Những vụ việc thương tâm
Chắc hẳn nhiều người chưa quên vụ Phan Danh Cường (SN 1988, trú tại xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội), do không nghề nghiệp, suốt ngày vùi đầu vào những thước phim đen đến mê muội đầu óc, quyết định mang theo một con dao nhọn, đi bộ từ nhà đến một trường tiểu học ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Cường trèo tường, vào khu nhà vệ sinh của trường, trốn ở buồng vệ sinh nữ, để hé cửa, ngó ra bên ngoài chờ đợi.
Cháu L. (SN 2003, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội), học sinh lớp 3 của trường, một mình đi vào nhà vệ sinh. Cường mở cửa nhà vệ sinh, tay phải cầm dao tiến ra chặn đường dọa giết, rồi bế cháu L. vào phía trong buồng vệ sinh, đóng cửa lại. Cháu L. sợ hãi kêu khóc thì Cường tiếp tục dọa giết, rồi hắn thực hiện hành vi bỉ ổi. Trong quá trình giao cấu với cháu bé, có tiếng trống báo ra chơi giữa giờ. Sợ bị phát hiện, tên này dừng giao cấu và đưa cho cô bé 11 chiếc vòng đeo tay trước khi bỏ đi. Cô bé tội nghiệp đi lên lớp với khuôn mặt tái mét. Cô giáo chủ nhiệm hỏi, L. kể hết sự việc.
Điều đáng buồn ở chỗ, sau khi biết rõ vụ việc nhưng cô giáo chủ nhiệm cũng như nhà trường không có bất kì thông báo cho gia đình hay đưa cháu L. đi khám. Sự việc được phát hiện khi bạn bè của L. thông báo cho bố mẹ của L. biết. Vụ việc đã khép lại với bản án thích đáng cho kẻ đồi bại, với 12 năm tù giam nhưng người dân thì vẫn ám ảnh với cách hành xử thiếu tình người, thiếu hiểu biết pháp luật của cô giáo và nhà trường nơi L. học tập. Và, an ninh ở trường học này đã đến hồi S.O.S.
Mới đây, vụ bắt cóc trẻ em tại trường mầm non 10A (phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM) khiến người dân nghi ngờ về tình hình an ninh của trường học. Trường có bảo vệ nhưng kẻ xấu vẫn đột nhập vào và cầm dao kề cổ, tay còn lại đè cô hiệu trưởng xuống nền nhà. Thấy vậy, các giáo viên đã di tản các cháu học sinh ra khu vực an toàn.
Thế nhưng, đối tượng xấu đã nhanh hơn các cô giáo, dùng dao khống chế được 2 học sinh lớp mầm non 1 (lớp 3 tuổi) đưa vào cố thủ trong phòng học. Sau 10 phút, lực lượng công an đã có mặt và phong tỏa toàn bộ khuôn viên trường mầm non 10A và triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm giải cứu con tin. Chưa đầy 1 tiếng đồng hồ sau, nhờ sự nỗ lực của lực lượng công an, hai cháu bé đã được giải thoát.
Đối tượng bị bắt, người ta mới xem xét đến nguyên nhân của vụ bắt cóc và phát hiện, tình hình an ninh quá lỏng lẻo. Trường có bảo vệ nhưng kẻ gian đột nhập không biết.
Hình ảnh học sinh đánh nhau vẫn thường xuyên xảy ra tại các trường học.
Hay như vụ việc mới đây gây chấn động dư luận tỉnh Gia Lai khi hai nhóm học sinh lớp 11 và lớp 12 của trường THPT Nguyễn Trường Tộ (huyện Đức Cơ) xảy ra mâu thuẫn, cãi vã, đánh nhau ngay tại sân trường. Do bị ức chế, nhóm học sinh lớp 11 trong đó có học sinh Phạm Huy Thịnh đã rút điện thoại gọi điện cho người nhà đến cầu cứu, dằn mặt đối thủ. Nhận được điện thoại, bố của Thịnh là Phạm Thái Bình (SN 1964, quê Quảng Bình) chở vợ cầm theo súng quân dụng và rủ thêm hai em họ là Cao Ngọc Nam và Phạm Bá Sỹ (hai người này thủ sẵn mã tấu) tới trường.
Tới nơi, Bình cùng nhóm người của mình xông thẳng vào trường truy đuổi Nguyễn Tuấn Vinh là một trong những học sinh tham gia đánh Phạm Huy Thịnh. Hoảng sợ, Vinh chạy vào trốn trong toilet khu nhà Ban giám hiệu trường nhưng ông Bình vẫn quyết xông vào với một khẩu súng lăm lăm trên tay, còn hai người em họ của Bình thì vác mã tấu đi theo cùng truy đuổi. Khi phát hiện nơi Vinh đang trốn, Bình hô hoán người thân cứ giết đi cho tao đồng thời chĩa khẩu súng về chỗ Vinh đang trốn, buông ra những câu chửi tục tĩu.
Còn vợ ông Bình thì đứng gần tung hô hành động của chồng. Thấy học sinh bị truy đuổi, nhiều thầy giáo của trường tới ngăn ông Bình lại, đồng thời lợi dụng sơ hở của gia đình ông Bình, một số thầy cô khác đã tìm cách lén đưa Vinh ra phía sau, nhưng ông Bình phát hiện được, tiếp tục đuổi đánh.
May mắn lúc này lực lượng công an vừa tới, đưa Vinh lên xe và mời ông Bình về trụ sở giải quyết. Không những không chấp hành, ông Bình còn xông tới lôi Vinh từ trên xe xuống tát mấy cái vào mặt. Trước thái độ quá khích của ông Bình, lực lượng công an buộc phải dùng bình xịt cay khống chế Bình và bắt giữ cả nhóm về trụ sở công an huyện tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Rồi thì vụ một sinh viên đang học trong trường bị đâm chết tại lớp học ở trường Cao đẳng kinh tế (chi nhánh ở Bắc Ninh), vừa xảy ra cho thấy, an ninh trường học đang rất bất ổn. Có một thực tế, là nhà trường không thể trông chờ vào lực lượng bảo vệ như hiện nay để đảm bảo an ninh, tính mạng cho học sinh mà cần có những biện pháp cụ thể khác.
Lỗ hổng an ninh trường học vẫn còn đó
Theo đánh giá của đại tá Phạm Xuân Bình, Phó giám đốc công an TP. Hà Nội, tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học cho thấy, đạo đức, lối sống của giáo viên, học sinh được đánh giá tốt song vẫn xảy ra một số vụ mất an ninh, trật tự liên quan tới học sinh, sinh viên. Tình trạng học sinh sử dụng ma túy, mang hung khí, đánh nhau trong và ngoài nhà trường vẫn xảy ra. Tại trường vẫn xảy ra mất trộm, kẻ xấu lẻn vào trường trong giờ tan học để gạ gẫm, xâm hại học sinh...
Nguyên nhân dẫn đến các sai phạm trên được xác định là do sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý học sinh, sinh viên còn thiếu chặt chẽ; mặt trái của kinh tế thị trường cùng với lối sống ích kỷ, vô cảm của người lớn và thói hư tật xấu ở ngoài xã hội tác động tiêu cực đến học sinh...
Đề cập tới công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho học sinh trong trường, trước nguy cơ xâm hại từ những đối tượng xấu ngoài xã hội và xung quanh trường học, thầy giáo Lê Trung Tuấn, Hiệu trưởng trường tiểu học Phú La (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Nhà trường thường xuyên tuyên truyền đến các phụ huynh học sinh để nhắc nhở con em mình khi đi học về, nếu không có người lớn đón phải đi thành từng tốp 2 - 3 cháu một. Quá trình đi đường có gì xảy ra phải kêu to, thông báo cho người đi đường biết và giúp đỡ.
Nhà trường yêu cầu bảo vệ phải thực hiện nghiêm chỉnh, tuyệt đối quy định trong giờ học không được để bất kì cháu học sinh nào ra khỏi trường một mình. Không được để người lạ vào trường nếu không có đầy đủ giấy tờ chứng minh. Khi có người lạ đến đón học sinh về phải có thông báo ngay với bố, mẹ và được sự đồng ý của bố mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm lớp và nhà trường thì mới được phép cho ra khỏi trường. Đồng thời phải kết hợp chặt chẽ với công an cơ sở nhằm xử lý nhanh những tình huống có thể xảy ra.
Theo GS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội thì, mặc dù từ trước tới giờ trường chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào. Tuy nhiên, để giáo dục học sinh, chúng tôi có quy định rất rõ: "Nếu các học sinh tụ tập nhóm đông người, kéo bè, kéo bạn đến trường học đánh nhau sẽ nhận quyết định bị đuổi học ngay lập tức. Đồng thời với lực lượng bảo vệ 6 người/3ca sẽ thường xuyên phối hợp với lực lượng công an cơ sở để giải quyết, xử lý nhanh các vụ việc”.
Quỳnh Chi