiêu điểm - Nỗi kinh hoàng chứng bệnh 'phá phách' trẻ em Châu Phi

Một em bé mắc bệnh NS

Nạn nhân chủ yếu của NS là các em nhỏ ở độ tuổi phổ biến từ 5 đến 15 tuổi. Đây là căn bệnh gây tử vong với đặc trưng là khiến người bệnh cứ gật đầu một cách điên loạn, vô thức cho đến khi rơi vào trạng thái hôn mê, rồi chết. Với những bé may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần thì sau một cơn bộc phát bệnh, chúng cũng phải chịu hậu quả nặng nề.

Tất cả đều bị ảnh hưởng đến trí não. Nhẹ thì ngơ ngơ ngẩn ngẩn như bé Lamwaka, nặng hơn thì có thể bị thiểu năng, thậm chí điên loạn. Khi không còn làm chủ được mình, các em lại có những hành vi gây nguy hiểm cho tính mạng của bản thân như thích lao vào các đám lửa, thích leo trèo, hay đi lang thang vào những nơi hẻo lánh...

Tiến sĩ Emmanuel Tenywa - cố vấn y tế về kiểm soát dịch bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Uganda cho biết, hội chứng gật đầu tấn công trực tiếp vào hệ thần kinh trong não bộ của các nạn nhân, theo phương thức chưa được xác định. Ban đầu, người ta lầm tưởng nó với chứng động kinh, nhưng việc áp dụng phác đồ điều trị của căn bệnh này cho các bệnh nhân NS đã không đạt được bất cứ tiến triển nào.

Tiến sĩ Scott Dowell, Giám đốc bộ phận phát hiện bệnh tật và ứng phó khẩn cấp toàn cầu thuộc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Hoa Kỳ (Centers for Disease Control - CDC) thừa nhận, từ nhiều năm nay, ông theo đuổi hội chứng này nhưng cho đến giờ vẫn không thể lý giải được nguyên nhân gây bệnh. Đây là một thách thức lớn nhất mà CDC phải đối mặt kể từ khi thành lập. Trong lịch sử hoạt động của mình, họ đã phát hiện ra hơn 600 căn bệnh được coi là "lạ", và chỉ chịu "bó tay" trước sáu chứng bệnh không tìm ra nguyên nhân, NS là một trong số đó.

Điều trị "hên xui" và nỗ lực của cả thế giới

Không tìm được nguyên nhân gây bệnh, các nhà khoa học cũng chẳng thể lý giải được phương thức lây truyền của bệnh gật đầu. Mọi liên hệ dù là nhỏ nhất của các nạn nhân đều được rà soát, nhưng câu trả lời thì vẫn chưa có. Do đó, việc tìm ra thuốc điều trị cũng tựa như mò kim đáy bể.

Sau thất bại của phác đồ điều trị động kinh, đã có tới hàng trăm loại thuốc khác được thử nghiệm, nhưng tất cả đều không có tác dụng. Điều duy nhất người ta có thể làm với một nạn nhân của NS là ôm ấp, vỗ về họ mỗi khi những người này bắt đầu những cơn gật đầu điên loạn của mình. Cần phải khống chế nhẹ nhàng để người bệnh không gật quá nhiều, quá mạnh. Sau vài giờ, cơn bệnh sẽ dần thoái lui, khi đó cần phải chăm sóc thật tốt để nạn nhân hồi phục sức khỏe, sẵn sàng chống chọi với một đợt bệnh tiếp theo.

Mới đây, một nhóm nghiên cứu của CDC đã phát hiện rằng, hầu hết các nạn nhân của NS đều có chung đặc điểm là thiếu Vitamin B8 trầm trọng. Dù chưa thể khẳng định đây chính là nguyên nhân gây bệnh, nhưng các nhà khoa học cũng quyết định sẽ điều trị triệu chứng này.

CDC đang làm việc với gia đình và Chính phủ Uganda để có thể đưa 100 em nhỏ mắc NS sang Mỹ theo dõi, điều trị theo hướng này. Các điều kiện nghiên cứu ở Hoa Kỳ tốt hơn, họ hy vọng thông qua 100 bệnh nhân này có thể khám phá ra được cơ chế gây bệnh, lan truyền của NS. Chỉ khi nào giải đáp được hai câu hỏi này, họ mới hy vọng tìm được thuốc đặc trị chấm dứt những cơn gật đầu kỳ quái ấy.

Theo ước tính, trong hơn nửa thế kỷ hoành hành, hội chứng quái ác này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 20.000 trẻ em của 11 nước châu Phi, khiến nó trở thành nỗi kinh hoàng của các bậc cha mẹ và là nỗi đau đầu của các chính phủ sở tại. Số trẻ em mang bệnh hiện nay của những quốc gia này cũng lên tới hàng nghìn. Riêng tại Uganda, trong năm 2012 đã thống kê được hơn 3.000 trẻ mắc bệnh và số tử vong là 200 em. Con đường lây truyền và phương thuốc đặc trị cho NS cho đến nay, sau hơn 50 năm, đều chưa được tìm ra.

An Mai (Theo CNN/Daily Kos)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.