Có lẽ cũng chính vì thế nên năm nào cũng vậy, sau mùa tránh rét, hàng nghìn hàng vạn con cò lại lũ lượt bay về đảo Vĩnh Thực tìm nơi trú ngụ. Đây chính là thời điểm tuyệt vời cho việc bẫy cò
Giăng lưới bắt cò
Thả bộ dọc bờ cát mềm mại bao quanh đảo Vĩnh Thực như lưỡi của một con ngao liếm vào mặt biển, tôi có thể thấy những đám mây trắng khổng lồ đang trôi về phía mình. Nhưng khi đến gần, tôi mới phát hiện ra đó không phải là những đám mây mà là những đàn cò trắng muốt dễ đến cả ngàn con. Sau một hồi bay lượn trên bầu trời xanh màu nước biển, chúng hướng về phía đảo rồi mất hút sau những quả đồi xanh mướt.
Nhằm thẳng hướng nơi đàn cò hạ cánh, tôi hì hục leo qua những con đường dốc ngoằn ngoèo trong làng, vòng qua những quả đồi nối tiếp nhau đến một cánh đồng lúa trải dài tít tắp. Phía xa xa, trên những bờ cỏ xanh rì, từng đàn cò đang mở "đại tiệc". Con bay, con đậu, con cặm cụi kiếm ăn tạo thành một bức tranh tự nhiên vô cùng sinh động với những mảng màu trắng muốt. Bỗng dưng hàng nghìn con cò đồng loạt đập cánh loạn xạ, nháo nhác bay vút lên trời. Số còn lại đã bị sập bẫy, đang giãy giụa trong những mắt lưới lùng bùng. Cảnh ồn ào trên đồng cỏ vừa tạm lắng lại có thêm một vụ sập lưới khác gây ra cảnh náo loạn một góc trời.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, một người dân trên đảo vừa bẫy được mẻ cò lớn đang phấn khởi gom "chiến lợi phẩm" cho biết công việc này hàng ngày do chồng chị làm nhưng hôm nay, chồng đi vắng nên chị làm thay. Ngồi dưới bóng râm của một cây thông lớn, ngắm những đàn cò trắng muốt đang cần mẫn kiếm ăn, chị Ngọc vui vẻ kể chuyện bẫy cò. Gia đình chị đã có nhiều đời sinh sống trên đảo nên với bản thân chị, không gì thân thuộc hơn hòn đảo yêu dấu này. Chị thuộc từng cái cây, quả đồi, từng con sóng ngọn gió trên đảo như lòng bàn tay. Chỉ cần ngửi mùi gió, ngắm trăng sao cũng đủ để chị nhận biết tín hiệu của đàn cò, biết khi nào chúng sẽ đến, đến ít hay nhiều và đến từ nơi đâu.
> Tuyệt kỹ săn sá sùng trên đảo Vĩnh Thực
Số cò đem bán
Chị bảo năm nào cũng vậy, cứ đến tầm đầu tháng 3, khi tiết trời dần trở nên ấm áp, từng đàn cò lại gọi nhau bay về đảo, nhuộm trắng cả bầu trời. Khoảng thời gian này, cò trên đảo nhiều vô kể. Người lớn, trẻ con, đàn ông, phụ nữ… thi nhau đi bẫy cò. Thông thường để bẫy cò người ta sẽ dùng lưới hoặc dùng nhựa dính. Với phương thức bẫy bằng nhựa dính, họ sẽ dùng các cọc tre, cọc gỗ dài khoảng 50 - 60 cm, một đầu bôi sẵn nhựa dính, đầu còn lại cắm xuống đất. Khi đàn cò sà xuống kiếm ăn, đậu trên cọc, ngay lập tức, chân của chúng sẽ bị dính vào đầu gậy. Dù có vùng vẫy khỏe đến mấy, chúng cũng khó lòng thoát khỏi cái bẫy mình đã vướng chân vào.
Nhưng hầu hết người trên đảo không dùng tới cách này mà chủ yếu bắt bằng lưới. Chỉ cần dựng một bức tường lưới cao từ 2,5 - 3m song song với một thường lưới khác thấp hơn sao cho giữa hai bức tường tạo thành một chiếc túi lưới đủ sâu và hẹp để khi bị rơi xuống, cò không thể bay lên trước khi bị những người đặt bẫy tóm gọn. Cũng tấm lưới đó, họ có thể bắt cò bằng cách tạo thành một chiếc lồng bằng lưới chờ sẵn bên trên. Đợi khi những chú cò đang say mồi, mất cảnh giác trong "vùng cấm", người giăng bẫy sẽ từ chỗ núp giật giây cho chiếc lưới chụp xuống, bắt gọn cả đàn.
"Thú vui" hay nỗi xót xa?
Từ khi còn là một đứa trẻ, chị Ngọc đã được theo chân người lớn trong nhà đi bẫy cò. Chị bảo cò trên đảo này chủ yếu là cò trắng, loài cò tinh khôn nhất và cũng là loài cò ngon nhất. Khi đi bẫy, chỉ cần ngụy trang không khéo, cò sẽ phát hiện ra ngay và lảng ra xa đầy cảnh giác. Nhưng thịt cò trắng từ lâu vốn đã trở thành món ăn đặc sản được ưa thích trên đảo. Cò sau khi làm thịt sẽ được chế biến thành các món quay, nướng, xáo măng, hấp lá ngải, hầm hạt sen, ốp chả… Một anh thanh niên cũng bẫy cò ở gần đấy nghe được câu chuyện của chúng tôi hào hứng lên tiếng: "Những đêm trăng sáng, sóng vỗ rì rào, gió thổi mát rượi, được cùng bạn hiền ngồi trên bờ biển ngắm đèn hoa đăng, cạn chén rượu nồng, chia nhau miếng thịt cò thơm ngậy thì chả thú vui gì bằng cho được".
Qua câu chuyện của những người bẫy cò trên đảo tôi được biết, bây giờ họ không chỉ bẫy cò để ăn mà còn để bán. Nguyên nhân là do một vài vị khách sau khi ghé thăm đảo, được thưởng thức món cò trắng liền đem lòng ngưỡng mộ, không được ăn lại thấy thèm thuồng. Tin lành đồn xa, nhiều người ở nơi khác cũng muốn được thưởng thức món cò Vĩnh Thực để kiểm chứng thực hư. Sau thấy ngon, họ gửi người ra đảo mua hộ rồi chuyển lên đất liền. Bởi vậy, mỗi ngày lại có một số lượng lớn cò trên đảo bị đánh bẫy để đem bán. Giá mỗi con chỉ từ 25 - 30 nghìn đồng. Khi được hỏi: "Bắt nhiều như vậy không sợ hết cò sao?". Người dân ở đây vô tư trả lời: "Không hết được đâu. Cò trên đảo nhiều lắm. Mình không bắt thì đến mùa chúng bay đi, người nơi khác cũng bắt mà".
Mặc dù đã được nghe một lời giải thích nhưng không hiểu sao sau khi lưu luyến chia tay hòn đảo xinh đẹp này, lòng tôi vẫn canh cánh một nỗi lo, ngày trở lại không biết có vắng bóng cò?
Dương Dung